Một người có thể chạy liên tục tối đa bao xa?
(Dân trí) - Nhiều người chạy 1 km đã thấy vất vả, nhưng có người có thể chạy liền 10 km. Vậy quãng đường dài nhất một người có thể chạy liên tục là bao nhiêu?

Cơ thể con người có thể thích nghi để chạy đường trường, câu hỏi là được bao xa? (Ảnh: Getty Images).
Trong thế giới của những cuộc thi chạy "siêu marathon", quãng đường vượt xa 42 km là điều không hiếm gặp. Nhưng câu hỏi đặt ra là: Con người có thể chạy liên tục bao xa trước khi phải dừng lại?
Để trả lời, trước tiên cần xác định khái niệm "dừng lại". Vận động viên Dean Karnazes hiện giữ kỷ lục không chính thức về quãng đường chạy không ngủ lâu nhất, với 563 km trong 3,5 ngày vào năm 2005. Năm 2023, Harvey Lewis đã lập kỷ lục trong một cuộc đua đường trường khép kín, chạy 724 km trong 4,5 ngày.
Trong loại hình thi đấu này, các vận động viên chạy hết một vòng 6,7 km mỗi giờ cho đến khi chỉ còn lại một người trụ được. Lewis đã chạy 108 vòng như vậy, chỉ có vài phút cuối mỗi giờ để nghỉ ngơi trước khi tiếp tục.
Vì các vận động viên thường nghỉ ngắn để đi bộ, buộc giày, đi vệ sinh hoặc ngủ, không có kỷ lục chính thức nào về thời gian chạy dài nhất không dừng lại.
Nhà vật lý học Jenny Hoffman từ Đại học Harvard, cũng là một vận động viên chạy bộ đường trường, cho biết "việc đi tiểu sẽ là yếu tố hạn chế". Bà hiện giữ kỷ lục thế giới của nữ vận động viên đi bộ xuyên Mỹ nhanh nhất với 47 ngày, 12 giờ và 35 phút.
Nhà sinh lý học Guillaume Millet từ Đại học Jean Monnet, Pháp, cho biết ngoài thời gian nghỉ ngắn vì nhu cầu sinh học, con người có một số đặc điểm cho phép thực hiện tốt môn chạy sức bền. Cơ mông lớn, khả năng dự trữ năng lượng đàn hồi và dây chằng cổ chân khỏe là những yếu tố hỗ trợ.
Con người cũng thích nghi tốt với việc chạy dưới trời nóng nhờ khả năng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể qua việc đổ mồ hôi. Ông Millet cho biết, ngay cả khi nhiệt độ bên ngoài cao, chúng ta vẫn duy trì nhiệt độ cơ thể tương đối thấp, một lợi thế lớn so với hầu hết các loài động vật.
Tuy nhiên, con người chưa bao giờ tiến hóa đặc biệt để chạy những khoảng cách xa như vậy. Nhà sinh vật học tiến hóa Daniel Lieberman từ Đại học Harvard cho biết: "Trong phần lớn thời gian tồn tại, con người đã phải làm việc rất vất vả để sống sót".
"Nếu bạn chạy đúng cách và không bị thương, nạp năng lượng hợp lý, cơ thể có thể làm được những điều đáng kinh ngạc, nhưng đó không phải là điều chúng ta tiến hóa để làm. Đó là sự thích nghi bình thường đến mức cực đoan".
Các yếu tố thể chất như chấn thương, mỏi cơ hoặc thiếu ngủ có thể buộc người chạy phải dừng lại, nhưng sức bền tinh thần cũng đóng vai trò quan trọng. Để tiếp tục di chuyển nhiều ngày, người chạy bộ siêu dài phải vượt qua cơn đau và sự kiệt sức.
Theo Lieberman, con người đã phát triển khả năng phi thường để khiến bản thân làm những điều phi thường. "Bạn buộc phải muốn làm điều đó. Vì vậy, điều quan trọng nhất hạn chế sức chịu đựng của con người chính là tinh thần".
Những người đẩy bản thân đến mức bất thường cần được đào tạo chuyên sâu để tránh chấn thương. Trước khi chạy xuyên lục địa, bà Hoffman đã luyện tập chạy 322 km mỗi tuần để đảm bảo thể lực và sức mạnh xương.
Số người tham gia các cuộc thi siêu marathon tăng nhanh qua từng năm, với tỷ lệ tăng 1.676% từ năm 1996 đến 2020. Khi môn thể thao này ngày càng phổ biến, những vận động viên mới sẽ thách thức và có thể phá vỡ kỷ lục cũ, đẩy khả năng của con người lên cao hơn.