Covid-19 "bủa vây" vựa lúa lớn nhất Việt Nam, nông sản mòn mỏi chờ được bán

Nguyễn Cường

(Dân trí) - Dịch Covid-19 đang bùng phát, khâu vận chuyển khó khăn nên lúa, khoai, hoa quả... ở đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) rớt giá, thậm chí không có thương lái đến mua khiến nông dân thua lỗ nặng.

5 triệu tấn lúa đang chờ doanh nghiệp tiêu thụ

Đến nay, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã thu hoạch được gần một nửa trong tổng số hơn 1,5 triệu ha lúa hè thu. Diện tích còn lại sẽ được thu hoạch từ nay đến đầu tháng 9 với sản lượng ước đạt gần 5 triệu tấn. Một số tỉnh vẫn còn diện tích lớn chưa thu hoạch như Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp.

Covid-19 bủa vây vựa lúa lớn nhất Việt Nam, nông sản mòn mỏi chờ được bán - 1

Nông dân ĐBSCL đang thu hoạch lúa hè thu trong lo lắng khi vắng bóng thương lái (Ảnh: Vĩnh Tường).

Theo ghi nhận, giá lúa thời điểm này đã xuống rất thấp, giảm hơn 20% so với các tháng trước. Không những vậy, nông dân còn rất khó bán lúa khi các doanh nghiệp, nhà máy hạn chế thu mua.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh An Giang, hiện nay trên thị trường giá các giống lúa OM 9582, OM 5451, OM 18 dao động từ 4.200-5.000 đồng/kg; IR50404 có giá từ 3.800-4.200 đồng/kg; nếp có giá từ 4.000-4.600 đồng/kg. Đây cũng là mức giá phổ biến cho toàn khu vực thời điểm hiện tại.

Vụ hè thu An, Giang xuống giống gần 230.000 ha, tuy nhiên các doanh nghiệp ở địa phương chỉ liên kết tiêu thụ được hơn 15.000 ha, chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Hiện An Giang vẫn còn khoảng 600.000 tấn lúa chờ thu hoạch.

Tại Sóc Trăng, ông Trần Tấn Phương - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - cho biết, địa phương sắp bước vào kỳ thu hoạch rộ với sản lượng lúa ước đạt 800.000 tấn. Dù vậy, do ảnh hưởng dịch bệnh nên nông dân đang gặp khó vì nhiều lý do như thiếu máy gặt, không có thương lái đến mua hàng, lúa không bán được.

"Việc hạn chế đi lại khiến địa phương có nguy cơ không huy động đủ máy gặt và nhân lực phục vụ thu hoạch lúa. Các nhà máy và kho chứa trên địa bàn cũng gặp tình trạng ùn ứ hàng nên doanh nghiệp đã hạn chế thu mua" - ông Phương cho biết thêm.

Covid-19 bủa vây vựa lúa lớn nhất Việt Nam, nông sản mòn mỏi chờ được bán - 2

Còn khoảng 5 triệu tấn lúa của nông dân ĐBSCL chờ doanh nghiệp tiêu thụ (Ảnh: Vĩnh Tường).

Ông Nguyễn Công Lý (58 tuổi, ngụ huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) có 10 ha lúa chờ thu hoạch cho biết, những ngày gần đây bà con nông dân rất khó khăn trong khâu tiêu thụ nông sản. Dù giá lúa đã giảm sâu nhưng vẫn không có người đến mua khiến việc thu hoạch chậm trễ, bà con nông dân cũng không có tiền để đầu tư vụ mới.

"Giá giảm hơn 1.000 đồng/kg so với thời gian trước, tức giảm khoảng 20%. Với giá này nông dân không có lãi, thậm chí là lỗ, nhà nào ruộng thuê thì lỗ nặng. Lúa không tiêu thụ được, thương lái đến đặt cọc rồi nhưng vẫn bỏ cọc, khó khăn lắm" - ông Lý nói.

Rau màu, hoa quả, thủy sản ùn ứ hàng chục nghìn tấn

Không chỉ lúa, rau màu và thủy sản ở ĐBSCL cũng đang bị ùn ứ nghiêm trọng. Các loại rau màu như khoai, bắp số lượng hàng chục nghìn tấn, các loại khác như xà lách, diếp cá vốn nhanh hỏng cũng đang có lượng cung vượt quá khả năng tiêu thụ ở địa phương.

Trong tháng 8, tỉnh An Giang sẽ thu hoạch 83.000 tấn rau màu gồm các loại như bắp, đậu nành, hành lá, sen… Tuy nhiên nhu cầu trong tỉnh chỉ khoảng 25.000 tấn, chiếm khoảng 30%, số lượng còn lại rất lớn đang cần được hỗ trợ tiêu thụ.

