Vấn đề nổi bật trong tuần:
Cựu Bộ trưởng bị "cảnh cáo", Chủ tịch tập đoàn được "minh oan"
(Dân trí) - Với hàng loạt sai sót, khuyết điểm "gây hậu quả" nghiêm trọng, cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã bị kỷ luật Đảng, mức "cảnh cáo"; trong khi đó, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Petrolimex được minh oan sau đơn tố cáo nặc danh.
Những vấn đề khác cũng được độc giả quan tâm trong tuần qua là cuộc trò chuyện giữa nguyên Bộ trưởng Lê Doãn Hợp và sếp tập đoàn về thuật "trói người tài", sự kiện môi trường kinh doanh Việt Nam thăng hạng 9 bậc, nỗi lo nợ công đã lên mức 2,6 triệu tỷ đồng...
Nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương bị đề nghị kỷ luật "cảnh cáo"
Dưới thời nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng lãnh đạo, Bộ Công Thương xảy ra rất nhiều bê bối nhân sự, trong đó, vụ việc Trịnh Xuân Thanh hay Vũ Quang Hải chỉ là điển hình.
Cụ thể, trong hai nhiệm kỳ do ông Vũ Huy Hoàng lãnh đạo, tại Bộ Công Thương xảy ra nhiều trường hợp bổ nhiệm lãnh đạo doanh nghiệp không có kinh nghiệm quản trị; bổ nhiệm doanh nhân trẻ đưa lên làm thư ký bộ trưởng, 2 trưởng phòng chung 1 "ghế"...
Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa công bố ngày 24/10 cũng đã đưa ra nhận định, những vi phạm, khuyết điểm của vị cựu Bộ trưởng "đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, của Bộ Công Thương và cá nhân ông Vũ Huy Hoàng, gây bức xúc trong xã hội". Ông Hoàng bị đề nghị mức kỷ luật cảnh cáo.
Sau kết luận này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, phải xem xét người do ông Vũ Huy Hoàng bổ nhiệm có yếu tố tư lợi.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) thì đưa ra nhận xét, "nếu là một người lịch sự và tự trọng" thì con trai ông Vũ Huy Hoàng là Vũ Quang Hải nên viết đơn thôi việc tại Sabeco.
Thậm chí, theo nhận định của ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, nếu ông Vũ Huy Hoàng dính vào tham nhũng, dính vào sai phạm trong quy trình đề bạt công chức thì ông Hoàng sẽ phải ra tòa. Trịnh Xuân Thanh ra tòa thì ông Hoàng cũng phải ra tòa, chứ không còn cách nào khác.
Trả lời phỏng vấn báo chí sau đó, Bộ trưởng đương nhiệm của Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, sẽ thực hiện đầy đủ kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.
Chủ tịch Petrolimex Bùi Ngọc Bảo được minh oan sau xác minh đơn tố cáo
Bộ Công Thương mới đây đã xác minh đơn tố cáo đối với ông Bùi Ngọc Bảo, phụ trách bộ phận đại diện vốn nhà nước, Chủ tịch Hội đồng quản trị Petrolimex theo 4 nội dung:
(1) Việc bổ nhiệm cán bộ của ông Bảo; (2) việc điều hành Công ty TNHH MTV Petrolimex Singapore bị tố làm làm trái quy định gây thua lỗ 1.500 tỷ đồng; (3) nhận hối lộ của 2 cán bộ công ty thành viên và (4) mua chuộc Kiểm toán Nhà nước.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương đã khẳng định cả 4 nội dung trên đều "không có cơ sở".
Các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ nguồn lực khổng lồ
Cụ thể, 652 doanh nghiệp nhà nước nắm hơn 3 triệu tỷ đồng tổng tài sản, gần 1,4 triệu tỷ đồng vốn chủ sở hữu. Với nguồn lực trên, các DNNN mang về 1,59 triệu tỷ đồng tổng doanh thu năm 2015, trong đó, riêng 7 tập đoàn đã góp vào 60% tổng doanh thu các doanh nghiệp toàn quốc.
Tuy nhiên, trong số đó nhóm 103 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ - công ty con trong năm 2015 lại báo nợ phải trả 1,55 triệu tỷ đồng, riêng nợ ngân hàng là 356.000 tỷ đồng. Ngoài ra, các "ông lớn" này còn đang có trên 16.700 tỷ đồng nợ phải thu khó đòi.
