Cấu tạo cơ thể khác lạ ở loài cừu mang tới khả năng gì?

Minh Khôi

(Dân trí) - Đặc điểm thú vị ở loài cừu giúp chúng có nhiều khả năng sống sót hơn khi đối đầu với các loài động vật săn mồi.

Đồng tử chữ nhật ở cừu

Cấu tạo cơ thể khác lạ ở loài cừu mang tới khả năng gì? - 1

Việc sở hữu đồng tử hình chữ nhật ở động vật ăn cỏ liên quan trực tiếp tới thói quen thường ngày của chúng (Ảnh: Wikimedia Commons).

Nhìn vào mắt một con cừu, bạn sẽ thấy một hình ảnh khác lạ. Chúng sở hữu đồng tử hình chữ nhật nằm ngang tại vị trí giữa con ngươi, thay vì hình tròn như người và một số loài động vật khác.

Trên thực tế, không chỉ cừu, mà nhiều loài động vật ăn cỏ nhai lại, như nai, linh dương… cũng sở hữu đặc điểm thú vị này.

Theo lý giải của khoa học, việc sở hữu đồng tử hình chữ nhật ở động vật ăn cỏ liên quan trực tiếp tới thói quen chạy trốn kẻ săn mồi của chúng.

"Đồng tử chữ nhật nằm ngang - với chỉ một ngoại lệ mà chúng tôi tìm thấy - thường liên quan đến động vật ăn cỏ", GS Marty Banks, nhà nghiên cứu chuyên về nhận thức không gian thị giác tại Đại học California (Mỹ), cho biết.

"Đặc điểm chung của những loài động vật sở hữu đồng tử hình chữ nhật là mắt của chúng nằm ở hai bên đầu, cho phép chúng nhìn với một góc gần như 360 độ xung quanh".

Tại đó, đồng tử hẹp theo chiều dọc có tác dụng làm sắc nét các đường ngang mà động vật có thể nhìn thấy. Điều này có vai trò rất quan trọng, khi giúp chúng đặt chân đúng vị trí để cố chạy trốn kẻ săn mồi.

Ngoài ra, đồng tử hẹp còn giúp cải thiện tầm nhìn toàn cảnh của động vật bằng cách cho phép nhiều ánh sáng đi vào mắt hơn.

Đồng tử kỳ lạ trong vương quốc động vật

Thế giới động vật có rất nhiều kiểu đồng tử đa dạng. 

Thí dụ như mèo có đồng tử dọc và rất hẹp, phù hợp cho vai trò săn mồi theo kiểu rình rập và ở môi trường thiếu ánh sáng. Đa số các loài săn mồi khác cũng sở hữu đồng tử chữ nhật theo chiều dọc.

Trong khi đó, những động vật săn mồi cao lớn như con người thường có đồng tử tròn. Đồng tử dạng này giúp chúng ta thích nghi dễ dàng hơn cho môi trường ánh sáng thay đổi giữa ban ngày và ban đêm. Ngoài ra, cấu trúc này còn giúp con người vượt trội trong các hoạt động yêu cầu sự tập trung và nhận thức cao.

Cấu tạo cơ thể khác lạ ở loài cừu mang tới khả năng gì? - 2

Đồng tử có hình dạng giống đường gợn sóng ở loài mực ống (Ảnh: Getty).

Kỳ lạ nhất trong thế giới động vật có lẽ là đồng tử có hình dạng giống một đường gợn sóng, hoặc dấu ngoặc kép khi co lại. Cấu tạo này khác hẳn với đồng tử tròn, dọc hay ngang ở các loài động vật khác.

Theo lý giải, cấu trúc này giúp mực nang tự thay đổi kích thước đồng tử tùy thuộc vào cường độ ánh sáng xung quanh. Thí dụ như trong môi trường ánh sáng cao, đồng tử co lại thành hình lượn sóng để giảm ánh sáng vào mắt. Ngược lại, trong môi trường tối, đồng tử giãn ra để thu nhận nhiều ánh sáng hơn.

Cũng không thể không nhắc tới ngoại lệ duy nhất của đồng tử chữ nhật nằm ngang thuộc về loài cầy mangut, khi chúng là động vật săn mồi, nhưng lại sở hữu đặc điểm giống với đa số động vật ăn cỏ.

Theo www.iflscience.com