10h45: Tòa tạm nghỉ trưa. 14h chiều tòa tiếp tục làm việc...
10h10: Tòa kết thúc phần xét hỏi về phần tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và chuyển sang phần xét hỏi về phần vụ "kinh doanh trái phép".
Trong cuộc thẩm vấn, bầu Kiên tỏ ra thông tỏ trong các quy định về pháp luật, các thuật ngữ về vấn đề thế nào là kinh doanh trái phép. Đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh vàng trạng thái mà cơ quan tố tụng đang buộc tội. Bầu Kiên khẳng định đó không phải là kinh doanh vàng trạng thái mà chỉ là đầu tư giá vàng trước khi năm 2012 mà Ngân hàng nhà nước có luật quy định trong đó có kinh doanh vàng trạng thái.
HĐXX sáng nay đã phải viện dẫn rất nhiều các quy định của nhà nước để thẩm vấn Nguyễn Đức Kiên.
"Bầu" Kiên chuẩn bị tư trang trước khi ngày xét xử thứ 2 bắt đầu (Thực hiện: Tuấn Hợp - Trọng Trinh)
Khi tòa hỏi trong 6 công ty, bị cáo Kiên chịu trách nhiệm trước pháp luật về mấy công ty. Ông Kiên trả lời là ông chịu trách nhiệm về 5 công ty. “Riêng công ty Thiên Nam tôi không chịu trách nhiệm”, ông Kiên nói.
Bị cáo còn nhớ hoạt động của cty B&B không?
Tôi còn nhớ.
Cty của bị cáo sử dụng 1.200 tỷ đồng trong số vốn điều lệ. Cá nhân bị cáo và một số người đã lần lượt kinh doanh với số tiền 2.300 tỉ có dư...số liệu đó chính xác không?
Tôi khẳng định các số liệu của cáo trạng của VKS đưa ra là chính xác.
Cty Thiên Nam kinh doanh gì?
Gần như tất cả các mặt hàng đều được Cty Thiên Nam được phép kinh doanh.
Bị cáo Kiên tiếp tục rành rọt đọc từng điều luật mà việc kinh doanh được phép và được phép kinh doanh mà nhà nước không cấm.
Bị cáo có giấy phép kinh doanh vàng ở Cty Thiên Nam không?
Tôi khẳng định Cty Thiên Nam không kinh doanh vàng mà chỉ ủy quyền cho các cty khác thực hiện việc này.
Bị cáo không kinh doanh vàng mà chỉ kinh doanh vàng trạng thái?
Tôi không kinh doanh vàng mà Cty Thiên Nam chỉ đầu tư vào giá vàng.
Chi tiết đầu tư như thế nào?
Tôi không ký hợp đồng mà anh Trung (ông Lê Quang Trung TGĐ Cty Thiên Nam) ký, việc này anh Trung không cần thông qua HĐQT và tôi không ký.
Tôi khẳng định 2 việc. Anh Trung là người có thẩm quyền ký toàn bộ các hợp đồng. Tôi chỉ là người được anh Trung ủy quyền thông báo cho bên ACB qua điện thoại.
Việc đặt lệnh mua vàng hoạt động của Cty Thiên Nam có cần giấy phép kinh doanh?
Tôi không thừa nhận Cty Thiên Nam mua bán vàng mà chỉ đầu tư giá vàng.
Bị cáo có đặt lệnh vàng trạng thái như tòa vừa đọc?
HĐXX cần phải đặt các phiếu lệnh trước mặt, vì trong các lệnh đó không có lệnh nào cho rằng mua, bán vàng.
(HĐXX đọc lệnh mua bán vàng cho Kiên nghe)
Bị cáo có thừa nhận số liệu?
Tôi thừa nhận số liệu, chứ tôi không thừa nhận trạng thái mua bán vàng.
Theo quy định đây là kinh doanh vàng trạng thái, theo luật có quy định phải có giấy phép kinh doanh không?
Việc này không có quy định. Chỉ đến năm 2012, Ngân hàng nhà nước mới quy định. Còn trước đó không có quy đinh nào về quy định vàng trạng thái.
Tôi khẳng định không có văn bản nào quy định đầu tư giá vàng là kinh doanh vàng trạng thái.
Sau giờ nghỉ giải lao, 9h20 phút tòa tiếp tục thẩm vấn đối với bị cáo Nguyễn Đức Kiên. Ông Kiên đang bị cáo buộc là chủ mưu trong các vụ: “Kinh doanh trái phép”; “Trốn thuế”; “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọn”.
Bầu Kiên xuất hiện tại tòa hôm nay với bộ quần áo sơ mi kẻ xanh trắng và khá bình tĩnh.
Phần “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, được dư luận quan tâm bởi đó là lần đầu tiên Nguyễn Đức Kiên được biện hộ về việc các cơ quan tố tụng đang buộc tội mình trước tòa. Nguyễn Đức Kiên xuất hiện trước tòa với bộ quần áo sơ mi kẻ xanh trắng và khá bình tĩnh.
Tại Tòa, bị cáo Kiên khai là số cổ phiếu trên chưa được giải chấp và ông Long, Chủ tịch HĐQT Hòa phát và có nhiều khách của Hòa Phát biết điều đó. Tuy nhiên, trước đó, khi được hỏi về chuyện này, ông Long cho biết, ông không hề biết số cố phiếu trên đang bị thế chấp.