Nguyên Bộ trưởng và sếp tập đoàn tranh luận thuật "trói" người tài
Trong cuộc trò chuyện giữa nguyên Bộ trưởng TT&TT Lê Doãn Hợp và Chủ tịch tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn, ông Hợp lý giải: Kinh tế tư nhân khác hoàn toàn kinh tế nhà nước ở chỗ, chọn người để làm mục tiêu. Anh làm đúng mục tiêu của tôi coi như đó là người giỏi nhất. Tôi phải trả lương, trả bao nhiêu là quyền của tôi. Cái hay của kinh tế tư nhân là trả lương không ai biết.
Trong khi đó, ông Thòn nói: Ở chúng tôi, cơ chế rất rõ ràng, thứ nhất, đề bạt theo ý mình; thứ hai là cách chức theo ý mình; thứ ba, trả lương theo ý mình.
Nợ công 2,6 triệu tỷ đồng, tăng nhanh gấp 3 lần GDP
Nợ công tính đến năm 2015 là trên 2,6 triệu tỷ đồng, bằng 62,2% GDP. Tuy vẫn trong giới hạn cho phép song tốc độ tăng bình quân cả giai đoạn (18,4%/năm) là khá cao, gấp hơn 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP.
Nợ công sẽ còn chịu áp lực lớn trong bối cảnh dự kiến đến tháng 7/2017 Việt Nam sẽ không còn được vay theo điều kiện ODA mà chủ yếu là vốn vay ưu đãi, tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Nguồn vốn ODA đã vay chuyển sang điều khoản vay trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất lên từ 2%-3,5%.
Thủ tướng mong TPHCM "đồng cam cộng khổ" với cả nước
Trả lời Dân trí về việc tỷ lệ thu từ ngân sách để lại cho TP HCM dự kiến sẽ bị cắt giảm 5% (từ 23 % xuống 18%) trong kế hoạch phân bổ ngân sách năm 2017, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TPHCM nói rằng: "Điều này là không công bằng với người dân TPHCM".
Tại cuộc họp Chính phủ diễn ra hôm qua (29/10), Thủ tướng chia sẻ, TPHCM còn nhiều vấn đề như kẹt xe, bụi bặm, ngập nước… tuy nhiên vẫn mong TPHCM cố gắng tìm thêm nguồn khác, cùng đồng cam cộng khổ với cả nước vì ngân sách phải lo cho nhiều vùng rất khó khăn như Cà Mau, Lạng Sơn, Cao Bằng…
Than nhập từ Trung Quốc có mức giá phù hợp!
Lý giải về giá than nhập từ Trung Quốc cao nhất, trung bình 71 USD/tấn, ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) khẳng định, sau khi tra hoá đơn, chứng từ của Hải quan, giá than nhập từ Trung Quốc có mức giá phù hợp với giá than thế giới, đặc biệt là phù hợp với chủng loại than Antraxit.
Trong khi đó, do ngân sách đang khó khăn, chính sách thuế mới áp dụng chưa được nửa năm nên Bộ Tài chính đã bác đơn đề nghị giảm thuế xuất khẩu đối với than xuất khẩu mà Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) và tỉnh Quảng Ninh vừa đề nghị nhằm giải cứu cho TKV đang lúc khó khăn.
Không có chuyện giải độc đắc 92 tỷ đồng bị vô hiệu
Trước những thông tin cho rằng Vietlott có biểu hiện phát hành vé số sai quy định khi vé Vietlott được mua bán dạo vàviệc trúng giải 92 tỷ đồng từ chiếc vé bán dạo là không phù hợp, Vietlott đã lên tiếng khẳng định: Quy trình trả thưởng vừa qua là hoàn toàn theo đúng quy định pháp luật.
Việt Nam tăng 9 bậc xếp hạng môi trường kinh doanh
Báo cáo thường niên về chỉ số thuận lợi kinh doanh 2017 do World Bank công bố cho thấy, Việt Nam xếp hạng 82 trên tổng số 190 nền kinh tế được đánh giá, tăng 9 bậc so với năm 2016.
Đáng chú ý là tiêu chí tiếp cận điện năng tăng 5 bậc; tiêu chí bảo vệ nhà đầu tư nhỏ tăng ấn tượng 31 bậc; tiêu chí nộp thuế tăng 11 bậc và tiêu chí giao thương quốc tế cũng tăng tới 15 bậc
Bích Diệp