Bầu Đức trước cáo buộc "phá rừng": Thấy gì từ những con số? (P1)

(Dân trí) - Trong khoản 19 triệu USD Chính phủ Lào vay của HAGL có 15 triệu USD được cam kết sẽ trả bằng gỗ. Nhưng HAGL khẳng định, hơn 1 triệu USD đã nhận bằng gỗ đều là gỗ tạp và đã yêu cầu chỉ nhận tiền mặt vì lường trước rủi ro.

HAGL bị cáo buộc phá rừng trồng cao su và vận chuyển gỗ về Việt Nam.
HAGL bị cáo buộc phá rừng trồng cao su và vận chuyển gỗ về Việt Nam.

Trong báo cáo mang tên Rubber Barons (Những ông trùm cao su) mà Global Witness (GW) công bố, tổ chức này đã gán những cáo buộc rất nặng nề cho 2 công ty Việt Nam là Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và Tập đoàn Công nghiệp cao su. 

Trong đó quy kết, hai công ty đã gây ra những hủy hoại về môi trường và xã hội. Sau khi được nhượng đất để trồng cao su, các công ty đã phá rừng và vận chuyển gỗ về Việt Nam, đồng thời lấn ra khỏi khu vực được nhượng đất. Dân địa phương phải đối mặt với sự nghèo đói vì mất rừng, mất đất trồng lúa.

Trước những cáo buộc trên của GW, Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) đã phải tổ chức họp báo để nói rõ về hoạt động đầu tư của HAGL tại Lào và Campuchia. Cho rằng, các cáo buộc là “bịa đặt 99,9%”, bầu Đức khẳng định HAGL “không lấy một tí đất nào của dân, không đụng vào một lóng gỗ nào”.

Trong bài viết này, Dân trí cung cấp cho độc giả một số thông tin cụ thể liên quan đến hoạt động đầu tư về cao su của HAGL tại Lào qua những con số thể hiện trên các tài liệu của công ty này.

Khoản nợ 15 triệu USD

Theo ghi nhận tại Báo cáo thường niên năm 2008 của HAGL, vào ngày 4/4/2008, công ty có ký kết Biên bản ghi nhớ với Chính phủ Lào. Theo Biên bản ghi nhớ này, công ty sẽ thực hiện tài trợ Chính phủ Lào 14 triệu USD, trong đó số tiền tài trợ không hoàn lại là 4 triệu USD và số tiền tài trợ còn lại dưới hình thức cho vay không có lãi suất sẽ được hoàn trả bằng gỗ hoặc quota gỗ trong vòng 3 năm.

Mục đích của khoản tài trợ là để xây dựng nhà ở của các vận động viên tham dự SEA Games 25 tổ chức tại Lào năm 2009. Cũng theo Biên bản ghi nhớ này, Chính phủ Lào sẽ cung cấp các điều kiện thuận lợi để HAGL có được lô đất với diện tích 10.000 ha để trồng cao su và các hoạt động kinh doanh khác như khai thác khoáng sản và xây dựng các khách sạn tại Lào.

Đến ngày 10/11/2008, HAGL cũng ký kết Thoả thuận chính thức với Chính phủ Lào căn cứ Biên bản ghi nhớ ngày 4/4/2008, số tiền tài trợ của HAGL là 19,056 triệu USD.

Ngày 11/11/2008, HAGL ký thoả thuận với Chính phủ Lào, được phép sử dụng 10.000 ha đất tại tỉnh Attapeu để trồng cao su và xây dựng nhà máy chế biến cao su. Thời hạn hoạt động là 35 năm kể từ ngày ký thoả thuận. Công ty cũng cam kết tài trợ phát triển cơ sở hạ tầng trong vùng trị giá hơn 1 triệu USD trong vòng 7 năm trong suốt thời gian trồng cao su.

Trong buổi gặp mặt báo chí vừa rồi, bầu Đức nói, “Hai năm trước, Chính phủ Lào từng ngỏ ý trả nợ số tiền HAGL cho nước này mượn xây làng SEA Games vào năm 2009 bằng gỗ nhưng tôi đã gửi công văn từ chối và yêu cầu chỉ nhận tiền mặt”.