9h: Tòa nghỉ giải lao
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Hòa Phát cho biết không biết đó là tài sản đang bị thế chấp.
Lúc 8h50, Tòa cho mời Đại diện Công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát là ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Hòa Phát tham gia trong phần xét hỏi.
Khi Tòa hỏi ông Long có biết tài sản của ACBI đang bị thế chấp không thì ông Long cho biết, khi tiến hành nhận chuyển nhượng số cổ phần của ACBI, hoàn toàn không biết đó là tài sản đang bị thế chấp. Ông Long cho biết, quen biết ông Kiên là do có sở thích là yêu bóng đá.
"Tôi không biết số cổ phần đó đang bị thế chấp, nếu biết chắc chắn tôi đã không mua. Tôi và anh Kiên quen biết nhau từ năm 2001, qua việc cùng có sở thích bóng đá. Chính tôi là người đứng ra tiến hành đàm phán về giá cả để mua số cổ phần này" ông Long cho biết.
Một số lãnh đạo của các công ty Tập đoàn Hòa Phát cũng cho rằng họ hoàn toàn không hề biết số cổ phần mà nhóm ông Kiên chuyển nhượng đang là tài sản thế chấp.
8h sáng nay 21/5, HĐXX tiếp tục phần thẩm vấn bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến trong vụ “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Để đảm bảo tính khách quan, Tòa tiếp tục cách ly bị cáo Nguyễn Đức Kiên.
Bị cáo Yến tiếp tục khẳng định làm theo chỉ đạo của bầu Kiên.
Khai tại Tòa, bị cáo Yến vẫn khẳng định làm theo chỉ đạo của Nguyễn Đức Kiên và đề nghị tòa cho xem lại lời khai với cơ quan điều tra tại tòa. Tòa cũng đã cho triệu tập một số cá nhân và các đơn vị có liên quan đến vụ án có mặt tại Tòa.
Kế toán trưởng có chức năng như thế nào?
Trách nhiệm của Kế toán trưởng là kiểm soát các hoạt động hạch toán bao gồm cả thu chi.
Bị cáo khai, vì Cty ít người nên phải kiêm nhiệm, kể cả việc văn phòng?
Bị cáo kiêm thêm cả việc văn phòng trong đó có việc soạn thảo Hợp đồng là bị cáo làm theo chỉ đạo của Nguyễn Đức Kiên.
Nguyễn Đức Kiên có xem không, có đọc lại Hợp đồng không?
Có ạ! Khi tôi trình thì ông Kiên ký với tư cách Chủ tịch HĐQT.
Có cuộc hop HĐQT không?
Tôi không nhìn thấy 3 người họ ngồi với nhau.
Thế vì sao bị cáo ký vào phần thư ký, thực chất cuộc họp có ko?
Thực chất có cuộc họp đó có không thì dành cho HĐQT trả lời.
Khai tại bút lục, việc bán 20 triệu cổ phần do anh Kiên quyết định, biên bản lập do anh Kiên, thực chất không có cuộc họp, vì sao bị cáo lại khai vậy?
Thực chất tôi không nhìn thấy cuộc họp đó và làm chỉ đạo của ông Kiên.
Thép Hòa Phát chuyển tiền vào thì ai quản lý?
ACB quản lý. Và tôi có báo cáo anh Kiên khi mà thấy bên Hòa Phát chuyển tiền vào.
Khi nào thì bên Hòa Phát thông báo rằng tài sản đó chưa được giải chấp?
Ngày 14 và ngày 23/5 -2012, chị Ngọc bên Cty ACBS thông báo tài sản chưa được giải chấp. Tôi báo lại anh Kiên số cổ phần trên chưa được giải chấp thì anh Kiên bảo để anh xem.
Nếu giả sử mà Cty TNHH thép Hòa Phát biết họ sẽ ngăn chặn. Bị cáo giải thích thế nào về vấn đề này khai tại cơ quan điều tra?
Tôi không khai với cơ quan điều tra như vậy. Xin tòa cho tôi xem lại lời khai.
Ngày 5/5 tôi nhận được sự chỉ đạo của anh Nguyễn Đức Kiên về việc soạn thảo, lập biên bản hợp đồng về việc chuyển nhượng 20 triệu cổ phần. Tôi biết đây là tài sản đang thế chấp. Tôi vẫn soạn thảo văn bản với suy nghĩ đó chỉ là chủ trương chứ không nghĩ sẽ thực hiện việc chuyển nhượng đó ngay.
Tài sản đang bị thế chấp có được chuyển nhượng không?
Về quy định không được chuyển nhượng
Bị cáo phản ứng gì về việc chuyển nhượng?
Tôi báo cáo ông Nguyễn Đức Kiên về việc số cổ phiếu này đang là tài sản thế chấp tại ACB.
Bị cáo có phản ứng thế nào khi nguồn tiền của Hòa Phát gửi vào?
Bị cáo có báo cáo anh Nguyễn Đức Kiên còn việc xử lý số tiền đó như thế nào là do anh Kiên. Bị cáo cho rằng đó là số tiền không phải bất hợp pháp vì đó là số tiền có nguồn gốc.
Dân trí sẽ tiếp tục cập nhật
Tuấn Hợp