Global Witness bất ngờ "tố" bầu Đức nói sai sự thật
(Dân trí) - Trong khi bầu Đức khẳng định những kết luận tại báo cáo của Global Witness sai đến 99,9% và cho biết chưa từng tiếp xúc với tổ chức này trước đó thì Global Witness phản pháo bầu Đức nói không đúng sự thật và đã có thời gian nhiều tháng làm việc với HAGL.
Sau cuộc họp giải đáp các thắc mắc với báo giới tại TPHCM tuần vừa rồi của Hoàng Anh Gia Lai liên quan đến cáo buộc “chiếm đất, phá rừng” tại Lào và Campuchia, tổ chức đưa ra cáo buộc là Global Witness đã có thông tin phản hồi trở lại.
Một lần nữa, Global Witness nhắc lại tuyên bố của mình, cho rằng “ông trùm cao su” với những đồn điền xây dựng tại Lào và Campuchia đang vi phạm pháp luật, phá hủy môi trường cũng như xâm hại đến người dân địa phương.
Bầu Đức cho rằng, yêu cầu gặp riêng của Global Witness "có gì đó không rõ ràng".
Tổ chức này nhấn mạnh, vẫn bảo lưu các tuyên bố cũng như chứng cứ đã đưa ra trong báo cáo. Đồng thời cho biết, những tài liệu nắm giữ đã chứng minh các đồn điền cao su của HAGL cả ở Lào lẫn Campuchia đều phạm pháp, tính ở thời điểm năm 2012.
Theo đó, các bằng chứng mà tổ chức này có được đã nêu tại báo cáo "Các ông trùm cao su" cho thấy HAGL đã thu được một khối lượng đất đai khổng lồ, gấp 5 lần diện tích cho phép tại Campuchia. Đồng thời, những chứng cứ trong tay Global Witness còn tố cáo HAGL thậm chí ngang nhiên phớt lờ mọi quy tắc bảo vệ môi trường cũng như trách nhiệm xã hội, huỷ hoại sinh kế của người dân địa phương cũng như tài nguyên rừng trong quá trình đầu tư của mình.
“Thay vì giải quyết những vấn đề đã bị cáo buộc trong báo cáo và cải thiện tình hình cho hàng trăm người dân bị ảnh hưởng trong khu vực thì dường như HAGL lại chỉ quan tâm tới việc bảo vệ hình ảnh của mình”, bà Megan MacInnes - Trưởng chiến dịch đất tại Global Witness nói.
Trong thông cáo phát ra lần này, Global Witness khẳng định đã gặp đại diện Hoàng Anh Gia Lai vào ngày 22/8/2012 tại Pleiku. Trong lần gặp đó, tổ chức này đã đưa ra các bằng chứng và đề xuất các bước mà công ty cần thực hiện để khắc phục vấn đề.
“Bây giờ ông Đức lại phủ nhận chưa bao giờ xảy ra cuộc gặp đó là không đúng sự thật” – Global Witness phản ứng lại.
Theo đó, cuộc gặp giữa Global Witness với HAGL đã diễn ra sau một loạt trao đổi bằng email trong vài tuần. HAGL lúc đó cho biết không muốn thực hiện các khuyến nghị mà tổ chức đưa ra. Đến tháng 3/2013, Global Witness tiếp tục viết thư đề nghị HAGL cập nhật về những hành động của HAGL nhằm khắc phục tình hình kể từ tháng 8/2012 nhưng công ty đã từ chối.
Global Witness cho biết họ đang đàm phán với bầu Đức và HAGL về một cuộc gặp tiếp theo tại Pleiku vào tháng 6/2013.
“Global Witness hoan nghênh lời mời tới thăm các vườn cao su của HAGL song trong năm 2012, chúng tôi cũng đã đến khảo sát đồn điền của họ một số lần. Trong thời điểm hiện nay, chúng tôi cho rằng, tốt hơn hết là hai bên ngồi xuống với nhau để trực tiếp thảo luận về các kết quả đã nêu ra trong báo cáo, có những hành động cụ thể để giải quyết vấn đề”.
Tại cuộc họp báo vừa rồi, bầu Đức khẳng định, những kết luận đưa ra trong báo của Global Witness sai đến 99,9%. Ông cũng đã từ chối lời mới gặp mặt riêng với Global Witness tại Việt Nam vì cho rằng “có cái gì đó không rõ ràng”. Thay vào đó, bầu Đức yêu cầu cần có thêm sự tham gia của các hãng thông tấn quốc tế.
Cũng theo bầu Đức, ông đã kiểm chứng lại toàn tập đoàn tại cả Việt Nam, Lào và Campuchia, tất cả đều khẳng định không ai gặp Global Witness. Ông kết luận, đây là một điểm “bịa đặt, không có thật” trong cáo buộc của Global Witness.
Ngoài ra, bầu Đức cũng cho biết, Hoàng Anh Gia Lai sẽ mời một tổ chức có quy mô hơn Global Witness là Bureau Veritas - tập đoàn Toàn cầu của Pháp, hoạt động trên 130 năm về dịch vụ đánh giá và chứng nhận về Chất lượng, Sức khỏe & An toàn, Môi trường và Trách nhiệm xã hội (QHSE-SA) - thực địa các dự án của Hoàng Anh Gia Lai tại Lào và Campuchia. Qua đó sẽ lấy được chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Hoàng Anh Gia Lai có thể kiện ở đâu? Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà (Công ty Luật S&B - Hà Nội), nếu cảm thấy những cáo buộc của Global Witness là sai sự thật, làm ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế hợp pháp và uy tín của HAGL, công ty của bầu Đức hoàn toàn có thể khởi kiện ra tòa án tại London nơi Global Witness đóng trụ sở. "Global Witness, như chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức nói, là một tổ chức phi chính phủ (NGO). Theo công pháp quốc tế, NGO không phải là một chủ thể của quan hệ công pháp quốc tế, quan hệ công pháp quốc tế là các quan hệ và chính trị, ngoại giao, quân sự giữa các quốc gia có chủ quyền với nhau và giữa họ với các tổ chức quốc tế. Như vậy, mối quan hệ giữa Global Witness với HAGL không phải là quan hệ nằm dưới sự điều chỉnh của công pháp quốc tế. Tuy nhiên, mối quan hệ này sẽ được điều chỉnh bởi tư pháp quốc tế. Tư pháp quốc tế sẽ điều chỉnh quan hệ dân sự giữa công dân, tổ chức, cá nhân có quốc tịch khác nhau. Trong trường hợp này, HAGL hoàn toàn có quyền khởi kiện Global Witness ra tòa án có thẩm quyền. Hiện tại, Global Witness có trụ sở chính tại Luân Đôn (Anh Quốc) HAGL hoàn toàn có quyền khởi kiện ra tòa án tại nơi bị đơn có trụ sở chính để yêu cầu cải chính thông tin và bồi thường thiệt hại (nếu có)", Luật sư Hà cho biết. Hồng Kỹ |
Bích Diệp