Sắp diễn ra siêu trăng cuối cùng của năm 2022, ở Việt Nam có quan sát được?

Minh Khôi

(Dân trí) - Sự kiện thiên văn độc đáo này sẽ diễn ra vào 21:36 ngày 11/8 theo múi giờ EDT, tức 8:36 sáng ngày 12/8 theo giờ Việt Nam.

Siêu trăng tháng 8, còn được gọi là "trăng cá tầm", xảy ra khi khoảng cách từ Mặt Trăng đến Trái Đất chỉ bằng khoảng 90% so với thông thường.

Điều này khiến nó trở thành một "siêu trăng", và đây cũng là lần cuối cùng siêu trăng xuất hiện trong năm 2022, theo Fred Espanak, nhà vật lý thiên văn NASA đã nghỉ hưu.

Sắp diễn ra siêu trăng cuối cùng của năm 2022, ở Việt Nam có quan sát được? - 1

Hình ảnh độc đáo ghi nhận siêu trăng diễn ra tại Hà Nội tối 13/7 (Ảnh: Tiến Tuấn).

Trước đó, chúng ta đã chứng kiến tổng cộng 3 siêu trăng diễn ra trong năm nay, lần lượt vào tháng 5, tháng 6 và tháng 7.

Theo GS. Sara Russell đến từ Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ, hiện tượng siêu trăng chỉ xảy ra khi Mặt Trăng đang trong giai đoạn di chuyển ở quỹ đạo gần Trái Đất nhất, thường kéo dài từ 2 - 5 kỳ trăng tròn. Đây cũng là lý do tại sao có nhiều siêu trăng diễn ra liên tiếp trong năm.

Đặc điểm của siêu trăng là chúng to hơn khoảng 14% và sáng hơn 30% so với trăng tròn thông thường. Nguyên nhân là bởi khi Mặt Trăng ở vị trí gần hơn, chúng sẽ phản xạ thêm nhiều ánh sáng hơn tới Trái Đất.

Về lý thuyết, trăng tròn toàn phần chỉ diễn ra trong một khoảnh khắc, nhưng bằng các phương pháp quan sát thông thường thì trước và sau thời điểm đó cũng được coi là trăng tròn toàn phần, bởi vì phần bóng đen do bị che khuất rất hẹp và thay đổi rất chậm đến mức mắt thường khó nhận ra.

Đáng lưu ý, siêu trăng năm nay trùng với giai đoạn đỉnh của mưa sao băng Perseid - một trong hai trận mưa sao băng lớn nhất năm.

Hiện tượng thiên văn này có nguồn gốc từ sao chổi Swift-Tuttle, được phát hiện năm 1862, và xuất hiện trên bầu trời đều đặn trong khoảng thời gian từ ngày 17/7 đến 24/8 hàng năm, đạt cực đại vào đêm 12, rạng sáng ngày 13/8 với tần suất cực đại có thể đạt tới 60-80 vệt băng/giờ.

Vì sao có tên gọi "Trăng cá tầm"?

Theo Live Science, tên gọi này được nhắc đến lần đầu tiên trong cuốn sách Farmer's Almanac xuất bản năm 1818. Tại đây, mỗi kỳ trăng tròn trong năm đều được người Mỹ bản địa quy ước đi kèm một hoạt động nhất định để tiện cho việc xác định thời gian.

Trong đó, trăng tròn tháng 8 được gọi là "trăng cá tầm" do gắn với hoạt động đánh bắt cá tầm của bộ lạc Algonquin ở miền đông Bắc Mỹ, chỉ diễn ra trong đợt trăng sáng đặc biệt này.

Ở Việt Nam có thể quan sát siêu trăng?

Do diễn ra vào khung thời gian sáng ngày 12/8, cộng với ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, nên việc quan sát siêu trăng tại Việt Nam sẽ là rất khó khăn.

Nhiều khả năng, chúng ta sẽ phải đợi gần 1 năm nữa để quan sát hiện tượng thiên văn kỳ thú này, vì siêu trăng tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 1/8/2023.

Tuy nhiên, năm 2023 sẽ có 4 chu kỳ siêu trăng liên tiếp, tương tự là vào năm 2024, các nhà thiên văn dự đoán. Thậm chí, năm 2025 cũng sẽ có 3 kỳ siêu trăng liên tiếp.