Chuỗi nhà hàng Món Huế sụp đổ, bài học đắt giá cho Startup Việt
(Dân trí) - Mở rộng quy mô một cách ồ ạt nhưng lại không lường trước được những thách thức của ngành dịch vụ đã khiến cho chuỗi nhà hàng Món Huế “sụp đổ”.
Liên quan đến việc chuỗi nhà hàng Món Huế nợ tiền nhiều nhà cung cấp và đóng cửa hàng loạt, Dân trí đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Võ Trí Thành, Chuyên gia kinh tế - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh.
TS Võ Trí Thành cho biết, hiện nay, dư luận xoay quanh vấn đề của chuỗi nhà hàng Món Huế với các nội dung như cách làm ăn không đúng, các nhà đầu tư chọn không đúng, các vấn đề về dòng tiền, kinh doanh…Đây cũng là bài học cho các doanh nghiệp Startup (khởi nghiệp). Hiện nay, các doanh nghiệp Startup chủ yếu là phân phối, bán lẻ vì chúng phù hợp với sự yêu thích thương mại của người Việt.
Theo TS Thành, đổi mới sáng tạo ở Việt Nam cơ bản là khá êm đềm, không có nhiều nổi bật. Sản phẩm sáng tạo gắn kèm với những giải pháp rất ít. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là quốc gia rất tiềm năng để kinh doanh mô hình chuỗi, hệ thống.
Việt Nam là nơi rất tiềm năng cho mô hình kinh doanh theo chuỗi vì tầng lớp trung lưu mới nổi tăng, thu nhập bình quân của người dân tăng, dân số trẻ, sức mua tăng…Đây là tiềm năng lớn cho lĩnh vực phân phối bán lẻ, đặc biệt là mô hình kinh doanh theo chuỗi.
“Ngày xưa tôi có một người bạn làm kinh doanh, ông ấy nói với tôi rằng, nếu một trò chơi mà em nghĩ được nhưng 80% người khác cũng nghĩ được thì xác suất thành công sẽ giảm. Hãy cố nghĩ cái mà chỉ có 20% người khác nghĩ đến thì khả năng thành công sẽ cao hơn”, TS Võ Trí Thành nói.
Chuỗi nhà hàng Món Huế "sụp đổ" trong nháy mắt đã khiến dư luận bất ngờ. Ảnh: Đại Việt
TS Thành nhận định, mô hình kinh doanh theo chuỗi, đặc biệt là kinh doanh theo chuỗi như Món Huế cũng gặp phải những thách thức nhất định.
Thứ nhất, bên cạnh việc cạnh tranh cùng lĩnh vực thì năng lực quản lý, đảm bảo cái riêng, cái “chất” đồng đều là vô cùng thách thức. Nếu là mô hình Franchise – nhượng quyền thương hiệu lại càng khó quản lý.
Thách thức tiếp theo của những doanh nghiệp khởi nghiệp chính là kế hoạch kinh doanh và dòng tiền. Dòng tiền ở đây không chỉ là dòng tiền trong quá trình quản lý, bán hàng.
“Nếu bạn đi vay ngân hàng thì ngân hàng giám sát bạn và giải ngân theo giai đoạn nhưng khi bạn đi phát hành trái phiếu, tự nhiên tiền đổ về một ngày, nếu bạn không có kế hoạch rõ ràng, giải ngân không được thì chi phí cơ hội là cực lớn. Ví dụ, đã chơi trái phiếu thì kế hoạch kinh doanh phải rất chuẩn để khi tiền về là bạn có cái để phân bổ hoạt động. Doanh nghiệp Startup cũng thế, khi bạn kêu gọi được vốn, có vốn nhưng kế hoạch không có thì bạn mất chi phí cơ hội, đó chính là vấn đề về dòng tiền”, chuyên gia Võ Trí Thành nói.
Cũng theo TS Võ Trí Thành, thách thức cuối cùng đối với các doanh nghiệp Startup đó chính là chất lượng dịch vụ. Dịch vụ khác hẳn hàng hóa do dịch vụ không bao giờ đồng nhất. Đây cũng là một trong những rủi ro trong việc quản lý theo chuỗi.
“Giả sử cùng một cô bán hàng, hôm nay cô ấy vui, cô ấy cười với khách nhưng ngày mai cô ấy buồn cô ấy lại cau có, điều này cho thấy là rất khó đồng nhất. Nó không giống như cái bàn, cái ghế, sản xuất hàng loạt là đồng nhất như nhau. Chất lượng dịch vụ cũng là thứ không cầm nắm được, chỉ cảm nhận được thôi”, TS Thành chia sẻ.
PV Dân trí đặt câu hỏi “Sau sự việc xảy ra tại chuỗi nhà hàng Món Huế thì các quỹ đầu tư liệu có e dè với các doanh nghiệp Startup của Việt Nam hay không?”.
Tiến sĩ Võ Trí Thành trả lời, chúng ta đừng lo, nhà đầu tư cho các doanh nghiệp Startup đa phần là các nhà đầu tư rủi ro, mạo hiểm. Trên thế giới chỉ có vài nhà đầu tư có tỉ lệ thành công 80 - 90% , còn lại là thành công dưới 30%, thậm chí dưới 20%. Nhà đầu tư rót vốn vào 10 doanh nghiệp thì có thể thua đến 7 - 8 doanh nghiệp là điều bình thường. Chính vì vậy, chúng ta đừng quá lo lắng cho các nhà đầu tư. Vấn đề là môi trường tổng thể, hệ sinh thái khởi nghiệp, chất sáng tạo, chất hấp dẫn của Startup.
PV Dân trí cũng đặt câu hỏi “Chuỗi nhà hàng Món Huế thuộc sở hữu của Công ty TNHH Huy Việt Nam, công ty này có “chủ” là Huy Vietnam Group Ltd được đăng ký kinh doanh tại quần đảo Cayman – một trong những “thiên đường thuế” nổi tiếng thế giới. Liệu có phải là ông Huy Nhật, đồng sáng lập kiêm TGĐ Công ty TNHH Huy Việt Nam đã có những toan tính từ trước cho những ngày “tối tăm” như hiện nay?
TS Võ Trí Thành trả lời, tôi chưa dám nói về vấn đề đó. Chúng ta đừng vội nghĩ đến vấn đề tiêu cực. “Thiên đường thuế” là cái chúng ta không thích nhưng ít nhiều thì các thiên đường thuế cũng là nơi hợp pháp, được pháp luật cho phép. Bên cạnh những ưu đãi về thuế quan, giám sát, kiểm soát thì thiên đường thuế có sức mạnh nhờ sự tương tác của các nhà đầu tư lớn trên thế giới. Chính vì vậy mà các doanh nghiệp thường đổ về các thiên đường thuế để đăng ký thành lập để tìm kiếm cơ hội tại đây.
Đại Việt