Bàn tiếp Luật Đặc khu: Sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến nhân dân, chuyên gia

(Dân trí) - Liên quan tới Dự Luật Đặc khu, đại biểu Quốc hội đồng thời là Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội cho biết, giữ vững kinh tế, chủ quyền, an ninh là yêu cầu hàng đầu. Tới đây thông qua cũng phải đặt vấn đề này và mọi điều luật phải bám sát quan điểm này.


Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa.

Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa.

Trao đổi bên lề hành lang Quốc hội hôm nay (11/6), đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên Huế) cho rằng, tới đây khi lùi thời hạn thông qua Luật Đặc khu, chúng ta sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của nhân dân, các nhà lão thành, các chuyên gia...

"Giữ vững kinh tế, chủ quyền, an ninh là yêu cầu"

"Giữ vững kinh tế, chủ quyền, an ninh là yêu cầu. Tới đây thông qua cũng phải đặt vấn đề này và mọi điều luật phải bám sát quan điểm này. Đột phát về kinh tế, tăng trưởng kinh tế phải đi cùng tăng tiềm lực quốc phòng, an ninh, ổn định thì người ta mới đầu tư. Không có doanh nghiệp nào kể cả trong nước và nước ngoài đầu tư vào nơi không ổn định, có nguy cơ bất ổn cả", ông Nghĩa nói.

Vị đại biểu đồng thời là Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội cho rằng, nhân dân rất tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, điển hình là chúng ta đạt được nhiều thành tựu trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ mong muốn nhân dân tiếp tục lắng nghe, tìm hiểu chung về thế của đất nước, không manh động và nêu cao tinh thần yêu nước.

"Một số địa phương hành động quá khích cũng không hay, ví dụ đập phá công sở, vô hình chung chúng ta phá hoại tài sản của nhà nước. Chúng ta phải hiểu rõ bản chất, có quan điểm, tránh đi theo phong trào, hoặc nghe nhưng lại không rõ. Người dân phải hết sức tỉnh táo, bình tĩnh và tin tưởng vào Đảng, Nhà nước là của dân, do dân và vì dân, chứ không phải vì nhóm lợi ích nào cả. Và lấy bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc là trên hết", ông nói.

Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa cũng nói thêm rằng, cũng có luồng tư tưởng, phân tích vấn đề này dường như còn chưa thấu đáo, chưa hiểu hết chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và xã hội lần này đối với 3 vùng đặc khu.

"Ví dụ, thuê đất, luật đất đai quy định 50 năm, có nơi quy định 70 năm như ở Formosa, nhưng lần này, chúng ta phải hiểu những khu đặc biệt, tuân thủ đầu tư đặc biệt và cơ chế cũng rất đặc biệt, quan điểm của tôi là mình không nâng lên 99 năm và nên để thời hạn thực hiện là 70 năm. Những doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào khu kinh tế đặc biệt, thì quá trình thẩm tra cũng rất đặc biệt. Hay một số cơ chế về thuế, đặc khu, chính quyền... cũng vậy", ông nói.

Đặc biệt, ông nhấn mạnh: "Đây là những đơn vị có ý nghĩa quan trọng về quốc phòng – an ninh, tôi cho rằng, nên có những lực lượng, phương án phải bảo vệ. Chúng ta cứ nói là đặc biệt quan trọng, nhưng không khơi dậy, phát triển được hai lĩnh vực này thì sao. Vì lẽ, kinh tế - quốc phòng có tương quan với nhau, kinh tế mạnh thì mới tăng cường tiềm lực quốc phòng, tiềm lực an ninh chính trị và ngược lại".

"Một bài học lớn"

Bên lề Quốc hội sáng 11/6, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng phản ứng của dư luận liên quan đến “đặc khu” là một bài học lớn trong lập pháp, trong đó có Quốc hội.

"Chắc chắn quá trình xây dựng luật chúng ta vẫn chưa lấy được hết ý kiến của người dân, đặc biệt là những tổ chức nghề nghiệp, hay của các chuyên gia, nên đến phút cuối cùng mới tạo thành những bức xúc không đáng có", ông nói.

Theo đó, vị đại biểu cho rằng, trong quá trình xây dựng luật phải thu thập được nhiều hơn ý kiến của người dân; và ngược lại, tăng cường ý thức của người dân đối với những việc chung của đất nước.

Đánh giá việc Chính phủ và Văn phòng Quốc hội đều có thông cáo về việc lùi thời gian thông qua luật “đặc khu” vào sáng 9/6 là kịp thời nhưng ông Quốc cũng cho rằng, tại các địa phương đã không kịp thời làm công tác tốt nên để xảy ra tình trạng tại nhiều nơi tụ tập gây mất trật tự.

"Ở đâu cũng có các tổ chức, đoàn thể chính trị cả, nhưng chúng ta không vào cuộc, nên một bộ phận người dân tự phát cũng có, cũng có thể có người gửi gắm vào đó ý đồ này, khác mà chúng ta phải kịp thời ngăn chặn. Chính vì thế, tôi cho đây là một bài học", ông nói.

Ông Quốc cũng nói thêm rằng: "Tại sao chúng ta không phổ biến cho người dân ở địa phương? Rõ ràng ở đây có vấn đề thông tin không kịp thời. Mặt khác, tổ chức chính trị, xã hội ở địa phương gần như không nắm được".

Phương Dung

Bàn tiếp Luật Đặc khu: Sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến nhân dân, chuyên gia - 2