Nổi bật tuần qua: Ấn tượng hình ảnh xa nhất vũ trụ và hiện tượng siêu trăng

Đoàn Trung Nam

(Dân trí) - Trong tuần qua, NASA đã công bố bức ảnh chi tiết nhất về vũ trụ; máy bay trên bầu trời Hà Nội "xuyên qua" siêu trăng; phát hiện trang sức làm từ xương người... là những thông tin nổi bật.

Công bố tấm ảnh chi tiết nhất về vũ trụ

Những hình ảnh từ kính viễn vọng Không gian James Webb (JWST) cho phép các nhà khoa học hy vọng những thiên hà đầu tiên được hình thành.

Nổi bật tuần qua: Ấn tượng hình ảnh xa nhất vũ trụ và hiện tượng siêu trăng - 1
Hình ảnh khoa học chất lượng đầu tiên được chụp từ Kính viễn vọng Không gian James Webb, do NASA công bố hôm 11/7. Đây cũng là ảnh chụp vũ trụ bằng tia hồng ngoại xa nhất và chi tiết nhất tính đến nay (Ảnh: NASA).

Bức ảnh ngoạn mục có tên là "Cánh đồng sâu đầu tiên của Webb" giúp chúng ta "đi ngược quá khứ", trở lại vài triệu năm sau sự kiện Vụ nổ lớn (Big Bang) xảy ra cách đây khoảng 13,8 tỷ năm. Đây là thời điểm các thiên hà đầu tiên được hình thành và ánh sáng nhấp nháy lên từ những ngôi sao đầu tiên.

Tổng Giám đốc Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) phát biểu trong một cuộc họp báo: "JWST sẽ ghi lại những hình ảnh chính xác đến mức có thể giúp chúng ta phân biệt được rằng liệu một hành tinh nào đó có thể sinh sống được hay không. Bên cạnh đó, quan điểm chưa từng có về vũ trụ dưới góc nhìn của Kính viễn vọng sẽ cho phép các nhà khoa học tìm ra những câu trả lời của những câu hỏi mà thậm chí còn chưa được đặt ra."

Với JWST, các nhà khoa học có thể tìm ra các vật thể mờ hơn 100 lần so với Kính thiên văn Hubble, được trang bị công nghệ tia hồng ngoại để quét vũ trụ. Vì vậy nó có thể chứng kiến khoảnh khắc thiên hà được sinh ra chỉ 200 triệu năm sau Vụ nổ lớn.

Xem thêm: NASA công bố tấm ảnh chi tiết nhất về vũ trụ

Hình ảnh máy bay "xuyên qua" siêu trăng từ Hà Nội

Vào lúc 19h20 ngày 13/7, hiện tượng siêu trăng bắt đầu xuất hiện tại Hà Nội và sáng rõ nhất vào lúc khoảng 20h. Phóng viên Dân Trí đã ghi lại được khoảnh khắc bất ngờ, một chiếc máy bay xuyên qua siêu trăng tạo nên một hình ảnh đầy ấn tượng trên bầu trời Thủ đô.

Nổi bật tuần qua: Ấn tượng hình ảnh xa nhất vũ trụ và hiện tượng siêu trăng - 2
19h30, một chiếc máy bay Airbus A330 cất cánh từ sân bay Nội Bài đi TPHCM bay ngang qua địa phận giữa huyện Gia Lâm (Hà Nội) và huyện Thuận Thành (Bắc Ninh). Đường đi của máy bay cắt ngang qua siêu trăng thời điểm đó (Ảnh: Tiến Tuấn).

Trước đó, vào lúc 16 giờ 00 ngày 13/7 (giờ Việt Nam), Mặt Trăng sẽ năm ở vị trí gần Trái Đất nhất trong cả hành trình quay quanh hành tinh của chúng ta trong năm 2022. Và vào lúc 16h38 chính là thời điểm trăng tròn hoàn toàn.

Thuật ngữ "siêu trăng" do nhà chiêm tinh học Richard Nolle sử dụng đầu tiên vào năm 1979 trong một bài viết trên tạp chí chiêm tinh Dell Horoscope của Mỹ. Khi đó, ông giải thích rằng siêu trăng là thời điểm trăng tròn xuất hiện ở khoảng cách tính từ Mặt Trăng đến Trái Đất bằng hoặc hơn 90% khoảng cách từ viễn điểm đến cận điểm của nó trên quỹ đạo quay quanh Trái Đất.