Tại báo cáo thường niên 2010 và 2011, trong phần giới thiệu về lĩnh vực sản xuất gỗ, Tập đoàn vẫn ghi nhận, HAGL có nguồn gỗ rất lớn tại Nam Lào (gần tỉnh Kon Tum) với khoảng 300.000 m3 gỗ tròn các loại. 

Theo đó, đây là nguồn gỗ từ cánh đồng khai hoang trồng cao su mà Chính phủ Lào cấp cho HAGL bằng hạn ngạch gỗ trong 3 năm với giá trị 15 triệu USD mà Chính phủ Lào vay của HAGL để đầu tư xây dựng làng SEA Games tại Viên Chăn. “Với lượng gỗ nói trên thì HAGL không phải nhập khẩu gỗ như mọi năm cho nên sẽ giảm chi phí đầu vào rất lớn. Điều này đồng nghĩa với việc tạo ra lợi nhuận cho các nhà máy gỗ trong những năm về sau” – Tập đoàn cho biết.

Ngoài ra, tại các báo cáo tài chính của HAGL giai đoạn từ 2009-2012, có 2 năm là 2011 và 2012 số liệu cho thấy vẫn có những khoản nhận trả nợ bằng gỗ của HAGL từ Chính phủ Lào: năm 2011 nhận 777.644 USD và năm 2012 nhận 96.477 USD. Nếu so với con số cam kết 15 triệu USD thì số tiền nhận trả bằng gỗ này chỉ chiếm tỷ lệ thấp.

Ông Võ Trường Sơn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn HAGL.
Ông Võ Trường Sơn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn HAGL.

Từ chối gỗ vì lường trước rủi ro

Trao đổi với Dân trí về vấn đề này, Phó Tổng giám đốc của HAGL, ông Võ Trường Sơn cho biết, lúc bắt đầu ký kết với Chính phủ Lào, ngoài tài nguyên môi trường thì năng lực tài chính và nguồn tiền của họ cũng không dồi dào. Lúc đó với đơn thuần về tính thiện chí nên cũng chỉ suy nghĩ rằng, “có cái gì thì thanh toán bằng cái đó”.

Tuy nhiên, về sau này khi HAGL bắt đầu phát triển thêm các dự án tại Lào và tìm hiểu sâu thêm vấn đề thì đã ngừng việc nhận gỗ, cho rằng việc nhận gỗ lúc này là một hành động cực kỳ rủi ro và nguy hiểm nên đã từ chối và chỉ chấp nhận thanh toán tiền mặt.

Ông Sơn nói thêm, tính rủi ro và nguy hiểm cụ thể như thế nào thì đến thời điểm hiện nay cũng đã thấy. Bây giờ, chưa nhận gỗ nhưng đã có những dư luận không tốt, và trước đây HAGL cũng đã lường trước được các nguy cơ này.

Đại diện của HAGL cũng cho biết, số gỗ HAGL đã nhận từ Chính phủ Lào là nguồn gỗ tạp tận thu từ việc khai hoang khu rừng nghèo trồng cao su từ chính phủ Lào. HAGL đã sử dụng để xây dựng 2.000 nhà tái định cư cho người dân Lào, xây dựng trường học, bệnh viện 200 giường và nhiều công trình vì cộng đồng tại tỉnh Attapeu.

Trả lời câu hỏi của Dân trí “tại lĩnh vực chế biến gỗ của HAGL hiện nay, nguồn gỗ được lấy ở đâu”, ông Sơn sau khi lấy tổng hợp thông tin từ bộ phận gỗ cho biết: “Gỗ HAGL sử dụng chế biến hiện nay 100% là hoàn toàn mua từ các doanh nghiệp trong nước. Được biết, các doanh nghiệp này nhập từ Malaysia, Indonesia, châu Phi…”

(còn nữa)

Bích Diệp