Bình Định xác định cảng biển là một trong 5 trụ cột tăng trưởng kinh tế
(Dân trí) - Ngày 18/10, UBND tỉnh Bình Định vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải, kiến nghị điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cảng Đống Đa, TP Quy Nhơn thuộc khu bến Quy Nhơn - Thị Nại - Đống Đa.
Khai thác hiệu quả cụm cảng Quy Nhơn
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX xác định dịch vụ cảng và logistics, bao gồm cảng biển, là một trong 5 trụ cột góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Trong đó, định hướng tập trung khai thác hiệu quả cụm cảng Quy Nhơn hiện có, gắn với phát triển hệ thống cảng cạn và hiện đại hóa dịch vụ cảng, tối đa hóa công suất. Đồng thời, nghiên cứu xác định địa điểm và kêu gọi đầu tư xây dựng cảng mới có công suất lớn và đa năng.
Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cảng biển Bình Định thuộc nhóm cảng biển số 3, gồm khu bến Quy Nhơn - Thị Nại - Đống Đa, khu bến Nhơn Hội, các khu bến khác và khu neo đậu chuyển tải, tránh, trú bão.
Khu bến Quy Nhơn - Thị Nại - Đống Đa được quy hoạch có chức năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Định và khu vực Tây Nguyên; có các bến container, tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí, bến cảng khách.
Tại dự thảo quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, UBND tỉnh Bình Định cũng tham gia góp ý có các khu bến Quy Nhơn - Thị Nại - Đống Đa, khu bến Nhơn Hội, bến cảng Phù Mỹ và khu neo đậu chuyển tải, tránh, trú bão. Trong đó, khu bến Quy Nhơn - Thị Nại - Đống Đa được quy hoạch có chức năng như đã nêu trên.
Phát huy tiềm năng bến cảng Đống Đa
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, để phát huy tiềm năng, lợi thế bến cảng Đống Đa, từ năm 2018, tỉnh đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu đề xuất điều chỉnh quy hoạch xây dựng cảng Đống Đa theo hướng chỉ xây dựng cảng tổng hợp, không xây dựng cảng xăng dầu và các bồn chứa xăng dầu tại khu vực này.
Đồng thời, đề xuất vị trí mới phù hợp để di dời hai cảng xăng dầu của Công ty Xăng dầu Bình Định, để mở rộng cảng Quy Nhơn về phía bắc theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Theo đó, điều chỉnh khu cảng hàng lỏng theo hướng toàn bộ mặt bằng khu đất của cảng nằm nhô ra đầm Thị Nại khoảng 149m (tính từ mép đường Đống Đa, trước đây theo quy hoạch là 199m); chiều dài khu đất quy hoạch dọc theo đường Đống Đa là 559m (trước đây theo quy hoạch là 507m); quy mô xây dựng giảm từ 7,94ha xuống còn 6,65ha.
Khu cảng hàng lỏng không cho phép xây dựng các kho, bồn chứa xăng dầu, chỉ cho phép đấu nối bơm xăng dầu trực tiếp vào các đường ống.
Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 mở rộng cảng Quy Nhơn đến năm 2030 tại phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn; quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 của 12 phường nội thành Quy Nhơn; quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 dự án cải tạo chỉnh trang khu đất phía bắc đường Đống Đa, TP Quy Nhơn (đoạn từ điểm bến tàu du lịch biển, sinh thái dịch vụ du lịch phường Thị Nại đến Cầu Đen), phường Thị Nại, TP Quy Nhơn.
UBND tỉnh Bình Định giao Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư tuyến đường nối từ Lê Thanh Nghị về cảng Quy Nhơn trong giai đoạn 2023-2025.
Tuyến đường này định hướng kết nối đến quy hoạch khu bến Quy Nhơn - Thị Nại - Đống Đa nhằm phục vụ nhu cầu vận tải cho các cảng biển trong khu bến này được đảm bảo an toàn, thuận lợi, góp phần giảm chi phí logistics.
Vì vậy, tỉnh Bình Định đề nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Cục Hàng hải Việt Nam xem xét cập nhật điều chỉnh, bổ sung nội dung quy hoạch bến cảng Đống Đa thuộc khu bến Quy Nhơn - Thị Nại - Đống Đa vào hồ sơ điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
"Quy hoạch bến cảng Đống Đa có chức năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định và khu vực, có các bến cảng tổng hợp, hàng rời, cảng khách. Điều này nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế vị trí bến cảng Đống Đa, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng cho hay.