Xem thêm: Ngắm hình ảnh kỳ thú khi máy bay "xuyên qua" siêu trăng từ Hà Nội

Đồ trang trí bằng xương người 8.000 năm tuổi từ thời tiền sử

Một nghiên cứu mới đây đã đưa ra bằng chứng đầu tiên về việc sử dụng xương người trong sản xuất mặt dây chuyền từ những cộng đồng người săn bắn hái lượm ở Đông Bắc Âu.

Nổi bật tuần qua: Ấn tượng hình ảnh xa nhất vũ trụ và hiện tượng siêu trăng - 3
Hai mặt dây chuyền bằng xương người được chạm khắc từ xương đùi từ địa điểm Yuzhniy Oleniy Ostrov, ở Karelia, Nga (Ảnh: Anna Malyutina).

Theo đó, các nhà khảo cổ đã phân tích những mặt dây chuyền 8.200 tuổi từng phát hiện cách đây 80 năm trên hòn đảo Yuzhniy Olenliy Ostrov (Nga) được làm bằng xương người, không phải từ xương động vật.

Bên cạnh đó, một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2020 trên cùng địa điểm này đã tiết lộ, người tiền sử đã sử dụng răng của loài nai sừng tấm để tạo ra âm thanh cho các điệu múa hay nghi lễ.

Sau khi phân tích một số mẫu vật đã khiến nhóm nghiên cứu bất ngờ khi lượng lớn đồ trang trí bằng xương được tìm thấy trong 22 ngôi mộ là xương người. 

Giáo sư Kristiina Mannermaa cho biết trong một thông cáo báo chí từ Đại học Helsinki: "Những kết quả này thật đáng ngạc nhiên, 12 trong số 37 mẫu xương được phân tích hóa ra từ xương người, đây là những mảnh xương dài đặc biệt. Điều này cho thấy rằng, con người tiền sử đã biết trộn lẫn những yếu tố của nguồn gốc con người với động vật".

Xem thêm: Phát hiện đồ trang trí bằng xương người 8.000 năm tuổi từ người tiền sử

Cột sắt 1.600 tuổi không một vết gỉ sét

Cây cột Delhi là "bằng chứng sống" cho thấy kỹ năng thượng thừa của các nhà luyện kim từ thời Ấn Độ cổ đại.

Cây cột này được đúc vào thế kỷ 5 trong giai đoạn từ năm 320-540, do Vua Kumaragupta I, thuộc triều đại Gupta cai trị Bắc Ấn Độ dựng lên. Điều kỳ lạ dù cây cột phơi nắng phơi mưa hàng nghìn năm qua, song Delhi hầu như không có dấu hiệu gì sét khiến các nhà khoa học đã đưa ra hàng loạt giả thuyết về đặc tính của kỳ quan này.

Nổi bật tuần qua: Ấn tượng hình ảnh xa nhất vũ trụ và hiện tượng siêu trăng - 4
Gần đây, các nhà khoa học Ấn Đồ mới tìm ra câu trả lời về bí ẩn. Do đó, cây cột Delhi đã được phủ một lớp màng mỏng, là hợp chất của sắt, oxy và hydro để bảo vệ cây cột này khỏi bị oxy hóa.

Giáo sư Balasubramanian, đồng tác giả của nghiên cứu, gọi cây cột này là "bằng chứng sống" cho kỹ năng của các nhà luyện kim từ thời Ấn Độ cổ đại. 

Theo lý giải của ông, cấu trúc sắt rèn nên cây cột này vốn dĩ đã bao gồm một lớp bảo vệ, gọi là "misawite" - được hình thành do hàm lượng phốt pho cao trong sắt.

Ngay cả những thợ rèn nổi tiếng nhất ở Ấn Độ thời xưa có lẽ cũng không thể ngờ cách luyện kim của họ đã tạo ra một thành công ngoài mong đợi.

Một vấn đề với "misawite", là nó cực kỳ mỏng, và có thể dễ dàng bị bong tróc do cọ xát vật lý. Nhận thức được điều này, cơ quan chức năng địa phương đã dựng hàng rào bảo vệ xung quanh cây cột, tránh việc nó liên tục bị khách du lịch từ khắp nơi vô tình làm tổn hại.

Xem thêm: Bí ẩn cột sắt 1.600 tuổi không một vết gỉ sét

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm