Chủ tịch Bình Định: Không máy móc, tìm cách gỡ khó cho doanh nghiệp
(Dân trí) - "Chính quyền và doanh nghiệp cần hiểu và hỗ trợ lẫn nhau, không máy móc áp dụng các quy định, tìm giải pháp gỡ khó để doanh nghiệp phát triển", Chủ tịch tỉnh Bình Định nói với doanh nghiệp.
Hơn 400 doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng trên địa bàn tỉnh Bình Định tham gia hội nghị đối thoại với lãnh đạo tỉnh năm 2023 vừa được UBND tỉnh này tổ chức chiều 26/6.
Theo bà Đồng Thị Ánh, Chủ tịch Hội nữ doanh nhân tỉnh Bình Định, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Pisico, phần đông thành viên trong Hội liên quan đến ngành dịch vụ, cùng với ảnh hưởng chung trong tất cả ngành nghề, các thành viên trong Hội cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Bà Ánh kiến nghị Trung ương sớm hoàn thiện, ban hành thủ tục pháp lý liên quan để cho chủ đầu tư các dự án Nhà ở xã hội trên địa bàn được tiếp cận chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng của Chính phủ để đảm bảo hoàn thành 12.900 căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân đến năm 2025.
Hiện nay, các chi phí đầu tư bao gồm chi phí nguyên vật liệu, sản xuất logistics, lãi vay… đang giảm nhưng còn ở mức cao. Trong khi đầu ra đơn hàng giảm mạnh, đặc biệt là đối với các mặt hàng thế mạnh chủ lực của tỉnh như chế biến gỗ, đá, thủy sản…
Để tháo gỡ khó khăn, cải thiện kinh tế, bà kiến nghị các cơ quan Nhà nước xem xét giãn hoãn thuế, phí, các khoản vay của các doanh nghiệp trên địa bàn; xem xét cho các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng chủ lực được tiếp cận vốn vay ưu đãi với lãi suất thấp để khắc phục những khó khăn trong giai đoạn này.
Bà Ánh cũng kiến nghị cần cân nhắc hỗ trợ các đơn vị về gói vay trả lương lao động (với lãi suất 0%) như đã thực hiện thời dịch Covid-19, nhằm giúp ổn định tình hình sản xuất kinh doanh tại đơn vị trong giai đoạn hiện nay…
Đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp kiến nghị một số vấn đề liên quan đến lãi suất ngân hàng; việc cấp phép và thẩm định phòng cháy chữa cháy; giao đất và sử dụng đất; hỗ trợ hoàn thiện thủ tục đẩy nhanh triển khai dự án; các vấn đề liên quan đến thanh tra, kiểm tra giấy phép xây dựng và các sai phạm của dự án; chính sách trong việc giãn thời gian đóng BHXH trong năm 2022…
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn nhắc lại định hướng phát triển của tỉnh theo 5 trụ cột kinh tế và quan điểm của tỉnh luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển, xem thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của chính quyền.
Theo ông Tuấn, lãnh đạo tỉnh luôn xác định "sức khỏe" của doanh nghiệp là yếu tố hàng đầu quyết định đến khả năng phục hồi của nền kinh tế; đặc biệt sức mạnh nội lực đến từ các doanh nghiệp trong nước có ý nghĩa quan trọng để thúc đẩy ngoại lực, tạo thành nguồn lực tổng hợp to lớn cho phát triển.
"Tại hội nghị này, các cơ quan chính quyền và doanh nghiệp giống như ngồi chung trên một con thuyền. Vì vậy làm sao hai bên cùng hiểu và hỗ trợ lẫn nhau, không máy móc áp dụng các quy định mà cần tìm giải pháp gỡ khó để doanh nghiệp phát triển", ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, tỉnh xác định chuyển từ chính quyền hành chính sang chính quyền phục vụ người dân và doanh nghiệp, tạo điều kiện hợp lý, hợp pháp, công khai, minh bạch...
Ông Tuấn đề xuất các doanh nghiệp tập trung đổi mới sản xuất kinh doanh, tiết kiệm để vượt qua giai đoạn khó khăn. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp phải làm ăn bài bản, trung thực, bền vững, bảo vệ môi trường, ứng dụng khoa học - công nghệ, tuân thủ các quy định pháp luật và phải có trách nhiệm với an sinh xã hội...
Về chính quyền các cấp, ông Tuấn chỉ đạo thực hiện nghiêm các quan điểm định hướng của Trung ương, Chính phủ. Trong đó, tập trung giải quyết và tháo gỡ kịp thời những khó khăn cho doanh nghiệp.