Covid-19 bủa vây vựa lúa lớn nhất Việt Nam, nông sản mòn mỏi chờ được bán - 3

Một lượng lớn khoai lang ở Vĩnh Long đang nằm chờ thu hoạch nhưng chưa có đầu ra.

Ông Trương Thành Dãnh - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long - thông tin khoảng 20.000 tấn khoai lang của nông dân tỉnh này đang nằm ruộng chờ thu hoạch nhưng không có thương lái đến mua. Thời gian chờ chỉ kéo dài được khoảng một tháng, nếu lâu quá khoai sẽ hỏng và phải đổ bỏ.

Ngoài khoai, Vĩnh Long cũng đang gặp khó trong việc tiêu thụ các loại rau như xà lách xoong, diếp cá khi lượng cung vượt quá nhiều lần khả năng tiêu thụ tại chỗ và không có thương lái đến mua.

Ở Sóc Trăng hiện cũng đang ùn ứ khoảng 500 tấn hoa quả như nhãn, đu đủ. Nhiều loại nhãn giảm giá chỉ còn 4.000 đồng/kg đến 6.000 đồng/kg. Bên cạnh rau quả, thủy sản của tỉnh này cũng đang gặp khó trong khâu tiêu thụ.

Bà Quách Thị Thanh Bình - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng - thông tin, dù giá tôm xuất bán cho nhà máy không biến động nhiều, tuy nhiên giá tôm bán ở chợ truyền thống đã giảm mạnh, tôm loại 200 con/kg đã giảm từ 70.000 đồng/kg xuống còn 30.000 đồng/kg.

Thị trường khó khăn khiến nông dân hạn chế thả nuôi. Dù các trại tôm giống đã tung ra chương trình khuyến mãi lớn đến 60% nhưng lượng tiêu thụ cũng chỉ bằng khoảng hơn 60% so với bình thường.

Ngoài tôm, Sóc Trăng hiện cũng đang bị tồn gần 2.000 tấn cá các loại. Nông dân phải kéo dài thời gian nuôi khiến chi phí đầu tư tăng cao, cùng với giao thương khó khăn dẫn đến thương lái, doanh nghiệp hạ giá mua nông sản, nông dân thiệt đơn thiệt kép.

Ông Lê Hữu Toàn - Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang - cũng cho biết giá tôm càng xanh ở địa phương này đã bị giảm, nguyên nhân do đây là mặt hàng bán ở chợ nhưng hiện tại chợ đã phải đóng cửa.

Covid-19 bủa vây vựa lúa lớn nhất Việt Nam, nông sản mòn mỏi chờ được bán - 4

Nhãn của bà con ở Nông trường sông Hậu Cần Thơ đến mùa thu hoạch nhưng cũng không có đầu ra.

Anh Linh là chủ vườn nhãn rộng 5 ha ở nông trường Sông Hậu (TP Cần Thơ) đang phải vật lộn với việc tiêu thụ sản phẩm của gia đình. Hiện sản lượng nhãn đến kỳ thu hoạch của gia đình anh ước đạt 50 tấn, tuy nhiên không có thương lái đến mua.

Giá bán tại vườn của nhãn các năm trước dao động hơn 20.000 đồng/kg. Năm nay gia đình anh Linh phải đóng hàng thành từng hộp 10 kg rồi nhờ xe từ thiện chở lên TPHCM. Hàng đến nơi lại tiếp tục nhờ người quen rao bán và đăng bán trên các hội nhóm mạng xã hội với giá chỉ 10.000 đồng/kg, dù bán lẻ nhưng giá cũng chỉ bằng một nửa bán sỉ các năm trước.

"Nếu không bán được thì cũng nhờ người quen đi phát từ thiện luôn, để ở vườn bị rụng hết. Năm nay gia đình tôi lỗ chừng 200 triệu đồng" - anh Linh buồn rầu nói.

Một hàng xóm của anh Linh cũng có 2 ha thanh nhãn đang chờ thu hoạch mùa đầu tiên. Để có vườn nhãn như vậy nông dân này đã phải chi hơn 1 tỷ đồng đầu tư ban đầu.

"Vườn trồng nhãn, trồng xen canh thêm mướp. Nhưng giờ hàng không bán được, tôi toàn cắt đóng thành túi vừa rau vừa quả đem đi cho họ hàng. Đầu tư như vậy là đã hết sạch tiền cả của nhà lẫn vay ngân hàng, vậy mà giờ không bán được, sang năm lấy đâu tiền mua phân bón" - người đàn ông buồn bã nói.