Bê bối Món Huế: 80 triệu USD đã biến mất?
(Dân trí) - Các nhà đầu tư vào Món Huế cho biết, số tiền 80 triệu USD trong tài khoản ngân hàng của công ty vào thời điểm trước tháng 7/2019 đã không còn tồn tại nữa.
80 triệu USD "chạy" đi đâu?
Như Dân trí đã đưa tin, đại diện phát ngôn nhóm các nhà đầu tư ngoại của Công ty Huy Việt Nam - chủ sở hữu chuỗi Món Huế - đã lên tiếng phủ nhận thông tin ông Huy Nhật đưa ra trong cuộc tiếp xúc báo chí hôm 14/11.
Trước đó, chính nhóm các nhà đầu tư lớn này đã thay mặt công ty tiến hành các thủ tục pháp lý khởi kiện ông Huy Nhật, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Công ty tại Tòa án Nhân dân TP.HCM. Các thành viên của nhóm bao gồm: ADV Partners, AIF Capital, F&H Fenghe, Fortress Investments, Gryphus Capital và Welkin Capital.
Theo thông tin mới nhất cung cấp tới Dân trí, đại diện phát ngôn nhóm nhà đầu tư cho biết họ đã rót hơn 70 triệu USD vào công ty kể từ năm 2013 đến năm 2017.
Đáng lưu ý, theo các nhà đầu tư, trong sao kê tài khoản ngân hàng, báo cáo tài chính do nhân sự của ông Huy Nhật cung cấp cho nhóm các nhà đầu tư trước tháng 7/2019 cho thấy Huy Việt Nam có hơn 80 triệu USD trong tài khoản ngân hàng.
“Tuy nhiên, khi nhóm các nhà đầu tư làm việc với ngân hàng để làm rõ thì mới biết rằng số tiền này không tồn tại. Điều này cùng với việc sụp đổ của công ty vào tháng 10/2019 cho thấy rõ dấu hiệu lừa đảo và chiếm dụng vốn của công ty”, đại diện nhóm nhà đầu tư cho biết.
Theo đại diện phát ngôn nhóm nhà đầu tư, mục tiêu của họ là lấy lại tiền và tài sản đã bị chiếm dụng, đồng thời ngăn ngừa tình trạng mất việc làm và hỗ trợ các nhân viên và các nhà cung cấp tận tâm của công ty nhiều nhất có thể.
Tuy nhiên theo vị này, ông Huy Nhật đã ngăn cản việc thực hiện các mục tiêu này, do vậy nhóm các nhà đầu tư buộc phải thực hiện các hành động pháp lý chống lại.
Trong diễn biến khác, Cục Thuế TP.HCM cho biết Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế không còn hoạt động tại trụ sở đăng ký, hiện còn nợ 50 triệu đồng. Cục Thuế TPHCM đã tiến hành áp dụng các biện pháp cưỡng chế thuế, nhưng các tài khoản ngân hàng đều không còn tiền, báo chí đưa tin.
Hai bên "tố" nhau, quyền lợi nhà cung cấp treo lơ lửng
Trong khi cả hai bên: ông Huy Nhật - nhà sáng lập Món Huế và nhóm nhà đầu tư ngoại đều cho biết họ mất quyền kiểm soát và đổ lỗi cho bên còn lại thì quyền lợi của các nhà cung cấp trong việc thanh toán công nợ vẫn treo lơ lửng.
Ông Võ Hồng Văn - một nhà cung cấp Gas tại TP.HCM - cho biết: Các nhà cung cấp đã nhiều lần liên lạc với ông Huy Nhật và nhóm nhà đầu tư ngoại nhưng đều vô vọng.
“Ông Huy Nhật và nhóm nhà đầu tư ngoại có rất nhiều thời gian để trả lời báo chí, đổ thừa trách nhiệm cho nhau. Tuy nhiên, chẳng có ai đứng ra làm việc với nhà cung cấp, nhân viên của Món Huế. Chúng tôi mới chính là những người chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự sụp đổ của hệ thống Món Huế”, ông Văn nói.
Trước đó, theo thống kê sơ bộ từ 28 nhà cung cấp, hệ thống Món Huế đang nợ các doanh nghiệp này tổng số tiền lên tới vài chục tỷ đồng. Trong số này, có những đơn vị cung cấp đá lạnh bị nợ vài triệu đồng, đơn vị cung cấp chanh tươi với hơn 24 triệu đồng.
Hôm 14/11, ông Huy Nhật, nhà sáng lập Món Huế bất ngờ xuất hiện và trả lời báo chí rằng ông không chạy trốn, thậm chí còn tố cáo ngược lại các nhà đầu tư ngoại. Nhà sáng lập Món Huế cho biết, ông đang nỗ lực giành lại quyền điều hành Công ty Huy Việt Nam, cũng như Công ty Món Huế từ các nhà đầu tư ngoại trong một vụ án tranh chấp thương mại tại tòa án Hong Kong, bắt đầu từ tháng 5/2019.
Nguyên nhân ra tòa là vì các nhà đầu tư muốn tăng thêm 1 chiếc ghế trong HĐQT, trong khi theo thỏa thuận ban đầu thì chia đều 3 ghế mỗi bên. Ông Huy Nhật cũng cho biết mình rất bất ngờ phát hiện đại diện pháp luật công ty Huy Việt Nam đã bị thay đổi vào đầu tháng 10.
Theo ông Huy Nhật, vì bị “loại” ra khỏi doanh nghiệp, không có đủ quyền điều hành cũng như nghĩa vụ pháp lý để giải quyết các vấn đề như nợ lương nhân viên, nợ tiền nhà cung cấp nên nhà sáng lập Món Huế không xuất hiện trong thời gian qua.
Nguyễn Mạnh