1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bầu Đức và lời cảnh báo sớm cho tiền đồ ngành mía đường

(Dân trí) - Vụ mía năm nay, hầu hết dân trồng mía chịu lỗ do giá thấp, ngành sản xuất mía đường gặp khó khăn. Thông tin Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) xin cơ chế đưa 30.000 tấn đường từ Lào về Việt Nam đã xảy ra nhiều ý kiến trái chiều.

Nông dân ĐBSCL thu hoạch mía

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Lận đận cây mía

Theo tính toán của ngành nông nghiệp, nông dân trồng mía lỗ trung bình từ 10 đến 15 triệu đồng/ha. Nông dân Trần Ngọc Diệp (xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) trồng 5.200 m2 mía giống ROC 11 than thở: “Năm nay do bị nước lũ làm mía trổ cờ nên tui chỉ thu hoạch được 60 tấn mía, tính ra lỗ gần 7 triệu đồng sau cả một năm ròng rã chăm sóc”.

Theo ông Diệp, giá mía nông dân bán ra tại ruộng chỉ từ 650 đến 750 đồng/kg trong khi giá thành lên đến 780 đồng/kg nên hầu hết ai cũng phải chịu lỗ. Do giá mía thấp nên gia đình ông Diệp dự định phá bỏ hết diện tích liếp trồng mía để trồng lúa.

Ở vùng nguyên liệu mía tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh nông dân cũng lỗ tương tự vì giá mía nguyên liệu thấp. Thậm chí một số nơi, giá mía chỉ từ 600 đến 650 đồng/kg do trữ đường thấp, mía bị ngập nước trổ cờ… Nông dân Nguyễn Văn Thành ở xã Mỹ Phước (huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) đã thu hoạch 7 công mía bán với giá chỉ 680 đồng/kg.

Nông dân trồng mía ở ĐBSCL lại thua lỗ
Nông dân trồng mía ở ĐBSCL lại thua lỗ

Ông Nguyễn Thế Tự, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp cho biết: “Hiện tại nông dân ở địa phương đã thu hoạch được 9.000 ha trong tổng số 9.500 ha mía đã xuống giống. Hầu hết nông dân đều lỗ do giá mía nguyên liệu thấp hơn giá thành sản xuất”.

 Theo ông Tự, năng suất mía trung bình 100 tấn/ ha, chỉ một số ít nông dân trong câu lạc bộ 200 (năng suất 200 tấn mía/ha) có lời và những nông dân chọn giống mía mới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng nhưng lợi nhuận cũng thấp hơn nhiều so với niên vụ năm trước.

Lùm xùm quanh việc HAGL xin đưa đường về tái xuất

Thông tin HAGL xin chủ trương đưa 30.000 tấn đường sản xuất từ Lào về Việt Nam rồi tiếp tục xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc thông qua Công ty Cổ phần đường Biên Hòa làm Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) phản ứng quyết liệt.

Ông Nguyễn Hải, Tổng Thư ký VSSA cho rằng: “Việc HAGL đưa đường về Việt Nam tinh chế rồi xuất sang Trung Quốc làm cho việc cạnh tranh xuất tiểu ngạch thêm gay gắt. Bởi vì hiện tại đường tồn kho còn hàng trăm ngàn tấn, các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc là giải pháp duy nhất để giải phóng đường tồn kho. Nếu HAGL được phép xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc thì “chiếc bánh” này sẽ bị chia nhỏ, đường của HAGL giá thành thấp sẽ “bóp chết” các doanh nghiệp trong nước”.

Giá thành sản xuất đường của HAGL tại Lào chưa tới ½ giá thành các doanh nghiệp trong nước vì: Chính phủ Lào có nhiều ưu đãi đặc biệt về thuê đất, đầu tư cho ngành đường… Vì vậy, giá thành mía nguyên liệu tại Lào chỉ 300 đồng/kg, trong khi ở ĐBSCL là 780 đồng/kg. Từ đó giá thành đường chỉ 4.200.000 đồng/tấn trong khi đó các doanh nghiệp trong nước sản xuất từ 9 đến 11 triệu đồng/tấn.

Gần 40 công ty thành viên VSSA đều phản ứng vì cho rằng các doanh nghiệp trong nước đã khó khăn sẽ càng khốn đốn hơn. Ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần mía đường Cần Thơ (CASUCO) cho rằng: “Hiện nay đường trong nước rất dồi dào, giá đường bán ra 14.000 đồng/kg nhưng rất khó tiêu thụ. Nếu HAGL đưa đường về Việt Nam rồi tiếp tục xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc sẽ khó cho các doanh nghiệp trong nước vì hầu hết các doanh nghiệp cũng xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc. Khi đó, sẽ tác động đến giá đường trong nước, các doanh nghiệp lỗ sẽ hạ giá thu mua xuống khiến nông dân trồng mía cũng khốn đốn theo”.

