Tại sao người xưa vẫn điểm chỉ dù chưa có công nghệ nhận diện vân tay?
(Dân trí) - Việc ứng dụng dấu vân tay trong cuộc sống đời thường đã tồn tại từ năm 7000 đến 6000 trước Công nguyên ở Syria và Trung Quốc cổ đại.
Dấu vân tay, hay những đường vân trên đầu ngón tay của con người, là dấu hiệu nhận diện đặc trưng duy nhất của mỗi cá nhân. Do ảnh hưởng của yếu tố di truyền và môi trường, nên trên thế giới gần như không có 2 dấu vân tay giống hệt nhau.
Mặc dù các cặp song sinh có thể sở hữu dấu vân tay gần giống nhau, nhưng nhìn chung, dấu vân tay vẫn là một hình thức nhận dạng đáng tin cậy. Điều này đã tạo nền tảng cho sự phát triển của ứng dụng vân tay và công nghệ sinh trắc học dựa trên dấu vân tay thời nay.
Được biết, việc ứng dụng dấu vân tay đã tồn tại từ năm 7000 đến 6000 trước Công nguyên ở Syria và Trung Quốc cổ đại.
Các nền văn minh cổ đại đã sớm biết cách sử dụng dấu vân tay để giữ bí mật thông tin. Theo đó, các tài liệu mật thường được viết trên các ống tre, sau đó được niêm phong bằng đất sét và đóng dấu bằng dấu tay của người viết để đảm bảo tính bảo mật của tài liệu.
Trong các giao dịch thương mại hoặc hợp đồng, người ta cũng thường nhấn ngón tay vào đất sét mềm hoặc mực, sau đó in lên bề mặt tài liệu để tạo ra dấu vân tay.
Trong một số trường hợp, dấu vân tay được khắc trực tiếp lên các vật phẩm quan trọng như con dấu, bình gốm hoặc tượng... để đánh dấu quyền sở hữu của tác giả.
Dấu vân tay cũng được sử dụng rộng rãi trong các cuộc điều tra tội phạm cổ đại.
Thời nhà Tống ở Trung Quốc là giai đoạn đỉnh cao của việc điều tra dấu vân tay. Thậm chí, một số quan chức còn trở thành chuyên gia nghiên cứu dấu vân tay cổ đại.
Trong điều kiện thiếu vắng các phương tiện công nghệ cao, người xưa chỉ có thể sử dụng mắt thường để nhận biết và chứng minh tính xác thực của dấu vân tay. Họ thường đặt 2 dấu vân tay cạnh nhau để tìm ra điểm khác biệt.
Từ đó, các đường nét phức tạp của dấu vân tay, như vòng xoắn, đường cung, nét đứt đoạn... trở thành đối tượng được nhận diện qua sự khác biệt về hình dạng và cấu trúc.
Tuy nhiên, việc nhận biết dấu vân tay bằng mắt thường cũng có những hạn chế nhất định. Trong đó, đầu tiên là khả năng sai sót cao, vì các chi tiết nhỏ có thể bị bỏ qua.
Phương pháp này cũng đòi hỏi sự kiên nhẫn và tập trung cao độ. Không chỉ vậy, dấu vân tay in trên đất sét mềm hoặc giấy thường dễ bị mờ hoặc biến dạng, gây khó khăn cho việc nhận dạng.
Thế nhưng, việc người xưa có thể sử dụng mắt thường để nhận biết và chứng minh tính xác thực dựa trên dấu vân tay là minh chứng cho trí tuệ và sự sáng tạo vượt thời đại.
Họ đã dựa vào quan sát trực tiếp để tìm ra một phương thức hữu hiệu nhằm kiểm soát và đảm bảo tính minh bạch trong các hoạt động xã hội.