Thứ trưởng Bộ Ngoại giao: Dư địa hợp tác Bình Định - Nhật Bản còn rất lớn
(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc đánh giá, Bình Định và Nhật Bản có nhiều tiềm năng hợp tác phát triển, đặc biệt là các mặt hàng thế mạnh của Bình Định như tôm, trái cây, cá ngừ đại dương…
Chiều 7/7, UBND tỉnh Bình Định tổ chức sự kiện Gặp gỡ Bình Định - Nhật Bản và hội nghị xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Nhật Bản tại tỉnh Bình Định với chủ đề "Bình Định - nơi gặp gỡ, hội tụ và phát triển của các nhà đầu tư Nhật Bản".
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho biết đây là sự kiện quan trọng trong chuỗi sự kiện do các địa phương Việt Nam tổ chức, nhằm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, góp phần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở Châu Á giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Theo Thứ trưởng Hà Kim Ngọc, hợp tác Việt Nam - Nhật Bản đang ở vào giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất trong lịch sử quan hệ hai nước.
Nhật Bản là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam. Trong đó, đối tác số một về ODA, tiếp đó là lao động, đầu tư và du lịch và thương mại.
Tính đến hết tháng 3 năm nay, tổng vốn đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Việt Nam đạt hơn 69 tỷ USD với trên 5.000 dự án.
Hợp tác của Nhật Bản trong những lĩnh vực nêu trên đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua.
Cũng theo Thứ trưởng Hà Kim Ngọc, hiện nay đầu tư của Nhật Bản vào Bình Định còn khiêm tốn, với gần 20 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 100 triệu USD, chưa tương xứng với tiềm năng của Bình Định và mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Mặc dù vậy, các dự án này đã và đang hoạt động hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân tỉnh Bình Định.
"Dư địa hợp tác giữa Bình Định và Nhật Bản còn rất lớn, đặc biệt trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và chế biến các mặt hàng Bình Định có thế mạnh như: tôm, trái cây, cá ngừ đại dương, sản xuất công nghiệp. Đặc biệt, nơi này đang hội tụ "thiên thời địa lợi", đó là cơ hội cho doanh nghiệp Nhật Bản vào đầu tư", Thứ trưởng Hà Kim Ngọc nói.
Ông Yakabe Yoshinori, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP Đà Nẵng, nhận định Việt Nam vẫn đang nhận được nhiều sự chú ý như là một điểm đến đầu tư từ phía các doanh nghiệp Nhật Bản.
Đặc biệt, khu vực miền Trung Việt Nam, bao gồm tỉnh Bình Định, hiện có giá thuê mặt bằng trong các khu công nghiệp còn tương đối thấp, nguồn nhân lực dồi dào, dần nhận được sự quan tâm cao từ các doanh nghiệp Nhật Bản như là một điểm đến đầu tư mới.
Ông Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy Bình Định - cam kết sẽ hỗ trợ những điều kiện tốt nhất để các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các đối tác nước ngoài nói chung và Nhật Bản nói riêng tìm kiếm được cơ hội đầu tư khác biệt, thành công, bền vững lâu dài tại tỉnh; đem sự thành công lan tỏa, chia sẻ, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh phát triển song hành.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung kêu gọi các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào tỉnh Bình Định trong các lĩnh vực như: công nghiệp phụ trợ, linh kiện điện - điện tử...; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển; kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức…
Đây là những ngành, lĩnh vực mà Nhật Bản có thế mạnh và phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của Việt Nam cũng như tiềm năng của tỉnh Bình Định.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cam kết luôn đồng hành cùng với tỉnh Bình Định để biến ý tưởng và quyết tâm thành hiện thực. Tiếp tục đồng hành cùng với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, đặc biệt là Nhật Bản.
Bình Định kêu gọi doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư 24 dự án
Tại hội nghị này, nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển trên các lĩnh vực giữa Bình Định và Nhật Bản đã được ký kết.
Ngoài ra, Bình Định còn mời gọi trực tiếp các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào 24 dự án, gồm: 4 dự án thuộc nhóm an sinh xã hội và môi trường, 11 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp, 4 dự án thuộc lĩnh vực du lịch, 3 dự án lĩnh vực thương mại, dịch vụ, logistics và 2 dự án lĩnh vực nông, lâm, nghiệp - thủy sản công nghệ cao.