Sẽ đào thải nếu cứ dựa vào bảo hộ của nhà nước

Việc HAGL xin chủ trương đưa về 30.000 tấn đường về nước cho thấy sự canh tranh của các doanh nghiệp mía đường trong nước quá yếu. Từ lâu các doanh nghiệp sản xuất đường chỉ dựa vào sự bảo hộ của nhà nước và lấy cớ hàng triệu người trồng mía khó khăn ra làm lý do.

Thực tế lâu nay người trồng mía cuộc sống vẫn luôn gặp khó khăn, trong khi mấy chục triệu người tiêu dùng trong nước phải “gồng gánh” cho các doanh nghiệp, số ít người trồng mía vì phải mua đường với giá cao hơn nhiều so với giá đường thế giới. Nếu cứ tiếp tục tổ chức, sản xuất như hiện nay không sớm thì muộn, ngành mía đường sẽ “chết” chứ không cần tới việc xin chủ trương đưa đường về nước của HAGL.

Nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc bỏ sự bảo hộ, chấp nhận cuộc chơi khi gia nhập thị trường thế giới. Bởi vì đến năm 2015 khi thuế xuất nhập khẩu đường bằng 0% khi Hiệp định khu vực mậu dịch tự do ASEAN-AFTA có hiệu lực thì liệu các doanh nghiệp sẽ còn tồn tại nếu không nhanh chóng đổi mới, cải tiến công nghệ hạ giá thành sản xuất.

 Hiện tại, công nghệ sản xuất đường của cách doanh nghiệp còn rất lạc hậu, hầu hết công nghệ sản xuất đều thuộc dạng “phế thải” của ấn Độ, Tung Quốc…mấy chục năm trước nên không thể cạnh tranh được so với các nước trong khu vực. Hiện tại các nhà máy sản xuất 1kg đường cần từ 10 đến 11 kg mía nguyên liệu 10 chữ đường (10 CCS) trong khi đó ở Thái Lan chỉ cần 7 đến 8 kg mía vì công nghệ hiện đại.

Công nghệ sản xuất đường các nhà máy vẫn còn lạc hậu.
Công nghệ sản xuất đường các nhà máy vẫn còn lạc hậu.

Ông Phạm Quang Vinh, nhìn nhận: “Tới thời điểm đó chắc chắn các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước sẽ gặp khó khăn. Ngay từ bây giờ các doanh ngiệp phải đổi mới công nghệ, hạ giá thành sản xuất, đầu tư vùng nguyên liệu để có được mía chất lượng, năng suất cao. Từ đó hạ giá thành từ trồng trọt đến sản xuất đường mới mong tồn tại được. Nếu doanh nghiệp nào không nhanh chân chắc chắn sẽ “chết” theo quy luật của thị trường”.

Ngành nông nghiệp các địa phương đã có định hướng chấp nhận quy luật thị trường, giảm diện tích mía để chuyển sang các cây trồng khác hiệu quả hơn. Ngay ở vùng nguyên liệu mía huyện Phụng Hiệp (lớn nhất khu vực ĐBSCL - PV) ngành nông nghiệp định hướng giảm tới gần 50% diện tích trong những năm tới. Ông Nguyễn Thế Tự cho rằng: “Đặc thù vùng ĐBSCL là trồng mía liếp với 60% diện tích trồng mía còn lại là mương nước nên rất khó khăn cho  việc cơ giới hóa trong sản xuất so với miền Đông hay các nước khác trong khu vực. Vì vậy giá thành sản xuất luôn cao hơn khá nhiều. Trong năm nay huyện sẽ vận động giảm 800 ha diện tích trong mía, trong những năm tới định hướng sẽ tiếp tục giảm khoảng 4.000 ha để chuyển sang các cây trồng khác hiệu quả hơn”.

Công nghệ sản xuất đường các nhà máy vẫn còn lạc hậu.
Các thành viên trong câu lạc bộ 200 sử dụng giống tốt, cơ giới hóa sản xuất được khuyến khích sản xuất trong thời gian tới.
 
Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết: “Sắp tới ngành nông nghiệp có định hướng vận động, khuyến cáo nông dân giảm diện tích trồng mía nhưng phải chuyển từ từ và phù hợp với từng vùng đất, từng địa phương”. Theo ông Đời, những diện tích mía còn lại sẽ đầu tư xây dựng hệ thống đê bao khép kín, đầu tư chuyển giao khoa học công nghệ, cơ giới hóa để giảm giá thành sản xuất, tăng chất lượng để đủ sức cạnh tranh khi thời hạn đến năm 2015 đã cận kề.
Minh Giang
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm