1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bầu Đức: "Xuất đường sang Trung Quốc thì sao lại có hại cho Việt Nam?"

(Dân trí) - Giữa lúc 40 doanh nghiệp mía đường trong nước đang phản ứng dữ dội với đề nghị nhập khẩu đường của Hoàng Anh Gia Lai từ Lào về Việt Nam gia công để xuất sang Trung Quốc thì Bộ Công thương đã đồng ý "bật đèn xanh".

Bầu Đức: Xuất đường sang Trung Quốc thì sao lại có hại cho Việt Nam?

Bầu Đức khẳng định, việc xuất khẩu đường cho BHS không ảnh hưởng tới lợi ích các doanh nghiệp mía đường VN.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Trong văn bản gửi 4 Bộ (Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngoại giao) mới đây, Bộ Công thương cho biết, cơ quan này đã cho phép Công ty cổ phần Đường Biên Hòa (mã chứng khoán BHS) được xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu Bản Vược, Bát Xát, Lào Cai. Đường được sản xuất, gia công từ nguồn đường thô nhập khẩu của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - mã HAG) sản xuất tại Át-ta-pư, Lào. 

Bộ khẳng định, HAGL không thuộc đối tượng được phân giao hạn ngạch thuế quan đường (hạn ngạch đường năm 2013 là 74.500 tấn đã được phân giao hết cho 30 doanh nghiệp sử dụng đường để sản xuất).

Đồng thời, theo yêu cầu của Bộ, Công ty cổ phần Đường Biên Hòa phải đảm bảo tận dụng công suất dư thừa, nhập khẩu đường thô sản xuất, gia công sau đó xuất khẩu toàn bộ lượng đường này, không để thẩm lậu đường vào thị trường nội địa ảnh hường đến thị trường, giá cả mặt hàng đường trong nước và đời sống của nông dân trông mía.

Như vậy, với văn bản này, Bộ Công thương đã bày tỏ ý kiến "bật đèn xanh" cho Hoàng Anh Gia Lai. Bộ cho rằng, phương án này sẽ tạo điều kiện cho Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai tiêu thụ đường sản xuất tại Lào nhằm nâng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước, tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị Việt - Lào.

Trao đổi với Dân trí sáng nay (27/11), ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai khẳng định, việc xuất khẩu đường về Việt Nam của tập đoàn này hoàn toàn không ảnh hưởng đến thị trường trong nước. HAGL chỉ gia công và xuất khẩu ngay sang Trung Quốc và sẽ không thể nào xung đột lợi ích với các doanh nghiệp mía đường ở Việt Nam.

"Hoạt động của chúng tôi chỉ có lợi, lợi cho quốc gia, lợi cho người dân, giải quyết việc làm cho người lao động Việt Nam và Nhà nước thì thu được thuế, còn người tiêu dùng thì không ảnh hưởng gì và cũng không tác động đến giá cả của thị trường trong nước bởi chúng tôi không hề bán cho thị trường trong nước. Còn chuyện Hiệp hội "la làng" là chuyện của họ, cần phải bình tĩnh và phân tích một cách sáng suốt" - ông Đức nói.

Công văn của Đường Biên Hòa gửi Bộ Công thương cũng nêu rõ mong muốn được nhập đường thô của HAGL tại Lào về chế biến và xuất khẩu, khẳng định hoạt động này nằm trong chủ trương chế biến nông sản được nhà nước khuyến khích và không ảnh hưởng đến cân đối cung cầu đường trong nước cũng như hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường.

Cũng theo Đường Biên hòa thì công ty đang có khách hàng từ Trung Quốc muốn mua đường theo hình thức gia công xuất khẩu. BHS được cho là doanh nghiệp duy nhất trong ngành có khả năng chế biến từ 30.000-50.000 tấn đường thô hàng năm theo loại hình nhập sản xuất xuất khẩu.

Tuy nhiên, theo phản ứng của 40 doanh nghiệp mía đường Việt Nam trong những ngày vừa qua thì sự "ảnh hưởng" ở đây lại là lợi thế cạnh tranh trong việc xuất khẩu sang Trung Quốc. 

Ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) thì động thái này của HAGL sẽ chia nhỏ thị phần của các công ty mía đường Việt Nam ở Trung Quốc và sẽ đánh chết đường trong nước do có lợi thế về giá.

Cụ thể, với ưu đãi của Chính phủ Lào, giá mía đầu vào của HAGL tại Lào rất thấp, chỉ 296.000 đồng/tấn mía và nhờ vậy, giá thành sản xuất đường của doanh nghiệp này tại Lào cũng thấp hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp Việt Nam (chỉ 4,32 triệu đồng/tấn đường, bằng chưa tới 1 nửa giá thành 1 tấn đường ở Việt Nam). Trong khi ở Việt Nam, trong niên vụ 2012-2013, cả nước dư thừa tới 400.000 tấn và niên vụ 2013-2014 có thể tồn khó tới 600.000 tấn.

Thậm chí, VSSA còn bày tỏ lo ngại, khi Đường Biên Hòa được cho phép nhập khẩu đường từ HAGL và xuất sang Trung Quốc thì sẽ tạo tiền lệ cho các công ty khác xin được nhập đường thô về gia công để xuất qua đường tiểu ngạch, nguy cơ sẽ làm phá sản ngành đường nội địa. Bên cạnh nỗi lo này thì nạn đường lậu vẫn chưa được giải quyết và khó khăn cho doanh nghiệp mía đường trong nước được cho là sẽ càng chồng chất.

Trở lại với vấn đề của HAGL, Phó Thủ tướng Lào đã gửi công văn cho Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để "gửi gắm", đề nghị Chính phủ Việt Nam chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan xem xét, giải quyết hạn ngạch nhập khẩu 40.000 tấn đường sản xuất tại tỉnh Át-ta-pư, Lào về tiêu thụ tại Việt Nam trong năm 2013-2014 và sẽ tăng theo mức độ hàng năm.

Đây không phải là lần đầu tiền HAGL nhận được hỗ trợ từ Chính phủ Lào. Năm ngoái, trong khi tổng hạn ngạch thuế quan nhập đường của cả nước là 70.000 tấn thì Bộ Công thương Lào đã đề xuất với Bộ Công thương Việt Nam cấp hạn ngạch nhập khẩu 80.000 tấn đường cho các nhà máy của HAGL hoạt động tại Lào.

Như đã phân tích về Báo cáo tài chính quý III/2013 của HAGL, với việc rút dần khỏi bất động sản và chú trọng đầu tư sang các lĩnh vực khác, trong đó có mía đường, doanh nghiệp này đã bắt đầu nếm "vị ngọt" của mía. Qua đó, đưa lợi nhuận thuần tăng 35% so với quý III/2012, đạt 238,1 tỷ đồng, và lãi 9 tháng đạt 693,3 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần cùng kỳ.

Hiện tại, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu BHS của Đường Biên Hòa đang tăng trần với dư mua trần lên tới gần 300 nghìn cổ phiếu. Cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai tăng điểm lên 21.200 đồng. Cả hai mã đều có thanh khoản cao, trên 800.000 cổ phiếu khớp lệnh.

Bích Diệp

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm