Hai loại hải sản quen thuộc nguy cơ cao chứa vi nhựa
(Dân trí) - Vi nhựa đã trở thành vấn đề ô nhiễm toàn cầu và có thể gây ra những hệ lụy cho sức khỏe.
Việc tiêu thụ thực phẩm nhiễm vi nhựa ngày càng trở thành mối quan tâm lớn về sức khỏe cộng đồng.
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, vi nhựa có thể gây hại nghiêm trọng cho cơ thể con người khi chúng tích tụ trong các cơ quan quan trọng.
Đáng chú ý, hai loại hải sản quen thuộc với người Việt dưới đây có nguy cơ chứa hàm lượng vi nhựa cao nhưng ít ai biết đến mối nguy hại này.
Vi nhựa là gì và tác động đến sức khỏe con người ra sao?

Vi nhựa đã trở thành vấn đề ô nhiễm toàn cầu (Ảnh: Getty).
Vi nhựa là những mảnh nhựa có kích thước dưới 5mm, được hình thành từ quá trình phân hủy của các sản phẩm nhựa như: chai, túi nilon, quần áo sợi tổng hợp…
Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Hoa Kỳ (NOAA) và Cơ quan Hóa chất Châu Âu (ECHA), vi nhựa có thể xâm nhập vào chuỗi thức ăn và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Environment International cho thấy, hạt vi nhựa có thể xâm nhập vào máu người, di chuyển đến các cơ quan quan trọng như gan, thận, não và có khả năng làm gián đoạn quá trình sinh học.
Đặc biệt, nghiên cứu tháng 3/2024 của Đại học New York phát hiện những người có vi nhựa trong động mạch cảnh có nguy cơ đau tim, đột quỵ hoặc tử vong cao gấp đôi so với người không nhiễm.
Hai loại hải sản có khả năng chứa vi nhựa cao
1. Hàu

Động vật thân mềm như hàu, vẹm, sò có tỷ lệ vi nhựa trên mỗi gam cơ thể cao hơn cả tôm, cua (Ảnh: Getty).
Hàu là một trong những loại hải sản có mức độ nhiễm vi nhựa cao nhất theo nghiên cứu của Đại học Hull (Anh).
Động vật thân mềm như hàu, vẹm, sò có tỷ lệ vi nhựa trên mỗi gam cơ thể cao hơn cả tôm, cua.
Nghiên cứu năm 2020 của GS Francisca Ribeiro, Đại học Queensland (Australia), cũng phát hiện hàu nuôi tại các vùng biển châu Á chứa hàm lượng vi nhựa cao do nguồn nước bị ô nhiễm.
Điều này đáng lo ngại vì hàu là loại hải sản được ăn sống phổ biến, tức là con người hấp thụ toàn bộ lượng vi nhựa trong chúng mà không qua quá trình chế biến giúp loại bỏ phần nào tạp chất.
2. Tôm

Lựa chọn nguồn tôm sạch, hạn chế tôm đông lạnh có bao bì nhựa (Ảnh: Getty).
Tôm là loài ăn sinh vật phù du - nhóm sinh vật thường tập trung ở các vùng nước chứa nhiều vi nhựa.
Theo nghiên cứu công bố trên Tạp chí Environmental Research, món tôm tẩm bột chiên được khảo sát chứa trung bình hơn 300 mảnh vi nhựa trong mỗi khẩu phần.
Ngoài ra, tôm bán trên thị trường cũng có thể nhiễm vi nhựa từ bao bì nhựa và nguồn nước nuôi trồng. Do đó, việc lựa chọn nguồn tôm sạch, hạn chế tôm đông lạnh có bao bì nhựa là điều quan trọng để giảm thiểu nguy cơ hấp thụ vi nhựa.
Vi nhựa không chỉ có trong hải sản
Không chỉ riêng hải sản, một nghiên cứu mới đây cũng phát hiện rằng 90% mẫu protein động vật và thực vật có chứa vi nhựa.
Trong đó, các loài cá như cá mòi, cá mú, mực, cua xanh cũng có hàm lượng vi nhựa cao. Điều này cho thấy vi nhựa đã lan rộng ra nhiều nguồn thực phẩm, không chỉ giới hạn trong môi trường biển.
Làm thế nào để giảm thiểu vi nhựa trong thực phẩm?
Theo các chuyên gia, để giảm nguy cơ hấp thụ vi nhựa, người tiêu dùng cần thực hiện một số biện pháp sau:
- Rửa sạch thực phẩm trước khi chế biến để loại bỏ một phần vi nhựa bám trên bề mặt.
- Lựa chọn thực phẩm từ nguồn đáng tin cậy, ưu tiên hải sản từ các khu vực nước sạch, tránh sản phẩm nuôi trồng công nghiệp.
- Hạn chế thực phẩm đóng gói trong nhựa, ưu tiên thực phẩm tươi sống hơn là đồ đông lạnh hoặc thức ăn nhanh.
- Giảm sử dụng nhựa một lần, vì đây là nguồn chính gây ô nhiễm vi nhựa.