Cáo buộc "phá rừng, cướp đất": Vì sao là cao su, vì sao là bầu Đức? (P2)

(Dân trí) - Giữa lúc HAGL đang dần rút khỏi bất động sản và hướng đầu tư đa ngành nhằm phân tán rủi ro, lĩnh vực cao su lại mất hàng năm trời nay mới có sản phẩm, thì báo cáo của GW thực sự là một cú sốc và là “đòn mạnh” giáng vào tập đoàn này.

Cáo buộc phá rừng, cướp đất: Vì sao là cao su, vì sao là bầu Đức? (P2)
Thông tin cáo buộc trong lĩnh vực cao su thực sự là một mối đe doạ đối với HAGL khi mới bước đầu vào giai đoạn thu hoạch.

Nguồn lợi đang nằm ở thì tương lai

Báo cáo thường niên năm 2012 cho thấy, ngành cao su mới chỉ bắt đầu tạo doanh thu 46 tỷ đồng cho HAGL. Tập đoàn nhìn nhận, tuy mới bắt đầu đi vào khai thác mủ nhưng đây là ngành sẽ tạo ra mức tăng trưởng nhanh cho tập đoàn trong thời gian tới.

Theo đánh giá của HAGL, nhu cầu và giá mủ cao su trên thị trường thế giới luôn ở mức tốt trong thời gian vừa qua, dao động từ từ 3.000-4.000 USD/tấn. Trong khi đó, suất đầu tư và giá thành cho ngành cao su của HAGL ở mức rất thấp nên tỷ suất lợi nhuận nhiều tiềm năng cao.

Mủ cao su sẽ được xuất khẩu chủ yếu và đây là nguồn cung ngoại tệ lớn cho Tập đoàn trong tương lai.

Ngoài ra, ở tầm nhìn dài hạn, vào cuối chu kỳ khai thác mủ cao su (sau 20 năm khai thác), 51.000 ha cao su sẽ cho ra khoảng 3 triệu m3 gỗ phục vụ cho ngành chế biến gỗ với trị giá khoảng 750 triệu USD. Sau khi trừ đi chi phí khai thác, vận chuyển và chế biến khoảng 320 triệu USD, HAGL còn thu về khoảng 430 triệu USD từ sản phẩm gỗ cao su.

Mục tiêu đến năm 2013, tổng diện tích trồng và khai thác cao su của HAGL tại 3 nước Lào, Campuchia và Việt Nam là 51.000 ha. 

Báo cáo thường niên 2012 cho thấy, đến cuối năm ngoái, HAGL đã trồng được khoảng 43.540 ha cao su tại Việt Nam, Lào và Campuchia; 5.530 ha mía tại Lào. Tập đoàn đang khai hoang để trồng mới 7.000 ha cao su còn lại và 4.470 ha mía trong năm 2013.

Tập đoàn đã xây dựng hoàn thành và đưa vào hoạt động nhà máy chế biến mủ cao su đầu tiên với công suất 25.000 tấn/năm.

Qua đó, có thể thấy tầm quan trọng của nguồn lực cao su đối với HAGL là vô cùng lớn trong bối cảnh hiện tại và tương lai.

Chưa kể, chỉ tính riêng trong năm 2009, ngoài 12.000 ha đất trồng cây cao su mà HAGL được Chính phủ Campuchia cấp, Tập đoàn còn được chính phủ Lào cấp 2 dự án thuỷ điện trên sông Nậm Kông với tổng công suất 110 MW; được Chính phủ Lào cấp phép khảo sát 1 mỏ sắt trữ lượng 20 triệu tấn.

Nguy cơ và ứng phó

“Cú đấm” của GW vào HAGL ở lĩnh vực cao su vì thế là một sự đe doạ cho HAGL, cả về hình ảnh doanh nghiệp FDI tại Lào - Campuchia và về lợi ích. Báo cáo GW không chỉ chỉ trích HAGL mà còn chỉ trích cả Ngân hàng Deutsche Bank và Tổ chức Tài chính Thế giới IFC đã tài trợ cho HAGL phá rừng làm đồn điền trồng cao su ở Campuchia và Lào.

