Vấn đề kinh tế đáng chú ý trong tuần:
Hoãn thông qua luật; dân “lướt sóng” đất đặc khu “hớ” nặng
(Dân trí) - Quyết định lùi việc thông qua Dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt từ Kỳ họp thứ 5 sang Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội đã nhận được đông đảo sự ủng hộ của nhân dân. Còn về phía giới kinh doanh bất động sản thì những nhà đầu tư lướt sóng lại không tránh khỏi “hoang mang”, vì trót ôm đất chờ thời muốn bán dự án để trả nợ.
Theo đánh giá của đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai), dự thảo luật về đặc khu lần này đã đưa ra nhiều ưu đãi quá lớn.
“Việt Nam phải chứng minh với các nhà đầu tư rằng họ đến đây là có lợi, nhưng không cần đến quy định cho thuê đất đến 99 năm. 3 đặc khu đều là những “bờ xôi ruộng mật” của đất nước chứ không phải đất “khỉ ho cò gáy”, ông nhấn mạnh.
“Chúng ta rất mong muốn thu hút đầu tư, kể cả Trung Quốc - một nước lớn với nguồn lực lớn, nhưng ta đừng quá hạ mình đưa ra điều kiện quá ưu đãi như vậy. Các đại biểu Quốc hội nên bỏ phiếu đầu tiên cho việc có cho thuê đất 99 năm hay không”.
Thừa nhận đến nay mới làm thì có khi muộn nhưng đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng không nên làm ồ ạt.
“Không hiểu vì sao lại làm ồ ạt? Mà chúng ta ồ ạt trong tâm thế bị động, chưa ra luật mà đất đai đã chia xong hết rồi. Tất cả những câu chuyện mà ai cũng biết là đầu cơ đất đai. Sau này, không biết chúng ta làm thế nào để thực hiện được các ý tưởng lớn trên một mảnh đất đã bị chia lợi ích như thế. Không biết nó có tạo ra lợi thế cho nhà đầu tư không mà chúng ta phải lấy con số 99 năm ra để dụ nhà đầu tư như thế”, ông nói.
Lùi thời hạn thông qua dự án Luật về đặc khu
Chính phủ đã thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét, cho lùi việc thông qua Dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt từ Kỳ họp thứ 5 sang Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện.
Đến sáng ngày 9/6, Văn phòng Quốc hội chính thức phát thông báo cho biết: “Sau khi tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các tầng lớp Nhân dân và cử tri, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thận trọng, cân nhắc nhiều mặt và thống nhất với Chính phủ chỉnh lý Dự án Luật theo hướng không quy định trường hợp đặc biệt thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu có thể được kéo dài không quá 99 năm”.
Dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc gồm 6 Chương 85 Điều, dự kiến được Quốc hội biểu quyết thông qua vào 15/6. Trong quá trình thảo luận, nhiều ý kiến băn khoăn về quy định cho nhà đầu tư thuê đất với thời hạn lên đến 99 năm (quy định hiện hành tối đa là 70 năm) và một số ưu đãi được cho không cần thiết.
Hoang mang lướt sóng đất đặc khu
Ở góc độ nhà đầu tư bất động sản, ông Đặng Đức Giới - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản Đặc khu cho rằng, việc tạm dừng thông qua luật đặc khu đã thể hiện sự tiếp thu lắng nghe của Chính phủ với dân. Bởi theo ông lý do hoãn thông qua là vì bản thân dự thảo lần này còn nhiều hạn chế, vội vàng và còn các vấn đề tranh cãi.
Là giám đốc sàn giao dịch bất động sản lớn trên địa bàn Vân Đồn, anh Nguyễn Thanh Tùng cho biết, từ sáng tới giờ anh nhận được điện thoại của hàng trăm nhà đầu tư, chủ yếu là nhà đầu tư nhỏ lẻ hỏi về thị trường, đa số họ vẫn trong tâm thế nghe ngóng thông tin đến sau ngày 15/6 – thời điểm quốc hội chính thức quyết định có lùi thông qua Luật đặc khu hay không.
Anh Tùng thừa nhận thông tin trên đã gây tâm lý hoang mang cho các nhà đầu tư lướt sóng. Một số nhà đầu tư nhỏ lẻ trót ôm đất chờ thời muốn bán dự án để trả nợ và anh Tùng cho rằng đây cũng là cơ hội cho những nhà đầu tư trường vốn.
