Ngắm siêu trăng cuối cùng năm 2022 quan sát trên bầu trời TPHCM
(Dân trí) - Tối 12/8, người yêu thiên văn dễ dàng quan sát được siêu trăng tháng 8 (còn được gọi là "trăng cá tầm") trên bầu trời TPHCM dù thời tiết khá nhiều mây.
Siêu trăng tháng 8 diễn ra vào khung thời gian sáng ngày 12/8 nhưng do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, nên việc quan sát siêu trăng tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên đến tối 12/8, người dân TPHCM đã quan sát được dù trăng không còn đạt "đỉnh" - lớn nhất khi tiến gần trái đất.
Do thời tiết nhiều mây, đến hơn 20h30 tối 12/8, trăng tròn tháng 8 mới xuất hiện trên bầu trời TPHCM.
Siêu trăng quan sát muộn vào tối 12/8, góc chụp từ cầu Thủ Thiêm 2, TPHCM.
Tối qua cũng là lần cuối cùng siêu trăng xuất hiện trong năm 2022, theo Fred Espanak - nhà vật lý thiên văn NASA đã nghỉ hưu.
Góc nhìn siêu trăng muộn từ cầu Thủ Thiêm 2.
Trước đó, tổng cộng có 3 siêu trăng diễn ra trong năm nay, lần lượt vào tháng 5, tháng 6 và tháng 7.
Theo GS. Sara Russell đến từ Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ, hiện tượng siêu trăng chỉ xảy ra khi Mặt Trăng đang trong giai đoạn di chuyển ở quỹ đạo gần Trái Đất nhất, thường kéo dài từ 2 - 5 kỳ trăng tròn. Đây cũng là lý do tại sao có nhiều siêu trăng diễn ra liên tiếp trong năm.
Siêu trăng xuất hiện tại TPHCM tối 12/8 khá cục bộ vì thời tiết nhiều mây. Theo các nhà khoa học, đặc điểm của siêu trăng là chúng to hơn khoảng 14% và sáng hơn 30% so với trăng tròn thông thường. Nguyên nhân là bởi khi Mặt Trăng ở vị trí gần hơn, chúng sẽ phản xạ thêm nhiều ánh sáng hơn tới Trái Đất.
Hình ảnh ấn tượng của siêu trăng cuối cùng của năm "bên cạnh" nóc tòa nhà Landmark 81 sáng sớm ngày 13/8. Đây là tòa nhà cao nhất TPHCM.
Siêu trăng tháng 8 dần "lặn" sáng 13/8 trên nền trời TPHCM. Siêu trăng này còn được gọi là "trăng cá tầm" do gắn với hoạt động đánh bắt cá tầm của bộ lạc Algonquin ở miền đông Bắc Mỹ, chỉ diễn ra trong đợt trăng sáng đặc biệt này.