Từ tháng 7/2017, Việt Nam sẽ phải vay ODA với lãi suất cao

(Dân trí) - Dự kiến đến tháng 7/2017 Việt Nam sẽ không còn được vay theo điều kiện ODA mà chủ yếu là vốn vay ưu đãi, tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Nguồn vốn ODA đã vay chuyển sang điều khoản vay trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất lên từ 2%-3,5%.

Đây là khẳng định ông Hoàng Hải - Phó Cục trưởng Cục Bộ Tài chính (Cục Quản lý Nợ và Tài chính Đối ngoại) trong báo cáo về tình hình thực hiện các dự án ODA (vốn viện trợ phát triển chính thức) trong thời gian qua của Bộ Tài chính.

Theo lý giải của ông Hải: "Từ năm 2010, Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình. Mức độ ưu đãi của các khoản cho vay của các đối tác phát triển dành cho Việt Nam đang giảm rõ rệt. Chính vì thế, trong tháng 7/2017 Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ họp quyết định Việt Nam cùng một số quốc gia khác có còn được vay ưu đãi nữa hay không, và có khả năng Việt Nam sẽ không còn được vay ODA".

Theo Bộ Tài chính, có khả năng thừ tháng 7/2017, Việt Nam sẽ không còn được hưởng các điều kiện vay ODA như: thời gian vay dài, lãi vay thấp và có ân hạn vì Việt Nam đã là nước có thu nhập trung bình trên thế giới
Theo Bộ Tài chính, có khả năng thừ tháng 7/2017, Việt Nam sẽ không còn được hưởng các điều kiện vay ODA như: thời gian vay dài, lãi vay thấp và có ân hạn vì Việt Nam đã là nước có thu nhập trung bình trên thế giới

Ông này nhấn mạnh, việc thay đổi quan niệm về thu nhập bình quân/người cũng làm thay đổi tính chất vốn vay ODA, trong đó đáng chú ý là lãi suất vay thấp, thời hạn vay dài và có ân hạn thời gian trả lãi và gốc.

"Từ năm 2010, thời hạn vay bình quân khoảng từ 30 - 40 năm, với chi phí vay khoảng 0,7% - 0,8%/năm, bao gồm thời gian ân hạn (giai đoạn trước năm 2010). Đến nay, thời hạn vay bình quân chỉ còn từ 10 - 25 năm, tùy theo từng đối tác và từng loại vay với chi phí vay khoảng 2%/năm trở lên (giai đoạn 2011 - 2015)", ông Hải nhấn mạnh.

Ngoài động thái của WB, theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong bối cảnh Việt Nam nợ công đang tăng lên và đã là một nước thu nhập trung bình. Nhiều đối tác cũng đang thay đổi cách vay và ưu đãi vốn vay ODA cho Việt Nam, trong đó mức độ ưu đãi các khoản vay đã giảm đi rõ rệt. Nhiều nhà tài trợ đã chuyển từ nguồn vốn ODA sang nguồn vốn hỗn hợp.

Về con số thu hút vốn ODA trong 10 năm qua từ 2005 - 2015, theo Bộ Tài chính: Việt Nam hiện đã ký kết vay được 45 tỷ USD, riêng số vốn đã ký kết tính từ đầu năm đến hết tháng 9/2016 là 350 nghìn tỷ đồng, số vay và trả nợ vẫn theo đúng kế hoạch vay trả nợ năm đã được phê duyệt.

Về nghĩa vụ trả nợ thời gian qua, đại diện Bộ Tài chính phân tích: Nghĩa vụ trả nợ của các khoản vay trong nước là 58.000 tỷ đồng (chủ yếu là các khoản đáo hạn), khoản vay nước ngoài 9.900 tỷ đồng. Con số vay này cho đến nay vẫn nằm trong hạn mức đầu năm của chính phủ. Nguồn vốn ODA chủ yếu để phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển nông nghiệp, xóa đới giảm nghèo. Đóng góp lớn, tạo điều kiện phát triển KT-XH.

"ODA đúng là phần vốn vay phải trả nợ nhưng tỷ lệ đảo nợ hiện vẫn theo các quy định của Luật Ngân sách, của Luật quản lý Nợ công và vẫn theo kế hoạch vay và trả nợ năm 2016", ông Hải nhấn mạnh.

Nguyễn Tuyền