"Vấn đề mà nhiều nhà đầu tư quan tâm là sau khi dừng thông qua đặc khu ở kỳ họp Quốc hội này thì các khu vực như Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc có mở cửa giao dịch, cho phép các nhà đầu tư tiếp tục mua bán hay không", nhà đầu tư này cho biết.
Sĩ quan cấp Thiếu tướng đến Thượng tướng được dùng xe công 800 triệu đến 1,1 tỷ đồng
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 85/2018/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân.
Các sĩ quan có cấp bậc quân hàm cao nhất là Thượng tướng, Đô đốc Hải quân được sử dụng thường xuyên 1 xe ô tô trong thời gian công tác với giá mua tối đa là 1, 1 tỷ đồng/xe.
Sỹ quan có cấp bậc quân hàm cao nhất là Trung tướng, Phó Đô đốc Hải quân được sử dụng thường xuyên 1 xe ô tô trong thời gian công tác với giá mua tối đa là 920 triệu đồng/xe.
Sỹ quan có cấp bậc quân hàm là Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân được sử dụng xe ô tô để đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc, đi công tác với giá mua tối đa là 820 triệu đồng/xe.
Tin xấu về ông Trần Bắc Hà khiến cổ phiếu BIDV mất giá
Diễn biến cổ phiếu BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng như của chỉ số VN-Index là mối quan tâm lớn của nhà đầu tư trong phiên đầu tuần 4/6, sau thông tin ông Trần Bắc Hà bị đề nghị kỷ luật được đưa ra vào thứ 7 tuần trước.
Vừa mới bắt đầu đợt khớp lệnh xác định giá mở cửa (ATO), cổ phiếu BID đã giảm sàn, đồng thời, hàng loạt mã cổ phiếu ngân hàng như: ACB, CTG, MBB, SHB, VCB, STB, VIB cũng “đỏ giá”.
Tuy nhiên, sau thời điểm mất giá đầu phiên, cổ phiếu ngân hàng đã hồi phục mạnh. Tạm ngừng phiên sáng, VPB tăng 2.600 đồng, VCB tăng 1.600 đồng, ACB, STB, EIB, MBB, NVB, SHB đều tăng giá tốt. BID trở nên lạc lõng khi để mất 600 đồng còn 29.100 đồng/cổ phiếu.
VN-Index tăng 10,81 điểm tương ứng 1,09% lên 1.003,68 điểm. Nhìn chung, chỉ số vẫn đang có sự giằng co mạnh quanh ngưỡng 1.000 điểm. Trên HSX có 162 mã tăng nhưng vẫn có đến 107 mã giảm giá.
Chia sẻ “sốc” của một thương lái buôn bán nông sản với Trung Quốc
Chia sẻ thực tế sự bị động tìm kiếm thị trường cho nông sản Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thành Thực, một thương nhân buôn bán nông sản với Trung Quốc đã đưa ra nhiều kinh nghiệm xương máu sau hơn 20 năm làm xuất khẩu nông sản Việt Nam.
Bà Thực cho biết, thương lái chủ động xuất hàng sang Trung Quốc rất hiếm, chủ yếu người Việt làm nhiệm vụ gom hàng cho phía đối tác Trung Quốc nên dù kiếm được tiền nhưng không cao, bị ép giá.
"Muốn bán hàng thì bất kỳ thương lái nào cũng phải đưa hàng ra chợ, xem nhu cầu thế nào. Hiện trên thế giới, Trung Quốc được coi là cái chợ lớn, có nhu cầu đa dạng. Tuy nhiên, doanh nghiệp nông sản Việt, thương lái Việt không hề có một gian hàng nào, chúng ta chỉ ngồi nhà bán hàng", bà Thực chia sẻ.
Bà ví von nhưng cũng đầy đau xót: "Nông sản Việt ví mình như cô gái quê danh giá chỉ chờ khách đến nhà tán tỉnh, mua đi".
"Tôi nói thật, Trung Quốc vừa là đối tác nhưng vừa là đối thủ lớn nhất của nông sản Việt Nam. Nếu họ được mùa nông sản, Việt Nam cũng được mùa thì chúng ta vẫn thua họ và giá của nông sản Việt vẫn rẻ hơn họ. Kinh nghiệm hơn 10 năm làm thị trường này tôi nhận thấy, trong chuỗi sản xuất, cung ứng và chế biến, Việt Nam thua Trung Quốc 20 năm là ít nhất", bà nói.
Bích Diệp (tổng hợp)