(Dân trí) - Mơ hay giấc mơ là những trải nghiệm, ảo tưởng trong trí óc khi chúng ta ngủ say. Các sự việc trong giấc mơ thường không thể xảy ra, hoặc không giống với thực tế. Vậy giấc mơ thực ra là gì?
Mơ hay giấc mơ là những trải nghiệm, ảo tưởng trong trí óc khi chúng ta ngủ say. Các sự việc trong giấc mơ thường không thể xảy ra, hoặc không giống với thực tế, nằm ngoài sự điều khiển của chủ thể. Cũng chính vì vậy mà người ta hay dùng từ mơ mộng để nói về những khát vọng, say mê theo những hình ảnh tốt đẹp nhưng xa vời, thoát li thực tế.
Có nhiều giả thuyết về lý do tại sao chúng ta mơ, nhưng chưa ai biết rõ về điều này. Một số nhà nghiên cứu cho biết thường giấc mơ không có mục đích hay ý nghĩa gì mà chỉ là những hoạt động vô nghĩa của bộ não đang ngủ. Nhưng những người khác lại cho rằng giấc mơ là cần thiết cho sức khỏe tinh thần, cảm xúc và thể chất.
Một trong những nhà khoa học đi đầu trong nghiên cứu sự hình thành, cũng như ảnh hưởng của giấc mơ là Sigmund Freud. Ông từng nói: "Việc giải thích những giấc mơ là con đường dát vàng để chạm tới tri thức về sự bí ẩn vô thức của tâm trí con người".
Dù rất khó để hình thành nên định nghĩa, song giấc mơ được cho là những câu chuyện và hình ảnh mà tâm trí chúng ta tạo ra trong khi ngủ. Giấc mơ có thể nhạt nhòa, thoáng qua, nhưng cũng có thể sống động và tác động mạnh tới cảm xúc, khiến cảm thấy vui, buồn, hay sợ hãi. Đôi khi giấc mơ có thể khó hiểu, nhưng có lúc lại xảy ra theo một trình tự hoàn toàn hợp lý, khiến người nằm mơ rơi vào trạng thái "nửa tỉnh nửa mê", không biết rằng luồng thông tin nào là đúng.
Thực tế cho thấy giấc mơ có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong khi ngủ. Nhưng bằng sự tiến bộ của khoa học, các nhà nghiên cứu chứng minh được hầu hết những giấc mơ sống động thường xảy ra trong giấc ngủ sâu, hay giấc ngủ REM (chuyển động mắt nhanh). Dường như có sợi dây vô hình nối giữa não bộ và giấc mơ, bởi đây cũng là thời điểm mà não hoạt động mạnh nhất.
Trong cuốn sách "Diễn giải những giấc mơ", Sigmund Freud - cha đẻ của phân tâm học, đưa ra lý thuyết về những giấc mơ của mình như một hệ quả của những ước muốn vô thức. Ông mở rộng lý thuyết này trong một cuốn sách có tên là "Tâm lý học giấc mơ", nơi ông mô tả chúng một cách cặn kẽ. "Những thứ dễ bắt gặp trong giấc mơ là điều hoàn toàn dễ hiểu. Chúng sinh ra nhằm thỏa mãn những mong muốn, phấn khích thường ngày của chúng ta, hay những điều chưa thể trở thành hiện thực. Trong giấc mơ, chúng ta chỉ đang là hiện thực hóa những mong muốn", Freud cho biết.
Thời cổ đại, người Hy Lạp và La Mã thậm chí tin rằng những giấc mơ có khả năng chứa đựng lời tiên tri ở một góc độ nhất định. Thế nhưng, khoa học hiện nay lại chứng minh điều ngược lại, khi cho rằng giấc mơ thực sự không có ý nghĩa gì; và chúng chỉ là các xung điện não kéo những suy nghĩ và hình ảnh ngẫu nhiên từ ký ức của chúng ta mà thôi.
Mặc dù những gì chúng ta nhìn thấy và trải nghiệm trong giấc mơ có thể không nhất thiết là có thật, nhưng những cảm xúc gắn liền với những trải nghiệm này chắc chắn là có xảy ra, điển hình như cảm thấy vui, hưng phấn, buồn chán, thất vọng, sợ hãi...
Chính những cảm xúc mạnh mẽ và rất chân thật này đã thôi thúc con người đi tìm kiếm ý nghĩa trong những giấc mơ đã chiếm hữu tâm trí chúng ta qua các thời đại. Một số người vẫn tin rằng giấc mơ chỉ là một sự hỗn tạp ngẫu nhiên của các mảnh vỡ ký ức, đan xen với những lo toan thường nhật. Song, số khác lại cho rằng giấc mơ có thể mang đến nhiều ý nghĩa hơn thế.
Con người đã cố gắng giải thích về những giấc mơ trong nhiều thiên niên kỷ. Trong suốt một thời gian dài, giấc mơ được cho là bắt nguồn từ những sinh linh bên ngoài cơ thể chúng ta. Thậm chí, giấc mơ còn được hiểu là những thông điệp từ các vị thần hoặc những thông tin liên lạc từ tổ tiên của chúng ta.
