Chịu nóng hay là đói? | Báo Dân trí

Chịu nóng hay là đói?

Hoàng Đại

(Dân trí) - Nhiều hộ gia đình trên thế giới đang phải đối mặt với rủi ro đói nghèo khi mà nắng nóng cản trở công việc hàng ngày rồi kéo thu nhập của họ giảm xuống, theo một nghiên cứu.

Khi mà quá trình biến đổi khí hậu khiến cho những đợt nắng nóng trở nên ngày càng thường xuyên và cực đoan hơn, rủi ro đối với sức khỏe loài người cũng ngày một gia tăng.

Nhưng khi những tác động bề nổi của nắng nóng có thể cảm nhận được trực tiếp bằng da, bằng thịt, thì song song tồn tại một hệ quả ít được nhiều người để ý, theo một nghiên cứu gần đây: Cái nóng đi liền cái đói.

"Nhiều hộ gia đình trên toàn thế giới đang phải đối diện với rủi ro đói, nghèo khi mà nắng nóng cản trở công việc hàng ngày, qua đó kéo giảm thu nhập của họ", Carlin Kroeger, Tiến sĩ tới từ tại Đại học Oxford, tác giả nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Nature Human Behaviour.

Chịu nóng hay là đói? - 1

Tiến sĩ Carlin Kroeger, tác giả nghiên cứu tác động của nắng nóng tới sinh kế của người lao động (Ảnh: LinkedIn).

Kết quả quá trình nghiên cứu của Kroeger cho thấy một tuần nhiệt độ cao, được định nghĩa bằng một tuần lễ có ít nhất 3 ngày lọt vào top 10% ngày nóng nhất trong năm, sẽ đi liền với mức tăng đáng kể rủi ro mất an ninh lương thực. Nếu lấy Ấn Độ làm ví dụ, có khoảng ít nhất 8 triệu người sẽ rơi vào cảnh thiếu ăn trong một tuần như vậy.

Khi nhiệt độ tăng cao, bộ phận người dân có thu nhập phụ thuộc vào năng suất lao động, kiếm được ít tiền hơn trước. Một mặt, mong muốn làm việc của họ không còn quá mãnh liệt như trước. Mặt khác, năng suất lao động của họ sẽ không được đảm bảo khi phải làm việc trong cái nóng ngột ngạt, Trong năm 2021, thế giới mất 470 triệu giờ làm việc vì nắng nóng, tương đương với 1,5 tuần/người lao động.

"Nếu như bạn là một người thợ bốc xếp gạch và được trả lương bằng số viên gạch mà bạn vận chuyển được, rõ ràng bạn sẽ kiếm được ít tiền hơn trong một ngày nắng nóng", Kroeger chia sẻ.

Antonella Mazzone, chuyên gia tới từ Đại học Bristol, người chuyên nghiên cứu tác động của nắng nóng, cho biết kết quả nghiên cứu của Kroeger "thể hiện cách tiếp cận sáng tạo, qua đó khám phá ra mối liên hệ giữa nắng nóng và rủi ro mất an ninh lương thực".

Trong khi kết quả nghiên cứu mới chỉ làm nổi bật tính chất tương quan giữa hai vấn đề, "nhưng mối liên hệ giữa bộ phận người lao động phi chính thức, làm việc trực tiếp ngoài trời với rủi ro mất an ninh lương thực là không thể chối cãi", Mazzone chia sẻ.

Bà gọi nghiên cứu của Kroeger là "lời cảnh tỉnh đối với vấn đề biến đổi khí hậu và an ninh lương thực, điều khiến chúng ta phải suy nghĩ về những việc cần phải làm nhằm giảm thiểu và ngăn chặn những rủi ro tiềm tàng".

Chịu nóng hay là đói? - 2

Người làm việc trực tiếp dưới nắng nóng đối diện với rủi ro mất an ninh lương thực cao hơn (Ảnh: Bloomberg).

Nghiên cứu của Kroeger đưa ra kết luận dựa trên hơn 500.000 thống kê từ Gallup World Poll. Đơn vị này mỗi năm thực hiện khảo sát tại hầu hết quốc gia trên toàn thế giới đối với những chủ đề "nóng" bao gồm an ninh lương thực.

Kroeger sử dụng kết quả các khảo sát trên, cùng với dữ liệu nhiệt độ từ Universal Thermal Climate Index, để làm nổi bật sự khác biệt giữa hai bộ phận: người lao động không phải và phải làm việc dưới nắng nóng.

Bà cho biết bộ phận người lao động trực tiếp trải qua một tuần nắng nóng phải đối diện với rủi ro "thiếu cái ăn" lớn hơn. Và rủi ro này gia tăng tỷ lệ thuận với số ngày nắng nóng trong năm.

"Các quốc gia có số lượng người lao động cao rơi vào nhóm trên sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất", Kroeger cho biết. Người lao động chân tay, phi chính thức, và trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ nằm trong vùng nguy hiểm.

Tại Mỹ, nhiều nông dân thậm chí không được thống kê chính thức, do đó được hưởng ít trợ cấp xã hội hơn. Thậm chí, nhóm lao động không trực tiếp làm việc ngoài trời, như trong các nhà máy, cũng phải đối diện với rủi ro tương tự khi hệ thống cách nhiệt và điều hòa nhiệt độ không thể giúp xua tan cái nóng.

Mazzone nhấn mạnh người dân tại nhiều khu vực vẫn chưa được tiếp xúc với các kỹ thuật, công nghệ làm mát. "Sự xuất hiện của những công nghệ nói trên giúp giảm thiểu rủi ro đói, nghèo", bà chia sẻ.

Đảm bảo sự an toàn cho người lao động, trong đó có khả năng tiếp cận thực phẩm, là nhiệm vụ tối cần thiết khi nhiệt độ toàn cầu tăng. Một giải pháp có thể được thực hiện trong ngắn hạn là dịch vụ bảo hiểm vi mô như đang được áp dụng đối với nhóm lao động phi chính thức tại Ấn Độ.

Những lao động nữ tại quốc gia Nam Á này nộp tiền vào các tài khoản bảo hiểm, và "khi những ngày nắng nóng tới, họ sẽ được cơ quan bảo hiểm chi trả thay vì phải ra ngoài làm việc", Kroeger chia sẻ.

Trong khi đó, một số quốc gia cũng đang tích cực đẩy mạnh các giải pháp bảo vệ người lao động. Hồi đầu năm nay, Thống đốc bang Texas - George Abbott ký quy định yêu cầu các doanh nghiệp bố trí thời gian nghỉ ngơi đối với người lao động ngoài trời.

Trong dài hạn, Kroeger cho biết, các thành phố, tòa nhà, nơi làm việc cần phải được thiết kế với tỷ lệ ứng dụng cao các giải pháp làm mát, giúp người lao động không phải lựa chọn giữa "miếng cơm, manh áo" và sức khỏe của chính mình.

Dòng sự kiện: Kinh tế bền vững