Món Huế trả nợ cho nhà cung cấp, “người có, kẻ không”

(Dân trí) - Nhà cung cấp nào may mắn thì được Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế trả nợ từ 50 – 100 triệu đồng, không may thì tiền vẫn chưa vào tài khoản như cam kết.

Món Huế trả nợ cho nhà cung cấp, “người có, kẻ không” - 1

Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế đã thanh toán 50 triệu đồng cho nhà cung cấp thịt bò.

Đại diện một doanh nghiệp chuyên cung cấp thịt bò cho chuỗi nhà hàng Món Huế xác nhận, doanh nghiệp này đã nhận được số tiền 50 triệu đồng từ Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế.

Theo đó, doanh nghiệp này đang là “chủ nợ” của Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế với số tiền 395 triệu đồng. Đây là tiền thịt bò mà chuỗi nhà hàng Món Huế nợ doanh nghiệp từ tháng 7 đến tháng 9/2019.

“Trong biên bản xác nhận thanh toán công nợ thì Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế cam kết sẽ phải trả cho chúng tôi 100 triệu đồng/tháng từ ngày 25 - 28 hàng tháng, bắt đầu thanh toán từ tháng 10/2019. Thế nhưng họ chỉ trả có 50 triệu đồng là chưa đúng với cam kết” đại diện doanh nghiệp cung cấp thịt bò nói.

Một nhà cung cấp khác cho biết, doanh nghiệp này đã nhận được 100 triệu đồng thanh toán đợt đầu tiên của Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế. Tuy nhiên, số tiền thanh toán theo cam kết phải là 200 triệu đồng/đợt vì Món Huế đang nợ doanh nghiệp này gần 3 tỷ đồng.

Tuy nhiên, không phải nhà cung cấp nào cũng may mắn được Món Huế trả nợ một phần như hai doanh nghiệp nói trên. Nhiều nhà cung cấp khác vẫn chưa được Món Huế trả nợ và đang cố gắng liên lạc với những người đứng đầu Công ty Món Huế để làm rõ trách nhiệm.

“Đến bây giờ thì tiền nợ của Món Huế vẫn chưa được chuyển về tài khoản của công ty tôi. Ban lãnh đạo Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế phải đối mặt và làm việc với chúng tôi”, một nhà cung cấp chia sẻ.

Theo các nhà cung cấp, vào ngày 3 và 4/10, nhiều nhà cung cấp được Công ty Huy Việt Nam (công ty mẹ của chuỗi Món Huế) mời đến trụ sở công ty trên đường Võ Văn Kiệt để ký công nợ.

Công ty Huy Việt Nam cam kết sẽ thanh toán 50 triệu đồng/tháng cho các công nợ dưới 500 triệu đồng và thanh toán 100 triệu đồng/tháng cho các công nợ trên 500 triệu đồng vào các ngày từ 25 - 28 hàng tháng.

Theo ghi nhận của Dân trí, ngoài Món Huế thì một số thương hiệu thuộc sở hữu của Công ty Huy Việt Nam như: Phở Ông Hùng, Cơm Thố Cháy, TP Tea, Food Hall tại quận 1, quận 10, quận Bình Thạnh, quận Phú Nhuận đã đồng loạt đóng cửa.

Món Huế trả nợ cho nhà cung cấp, “người có, kẻ không” - 2

Nhiều thương hiệu thuộc sở hữu của Huy Việt Nam cũng có dấu hiệu đóng cửa. Ảnh: Đại Việt

Trước đó, bà K.H, một nhà đầu tư cá nhân của Công ty Huy Việt Nam chia sẻ, sự sụp đổ của chuỗi Món Huế hiện nay là do hệ thống đã phát triển quá nhanh và quá ẩu. Nhân lực không đủ quản trị, việc quản lý bị buông lỏng, chất lượng món ăn cũng không được kiểm soát nên dần đánh mất khách hàng.

Theo bà K.H, để xử lý các công nợ hiện nay cần có sự xuất hiện của ông Huy Nhật – Nhà sáng lập kiêm chủ tịch Công ty Huy Việt Nam. Trong tình hình của Huy Việt Nam hiện nay, doanh nghiệp này chỉ có thể trả nợ dần cho các nhà cung cấp theo từng đợt và khó có thể trả hết ngay.

Bà K.H. cũng đang cố gắng liên lạc với ông Huy Nhật để giải quyết khoản nợ cho nhà cung cấp và mong muốn được sang nhượng lại thương hiệu Món Huế.

Trái với sự mong chờ vào tương lai tươi sáng của bà K.H thì nhiều nhà đầu tư lớn của Công ty Huy Việt Nam đang tiến hành các thủ tục pháp lý khởi kiện ông Huy Nhật lên Tòa án Nhân dân TPHCM. Các thành viên của nhóm bao gồm: ADV Partners, AIF Capital, F&H Fenghe, Fortress Investments, Gryphus Capital và Welkin Capital.

Kể từ năm 2013 đến nay, các nhà đầu tư trên đại diện cho một nhóm các quỹ đầu tư tư nhân quốc tế đã đầu tư vào Huy Việt Nam với tổng số vốn hơn 70 triệu USD. Việc khởi kiện nhắm tới ông Huy Nhật và các cộng sự liên quan.

Theo báo cáo tài chính, tính đến cuối năm 2018, Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế có tổng tài sản 757 tỷ đồng nhưng nợ phải trả lên tới 841 tỷ đồng. Việc thua lỗ liên tục khiến vốn chủ sở hữu của Món Huế âm 84 tỷ đồng.

Đại Việt