Ảnh hưởng dịch Covid-19, Đắk Lắk mời gọi hỗ trợ tiêu thụ nông sản
(Dân trí) - Ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều nông sản của nông dân có nguy cơ tiêu thụ chậm. Do đó, tỉnh Đắk Lắk đã kêu gọi sự hỗ trợ của các bộ, ngành, các địa phương tiêu thụ sản phẩm giúp nông dân.
Ngày 10/8, trao đổi với Dân trí, ông Vũ Đức Côn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đắk Lắk - cho biết, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có gửi văn bản đến các Bộ, ngành và nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước về việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Theo đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều nông sản của tỉnh có nguy cơ tiêu thụ chậm như cà phê, hồ tiêu, cao su, hạt điều… sẽ giảm về lượng xuất khẩu. Trong đó, cà phê giảm nhiều về lượng tiêu dùng trong nước do thực hiện giãn cách xã hội.
Đặc biệt, tỉnh Đắk Lắk có sản lượng trái cây rất lớn, giá trị kinh tế cao, đem lại nguồn thu lớn cho nông dân như sầu riêng, bơ… nhưng thời gian bảo quản ngắn và địa phương chưa có nhà máy chế biến, kho lạnh bảo quản trái cây quy mô lớn.
Theo thống kê, toàn tỉnh có khoảng 5.300 ha sầu riêng cho thu hoạch từ tháng 8 đến tháng 10 với sản lượng khoảng 103.000 tấn. Các loại sầu riêng ưa chuộng như Ri6, Dona… có chất lượng tốt, hạt bé, cơm vàng, béo, thơm ngon.
Đối với bơ, diện tích thu hoạch khoảng 5.400 ha, sản lượng ước tính 82.000 tấn với nhiều giống bơ ngon như bơ sáp, bơ booth, bơ H, bơ 304…
Để giúp bà con nông dân tiêu thụ nông sản, UBND tỉnh Đắk Lắk gửi văn bản đề nghị hỗ trợ tiêu thụ đến Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải… và các tỉnh, thành như Đà Nẵng, Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh…
Qua đó, tỉnh mong muốn các bộ, ngành tạo điều kiện để doanh nghiệp, thương nhân của tỉnh tham gia sàn giao dịch điện tử; giới thiệu, kết nối các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp lớn thúc đẩy tiêu thụ nông sản đặc biệt là bơ và sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk; tạo điều kiện cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa của tỉnh đi qua và đến các tỉnh, thành trong cả nước.
"Hiện trong thời gian giãn cách xã hội nên việc kiểm soát người đi/đến địa phương rất chặt chẽ, dẫn tới nhiều khó khăn, vướng mắc để trái cây của Đắk Lắk tiêu thụ ở địa bàn ngoài tỉnh. Rất cần giải pháp hỗ trợ tạo sự thuận lợi trong lưu thông hàng hóa", ông Vũ Đức Côn cho hay.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cũng cho rằng, các địa phương ở tỉnh cần tổ chức tốt việc thu gom, tập kết trái cây của nông dân thành một điểm để thương lái dễ dàng tìm đến thu mua đồng thời, giúp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.