Các "ông lớn" Nhà nước nợ 1,55 triệu tỷ đồng

(Dân trí) - Đây là tổng số nợ phải trả của nhóm 103 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ - công ty con trong năm 2015. Cùng với việc báo nợ phải trả 1,55 triệu tỷ đồng, trong đó nợ ngân hàng 356.000 tỷ đồng thì các "ông lớn" cũng đang có trên 16.700 tỷ đồng nợ phải thu khó đòi.

Có 25 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước có nợ phải trả cao gấp hơn 3 lần vốn chủ sở hữu
Có 25 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước có nợ phải trả cao gấp hơn 3 lần vốn chủ sở hữu

Hơn 16.700 tỷ đồng nợ phải thu khó đòi

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng vừa có báo cáo gửi đại biểu Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2015.

Báo cáo cho hay, tổng tài sản của 103 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ - công ty con (gọi chung là TĐ, TCT) trong năm 2015 là 2,82 triệu tỷ đồng, tăng 4% so với thực hiện năm 2014.

Trong năm vừa qua, các TĐ, TCT đã dành trên 255.000 tỷ đồng để đầu tư tài chính ngắn hạn tăng 3% so với năm 2014. Trong khi đó, tổng các khoản phải thu là hơn 338.300 tỷ đồng, tăng 6% so với thực hiện năm 2014. Tỷ lệ nợ phải thu/ tổng tài sản năm 2015 là 12%.

Đáng chú ý, báo cáo cũng tiết lộ khoản nợ phải thu khó đòi của các "ông lớn" Nhà nước năm vừa qua lên tới trên 16.700 tỷ đồng, tăng 11% so với thực hiện năm 2014, chiếm 4,9% tổng số nợ phải thu.

Theo báo cáo hợp nhất, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đang dẫn đầu với khoản nợ phải thu khó đòi lên tới gần 6.800 tỷ đồng. Kế đến là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) với gần 1.500 tỷ đồng nợ phải thu khó đòi. Các tập đoàn khác là Viettel, Vinafood 1, Vinalines, Hanel, Vinacomin, Mobifone...

Một số công ty mẹ có tỷ lệ nợ phải thu/tổng tài sản ở mức cao (trên 50%) như: Công ty mẹ Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (nợ phải thu hơn 6.100 tỷ đồng, bằng 57%); Công ty mẹ TCT Đông Bắc (nợ phải thu gần 5.800 tỷ đồng, bằng 75%); Công ty mẹ TCT ĐTPT Đô thị và KCN Việt Nam (nợ phải thu hơn 4.700 tỷ đồng, bằng 54%); Công ty mẹ - TCT 36 (nợ phải thu hơn 2.700 tỷ đồng, bằng 51%)...

Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp nêu trên đã thực hiện trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi đầy đủ để xử lý các khoản nợ phải thu khó đòi theo quy định. Việc theo dõi, ghi nhận và trích lập dự phòng đối với các khoản nợ phải thu khó đòi để xử lý theo quy định nhằm bảo toàn vốn của doanh nghiệp.

Theo đó, các TĐ,TCT đã thực hiện trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi theo số liệu báo cáo hợp nhất trên 15.700 tỷ đồng (riêng các công ty mẹ trích lập gần 9.000 tỷ đồng).

Vay nợ nước ngoài chủ yếu nhờ Chính phủ bảo lãnh

Báo cáo của Chính phủ cũng tổng hợp số liệu từ báo cáo hợp nhất của các TĐ,TCT cho hay, tổng số nợ phải trả của nhóm doanh nghiệp lên tới 1,55 triệu tỷ đồng, tăng 1% so với thực hiện năm 2014. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2015 là 1,23 lần.

Tuy nhiên, trong số này có tới 25 TĐ,TCT có tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần. Điển hình như báo cáo hợp nhất của TCT Phát thanh truyền hình thông tin cho thấy doanh nghiệp này có nợ phải trả gấp gần 33 lần vốn chủ sở hữu; TCT Xăng dầu Quân đội là 17 lần; TCT 36 là 15 lần; TCT Cơ khí xây dựng là hơn 10 lần...

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đang dẫn đầu với khoản nợ phải thu khó đòi lên tới gần 6.800 tỷ đồng
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đang dẫn đầu với khoản nợ phải thu khó đòi lên tới gần 6.800 tỷ đồng

Báo cáo cũng phần cho thấy sự ưu ái của hệ thống ngân hàng đối với các TĐ, TCT Nhà nước. Trong năm vừa qua, nợ vay bao gồm vay ngắn hạn và dài hạn từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng của các TĐ,TCT lên tới gần 356.000 tỷ đồng, tăng 3% so với thực hiện năm 2014.

Một số TĐ,TCT có số nợ vay ngân hàng tương đối lớn như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam với trên 134.000 tỷ đồng; Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam với trên 42.700 tỷ đồng; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam với gần 30.000 tỷ đồng; Tập đoàn Viễn thông Quân đội với hơn 16.300 tỷ đồng; TCT Hàng hải Việt Nam với trên 14.700 tỷ đồng.

Một số công ty mẹ thực hiện huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Lũy kế giá trị trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành tính đến 31/12/2015 của các công ty mẹ đạt gần 30.000 tỷ đồng, bao gồm nguồn trái phiếu phát hành của Công ty mẹ - Vinacomin là 12.500 tỷ đồng; Công ty mẹ - TCT Becamex Bình Dương là trên 10.100 tỷ đồng; Công ty mẹ - EVN là 2.000 tỷ đồng.

Phần nợ nước ngoài thể hiện qua báo cáo hợp nhất của các TĐ,TCT gần 348.200 tỷ đồng (chủ yếu là vay dài hạn). Trong đó, có tới trên 121.000 tỷ đồng là vay lại vốn ODA của Chính phủ. Khoản vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh xấp xỉ 97.200 tỷ đồng. Vay nước ngoài theo hình thức tự vay, tự trả chỉ ở mức trên 62.000 tỷ đồng, còn lại là các hình thức huy động khác.

Theo đó, Công ty mẹ - EVN đang vay nước ngoài gần 209.000 tỷ đồng; Công ty mẹ - PVN đang vay nước ngoài trên 23.600 tỷ đồng; Công ty mẹ - Vinacomin đang vay nước ngoài gần 23.000 tỷ đồng; Công ty mẹ - TCT Đầu tư phát triển đường cao tốc là trên 22.200 tỷ đồng.

Nêu nhận xét, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, tổng nợ phải trả của các Công ty mẹ - DNNN luôn nhỏ hơn tổng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp. Đối với một số công ty mẹ - DNNN có mức huy động vốn vượt quá mức trần huy động (3 lần vốn chủ sở hữu) phải có ý kiến chấp thuận của cơ quan đại diện chủ sở hữu (bộ quản lý ngành, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh).

Tuy nhiên, các công ty mẹ vay vượt mức trần huy động vốn theo quy định là các doanh nghiệp kinh doanh có lãi, do vậy, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, khả năng thanh toán nợ vay của doanh nghiệp vẫn được đảm bảo.

Bích Diệp