Bầu Đức sẵn sàng đối chất về cáo buộc "cướp đất, phá rừng"

(Dân trí) - Bầu Đức khẳng định, những dự án đầu tư của Hoàng Anh Gia Lai trên đất Lào và Campuchia đều tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp địa phương và phải được Thủ tướng nước sở tại thông qua, đồng thời sẵn sàng đối chất với Global Witness về các cáo buộc.

Tôi chỉ quan tâm là HAGL đã tuân thủ đúng luật đầu tư tại Lào và Campuchia.
"Tôi chỉ quan tâm là HAGL đã tuân thủ đúng luật đầu tư tại Lào và Campuchia".

Xung quanh các cáo buộc của Global Witness đối với hoạt động đầu tư của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) tại Lào và Campuchia gây ồn ào dư luận thời gian gần đây, Dân trí đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch tập đoàn này, ông Đoàn Nguyên Đức để làm rõ hơn vấn đề từ góc nhìn của người trong cuộc.

Thưa ông, với hoạt động đầu tư vào Lào và Campuchia, HAGL bị cáo buộc là đã hủy hoại sinh kế người dân địa phương và cơ hội làm việc tại các đồn điền này là rất hạn chế. Vậy, ông có thể cho biết rõ hơn về lực lượng lao động địa phương mà Hoàng Anh Gia Lai huy động tại Lào và Campuchia?

Hiện tại, số lao động địa phương mà HAGL đang huy động sử dụng tại Lào ít nhất là 12.000 lao động và tại Campuchia là 5.000. Tuy nhiên đó mới chỉ là hiện tại thôi, còn tương lai phải gấp đôi và sẽ phải mở rộng hơn nữa.

Với những dự án lớn như vậy, HAGL chủ yếu phải huy động lao động địa phương, tới 90%. Chưa kể, quy định của họ là chỉ cho phép đưa 10-15% bên ngoài vào.

Doanh nghiệp của ông bị Global Witness tố “cướp đất, phá rừng”. Trước những cáo buộc này, ông có thể thông tin rõ hơn về hoạt động đầu tư của HAGL tại Lào cũng như Campuchia?
 
Bầu Đức phủ nhận cáo buộc cướp đất, phá rừng
Global Witness dẫn hai bức ảnh chụp từ vệ tinh để chứng minh một phần cho cáo buộc của mình. Bức bên trái là hình ảnh rừng chụp tháng 3/2008 trước khi các dự án được triển khai, bức bên phải là ảnh chụp vào tháng 2/2013

Nguyên tắc khi đầu tư vào bất cứ đầu cũng đều phải tuân thủ quy định, pháp luật địa phương. Tôi phải nhấn mạnh là quy định ở đó vô cùng chặt chẽ, phải qua rất nhiều bước, nhưng có thể tóm tắt như thế này:

Đầu tiên, khi doanh nghiệp trình dự án, các liên Bộ nước sở tại sẽ họp với nhau, họ sẽ đánh giá doanh nghiệp liệu có đủ khả năng triển khai hay không thì mới quyết định cho doanh nghiệp đó vào. 

Tuy nhiên, trong trường hợp doanh nghiệp có khả năng thực hiện dự án thì các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra kỹ, dự án đó nằm trong tổng thể quy hoạch quốc gia không rồi mới thành lập liên ngành bao gồm nhiều bộ đi kiểm tra thực địa.

Theo đó, các cơ quan sẽ kiểm tra xem đó là rừng nghèo hay rừng cấm và họ chỉ cấp đất ở khu vực rừng nghèo. Bộ Lâm nghiệp sẽ xuống tận nơi để trực tiếp đo đạc, báo cáo Chính phủ, báo cáo Thủ tướng. Phải chờ Thủ tướng phê duyệt chủ trương xong rồi các Bộ mới tiếp tục đánh giá tác động của dự án đối với môi trường xã hội. 

Đáp ứng đủ tiêu chuẩn, yêu cầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư của họ mới cấp giấy phép chứng nhận đầu tư, rồi ra quyết định ưu đãi đầu tư. Sau đó, quay về Bộ Lâm nghiệp ký hợp đồng thuê đất, trình kế hoạch thực hiện. Bộ Lâm nghiệp mới cấp phép khai hoang từng năm rồi đưa giấy khai hoang đó đến từng địa phương, cắm mốc cụ thể bao nhiêu ha cho phép đó rồi lúc đó doanh nghiệp mới được phép triển khai.

Nói như thế để thấy, đầu tư tại Việt Nam, tại Lào hay Campuchia cũng đều phải tuân thu nghiêm ngặt theo quy định pháp luật tại nước sở tại.

Thủ tướng Lào thăm nông trường cao su của HAGL tại Attapeu.
Thủ tướng Lào thăm nông trường cao su của HAGL tại Attapeu.

Riêng về lĩnh vực gỗ, việc khai thác gỗ, bán đi để lấy đất làm việc khác là do quyền Chính phủ. Doanh nghiệp không có quyền khai thác và bán gỗ, doanh nghiệp chỉ có quyền dùng đất đó sau khi được giao để trồng cao su, thời gian 50 năm.