Thậm chí, sự chỉ trích còn hướng vào Chính phủ hai quốc gia nhận đầu tư, khi cho rằng đã có những bộ phận quan chức tham nhũng tiếp tay cho những hành động của các “ông trùm”. 

Khi chỉ trích nhất là liên quan đến môi trường và con người tạo thành sự tẩy chay thì câu chuyện thiệt hại đã trở thành một vấn đề hoàn toàn nghiêm túc trên góc độ kinh tế.

Ngay khi dính vào bê bối này, khắp các trang tài chính quốc tế đều đăng tải thông tin. Ngoài ra, về mặt tác động tâm lý xã hội, trên trang change.org thậm chí đã có kiến nghị của cổ động viên Arsenal (Arsenal FC) muốn tẩy chay HAGL vì nghi án chiếm đất ở Đông Nam Á. 

Hiện tại, các tranh luận vẫn chưa đi đến hồi kết. HAGL cho biết đã mời một tổ chức có quy mô hơn Global Witness là Bureau Veritas - tập đoàn Toàn cầu của Pháp, hoạt động trên 130 năm về dịch vụ đánh giá và chứng nhận về Chất lượng, Sức khỏe & An toàn, Môi trường và Trách nhiệm xã hội (QHSE-SA) - thực địa các dự án của Hoàng Anh Gia Lai tại Lào và Campuchia. Qua đó sẽ lấy được chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

Tạp chí Nhà Kinh tế (The Economist) sau cáo buộc của GW vừa rồi đăng tải các thông tin cho rằng, VRG và HAGL đã thất bại trong việc tham khảo ý kiến người dân địa phương về bồi thường đất đai. Bài viết cũng kèm theo đăng tải các phản ánh của người dân địa phương về thực trạng này.

Còn trên con số, HAGL đã xây dựng tại Lào hàng trăm cây số cầu đường, đang xây dựng 2 sân bay quốc tể ở tỉnh Attapeu và Hủ Phăn. HAGL cũng đã đóng góp 35 triệu USD để xây dựng các công trình xã hội như 1 bệnh viện 200 giường, 1 trường tiểu học, tăng 1.000 căn nhà cho địa phương, xây mới trung tâm hành chính cho huyện Phu Vong, tỉnh Attapeu.

Bầu Đức cho biết thêm, khi HAGL chưa đầu tư, GDP bình quân đầu người ở tỉnh Attapeu vào khoảng 300USD/năm, nhưng hiện tại đã là 1.200USD/năm. Bên cạnh đó, bầu Đức cũng khẳng định HAGL không hề có bất kỳ tranh chấp nào với người dân địa phương về đất đai. Ngoài ra, tính về nhân công, lao động địa phương mà HAGL sử dụng tại Lào và Campuchia ít nhất là 17.000 người, khả năng sẽ gấp đôi trong tương lai.

Trở lại với các tên gọi của báo cáo: Rubber Barons (Những ông trùm cao su) mà GW phát hành. Cách gọi mỉa mai này thường dùng cho những doanh nghiệp đi lên trong kinh doanh bằng kinh nghiệm và các quan hệ đặc quyền.

Ông Võ Trường Sơn - Phó Tổng Giám đốc HAGL nói với Dân trí, “cơ bản là khi con người ta không thiện chí với nhau và có thái độ cay cú thì họ dùng từ như thế nào là việc của họ”.

Ông cũng khẳng định lại quan điểm của HAGL, “chúng tôi là những người làm ăn kinh doanh, khi đầu tư vào Lào hay Campuchia cũng tuân thủ theo luật pháp của họ. Họ có những quy tắc, quy định chặt chẽ khi nhận đầu tư, bản thân họ đã đã phân tích kỹ về tác động đối với môi trường cũng như con người trước khi cho nhà đầu tư vào. Doanh nghiệp tư nhân trong nước làm ăn đã khó, huống hồ là doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư!”.

Sau tất cả, vẫn còn một câu hỏi bỏ ngỏ: GW thực sự muốn gì trong câu chuyện đất - rừng - sinh kế của người dân ở cạnh những mảnh rừng cao su? Và trong kịch bản tồi nhất, nếu HAGL và VRG rút khỏi các dự án, ai dám đảm bảo đời sống của những người dân này sẽ trở nên tốt đẹp hơn?

Bích Diệp