Chiến địa mất tích của trận đánh giữa Alexander Đại đế và người Ba Tư

Phạm Hường

(Dân trí) - Các nhà nghiên cứu cho rằng họ đã tìm thấy địa điểm nơi quân đội của vị vua nổi tiếng đã chiến đấu trong trận Granicus chống lại người Ba Tư.

Chiến địa mất tích của trận đánh giữa Alexander Đại đế và người Ba Tư - 1
Tranh khắc mô tả Alexander Đại đế đang chiến đấu trong trận Granicus nổi tiếng (Ảnh: mikroman6/ Getty Images).

Địa điểm này cách thành phố Biga ở phía tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 10km về phía bắc.

Vào năm 334 trước Công nguyên, quân đội của vua Alexander đã đánh bại người Ba Tư trên chiến trường và dùng lãnh thổ Ba Tư làm bàn đạp tiến sâu hơn vào Trung Đông.

Trận chiến Granicus không chỉ là một trong những bước ngoặt quan trọng nhất trong cuộc đời vua Alexander, bởi sau thời điểm đó người đời đã gọi ông bằng tước hiệu "Đại đế", mà còn là thời khắc quan trọng trong lịch sử thế giới.

Trên thực tế, việc phát hiện ra địa điểm này không phải tới nay mới có manh mối. Nhà khảo cổ học Heinrich Kiepert ở thế kỷ XIX cũng đã nêu ý kiến rằng khu vực này có thể là địa điểm của trận đánh Granicus.

Nghiên cứu mới đây do nhóm của nhà khảo cổ học Reyhan Koerpe ở Trường Đại học Çanakkale Onsekiz Mart, Thổ Nhĩ Kỳ, đã cung cấp thêm bằng chứng rõ ràng.

Đáng chú ý là nhóm nghiên cứu đã xác định được tàn tích của thành phố Hermaion, nơi mà các ghi chép cổ xưa cho rằng chính là địa điểm hạ trại cuối cùng của Alexander trước trận chiến.

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm địa mạo để tái tạo cảnh quan gần đó khi trận chiến diễn ra.

Chiến địa mất tích của trận đánh giữa Alexander Đại đế và người Ba Tư - 2
Chiến địa của trận đánh Granicus nhìn từ một ngọn đồi nơi lính đánh thuê Hy Lạp xuất phát (Ảnh: Reyhan Koerpe).
Chiến địa mất tích của trận đánh giữa Alexander Đại đế và người Ba Tư - 3
Di tích của thành phố Hermaion, nơi đóng quân cuối cùng của Alexander Đại đế trước trận Granicus (Ảnh: Reyhan Koerpe).

Các ghi chép cổ cho biết vua Alexander đã bố trí lính đánh thuê người Hy Lạp trên một ngọn đồi. Từ phát hiện của nông dân địa phương về những ngôi mộ cổ có vũ khí ở đây, các nhà khoa học đã tìm hiểu kỹ và cho rằng rất có thể nơi đây chính là ngọn đồi lịch sử.

Giáo sư Koerpe cho biết những ngôi mộ còn lại những bộ xương của những người đàn ông trưởng thành có cả vũ khí, nhưng không có bia mộ hay vật đại diện chôn kèm, cho thấy đây không phải là một nghĩa trang chính thức.

Tuy vậy, nhóm vẫn cần tiến hành xét nghiệm thêm để xác định niên đại và nguyên nhân cái chết của những người này.

Giáo sư sử học Graham Wrightson ở Trường Đại học Bang South Dakota, Mỹ, người không tham gia vào nghiên cứu nói trên, đánh giá rằng phát hiện của nhóm nghiên cứu là rất thú vị và chúng ta trông đợi thêm ít năm để có thêm bằng chứng từ những cuộc khai quật khảo cổ sắp tới.

Các nhà nghiên cứu có kế hoạch tiến hành khảo sát địa vật lý và khai quật để tìm hiểu kỹ hơn các bằng chứng có khả năng còn nằm bên dưới mặt đất nhằm củng cố cho phát hiện này.

Theo www.livescience.com