Tôi cũng muốn nói thêm rằng, các bức ảnh mà họ chụp, như về một xe chở gỗ chẳng hạn, rồi bảo đó là của HAGL là không đúng. HAGL không buôn bán gỗ thì lấy đâu ra xe chở gỗ.

Họ cũng đưa ra những hình ảnh chụp từ vệ tinh, cho rằng trước khi HAGL đến nó là một khu rừng, sau khi HAGL đầu tư, thì rừng bị đốn để trồng cao su. Thì tất nhiên là thế, với sự cho phép của Chính phủ, trước nó là rừng nghèo, bây giờ HAGL biến nó thành rừng cao su!

Bản thân ông đánh giá như thế nào về đóng góp của doanh nghiệp ông với kinh tế nước nhận đầu tư?

Khi đặt chân đến Lào và Campuchia, HAGL đã hỗ trợ chính quyền địa phương trong hạ tầng, xây dựng điện đường trường trạm, thành lập bệnh viện, nộp ngân sách, tạo việc làm. 

Tuy nhiên, các Chính phủ sẽ quan tâm nhiều hơn đến đóng góp của doanh nghiệp đối với tạo việc làm và xây dựng hạ tầng hơn là đóng góp ngân sách.

Tôi được biết, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam vào Lào hiện khoảng 4 tỷ USD, trong đó Hoàng Anh Gia Lai góp vào khoảng 25%. Tại Lào, HAGL hiện là doanh nghiệp nước ngoài đầu tư lớn thứ 2, sau doanh nghiệp Trung Quốc.

Trong vụ việc vừa rồi, báo chí có đưa tin Chính phủ hai nước Lào và Campuchia có phản ứng với các cáo buộc của Global Witness. Tuy nhiên tôi không quan tâm đến thái độ mà chỉ quan tâm rằng HAGL đã đầu tư đúng luật.

Được biết, HAGL đã thông tin về việc sẵn sàng mời Global Witness để đối chất. Vậy hiện tại Global Witness đã có phản hồi nào chưa?

Đúng vậy, chúng tôi sẵn sàng đối chất với họ. Chúng tôi đề nghị Global Witness không chỉ gặp mặt hai bên mà phải có mặt các hãng thông tấn quốc tế - những tổ chức báo chí đã được Global Witness gửi thông cáo. Qua đó sẽ họp bàn và khảo sát thực địa để các bên có thể đánh giá cái gì được, cái gì chưa được. Nếu HAGL có điểm nào chưa đáp ứng được thì sẽ tìm phương án hợp lý để khắc phục.

Tuy nhiên, đến chiều qua, họ hồi đáp lại không đồng ý đề xuất này mà muốn gặp riêng tôi, không phải ở Campuchia hay Lào mà tại Việt Nam để bàn bạc. Tôi không đồng ý.

Chúng tôi cũng đang xúc tiến mời một tổ chức đánh giá tác động môi trường có trụ sở tại Pháp. Tổ chức này lớn hơn nhiều so với Global Witness, họ sẽ kiểm tra và nếu như đáp ứng đủ yêu cầu họ sẽ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. 

Đây là tổ chức đứng thứ 2 trên thế giới về đánh giá tác động môi trường, có lịch sử 200 năm với quy mô 28.000 nhân viên, độ phủ tại 145 quốc gia. Họ không có mối liên hệ nào với HAGL và là tổ chức thứ 3 hoàn toàn độc lập. Bản thân tôi tự tin HAGL sẽ đáp ứng đủ các tiêu chí của họ. 

Ông có nhìn nhận như thế nào về những giao dịch với khối lượng tăng đột biến tại cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai trên thị trườngchứng khoán các phiên gần đây?

Việc mua bán trên thị trường đó là do thị trường, không thể bình luận được ai là người đứng ra mua.

Có thể, tại thời điểm Global Witness vừa mới ra thông tin, nhiều nhà đầu tư đã hoang mang rồi bán ra với khối lượng lớn, trong khi đó, những người có hiểu biết hơn về những dự án của HAGL và đánh giá được tác động thì họ vẫn mua vào. Khi người bán bán nhiều và người mua mua nhiều sẽ tạo ra thanh khoản lớn.

Trái phiếu quốc tế của HAGL không bị ảnh hưởng

PV Dân trí đã có trao đổi nhanh với Tiến sĩ Vũ Quang Đông, Quyền Giám đốc công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (VCBS), nguyên Trưởng phòng Vốn và Tín dụng quốc tế ngân hàng Vietcombank về những ảnh hưởng của cáo buộc này đối với triển vọng đầu tư vào trái phiếu HAGL trên thị trường quốc tế.

Ông Đông cho biết, nếu HAGL khai thác đất đúng quy định và pháp luật bản địa thì nhà đầu tư không quan tâm lắm đến các cáo buộc này và điều này cũng sẽ không ảnh hưởng tới HAGL.

Nhà đầu tư không quan tâm đến chỉ trích mà quan tâm đến thái độ của Chính phủ Lào và Campuchia đối với dự án của HAGL tại hai nước này. Vừa rồi hai Chính phủ này cũng đã phản đối cáo buộc của Global Witness, cho thấy vấn đề này không đáng quan ngại. 

Các dự án về cao su của HAGL thời gian vừa qua chưa đóng góp vào nhiều cho ngân sách của HAGL, triển vọng nằm ở tương lai.

Bích Diệp thực hiện