Nhiều giấc mơ cũng được xem là lời tiên tri, hay mang theo ý nghĩa quyết định, đóng vai trò thay đổi lịch sử. Theo bộ sử "Historiai" của nhà sử học Herodotos, Hoàng đế Cyrus Đại Đế từng thấy trong giấc chiêm bao viễn cảnh con của thống soái Hystaspes là Darius sẽ lên ngôi Hoàng đế của Đế quốc Ba Tư cường thịnh. Ông đã vô cùng sợ hãi và đưa ra những quyết định thiếu sáng suốt. Rốt cuộc, Cyrus Đại Đế bị Nữ hoàng Tomyris đánh bại trong một trận đánh kịch liệt, và thế rồi Darius I đã lên ngôi Hoàng đế Ba Tư, đúng như điều mà Cyrus "nhìn thấy".
Một lần khác, Hoàng đế Xerxes I của Đế quốc Ba Tư từng nằm mơ thấy một con ma, cảnh báo nhà vua sẽ hứng chịu số phận bi thảm nếu không thân chinh đánh Hy Lạp. Hôm sau, Xerxes I lập tức thân chinh điều động binh mã tinh nhuệ đánh Hy Lạp để rồi cuộc Chiến tranh Hy Lạp - Ba Tư lần thứ hai bùng nổ.
Hay như trong đêm trước trận chiến quyết định tại cầu Milvian giữa hai Hoàng đế La Mã là Constantinus I Đại Đế và Maxentius, Constantinus I Đại Đế nằm mộng thấy Chúa Giê-su hiện lên với cây Thánh giá, khuyên ông nên cho các chiến binh vẽ hình Thánh giá lên tấm khiên của họ.
Khi tỉnh dậy, ông được các giáo sĩ Ki-tô giáo lý giải rằng nhà vua đã tận mắt nhìn thấy Đức Ki-tô. Đây được xem là biểu hiện của sự bất hủ và chiến thắng trước cái chết. Thế rồi, trong trận đánh ở cầu Milvian, Hoàng đế Constantinus I Đại Đế thân chinh kéo binh mã tinh nhuệ xông lên đại phá tan nát quân địch, khiến Hoàng đế Maxentius bại vong, nhờ đó cuộc nội chiến La Mã kết thúc.
Là bí ẩn vĩ đại của nhân loại suốt hàng nghìn năm, nghiên cứu khoa học về những giấc mơ như một điều tất yếu, bắt đầu từ khoảng những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, khi các nhà khoa học rốt cuộc đã cùng nhau "xắn tay áo" để tìm hiểu xem điều gì xảy ra trong não bộ của con người.
Người đi đầu trong phong trào này là Sigmund Freud và Carl Jung, và họ đã đưa ra một số lý thuyết hiện đại được biết đến rộng rãi về giấc mơ. Về cơ bản, lý thuyết của Freud xoay quanh khái niệm về niềm khao khát bị kìm nén.
Ông cho rằng ý tưởng về ước mơ là cách mô tả những ước muốn bị kìm nén, chưa được giải quyết. Carl Jung (người theo học và là cộng sự của Freud) cũng tin rằng những giấc mơ có tầm quan trọng về mặt tâm lý, nhưng lại đưa ra những giả thuyết khác nhau về ý nghĩa của chúng. Theo Jung, các giấc mơ có thể giúp con người trưởng thành và hiểu được chính họ.
Tuy nhiên, do những giới hạn về mặt công nghệ, nên Sigmund Freud và Carl Jung chưa thể có những cái nhìn chuyên sâu, cũng như chính xác hơn về giấc mơ. Ngày nay, các nhà nghiên cứu có thể chụp được bộ não người khi họ đang ngủ, do đó, chúng ta đã biết nhiều hơn về khoa học của các giấc mơ.
Vào thập niên 1950, các nhà khoa học có được bước tiến đáng kể, khi lần đầu tiên khám phá ra một loại hình đặc biệt của giấc ngủ, được gọi là REM hay sự di chuyển nhanh của mắt, có liên quan chặt chẽ tới việc xuất hiện các giấc mơ sống động.
Thế nhưng, điều thú vị là không chỉ con người, mà ngay cả động vật có vú khác, như mèo, cũng biết mơ. Do đó, các nhà tâm lý học tiến hóa đã đưa ra giả thuyết rằng giấc mơ có thể thực sự có mục đích, chứ không chỉ đơn giản là xuất hiện ngẫu nhiên.
Theo họ, giấc mơ nên được xem như một cơ chế bảo vệ sinh học cổ đại, giống như tiềm thức, nhằm cung cấp lợi thế tiến hóa vì khả năng mô phỏng lặp lại các sự kiện đe dọa tiềm ẩn, từ đó tăng cường cơ chế nhận thức thần kinh cần thiết để nhận thức và né tránh các mối đe dọa hiệu quả. Dẫu vậy, bằng chứng hữu hình về giấc mơ để minh chứng cho giả thuyết này vẫn còn khó nắm bắt.
Tobie Nathan, Giáo sư tâm lý học lâm sàng, Đại Học Paris 8, tác giả cuốn sách tựa đề "Những bí mật trong giấc mơ của bạn" (Les secrets de vos rêves) cho rằng trong "giai đoạn nghịch" (paradoxal) của giấc ngủ, các cơ tạm thời bị liệt và lúc đó, bộ não bừng tỉnh, đôi mắt bắt đầu cử động nhanh, xoay chuyển về mọi phía.
Theo GS. Nathan, đó là giai đoạn mà bộ não thu thập những hình ảnh, những cảm giác, những từ ngữ… rồi kết hợp chúng để "sáng tác" những tái hiện mới. "Giấc mơ cố giải đáp những câu hỏi mà chúng ta đặt ra, nó giống như là những dự báo, vì chúng ta cố dự đoán xem những gì có thể sẽ xảy ra với mình", ông lý giải.
Nếu như chỉ là những câu chuyện và hình ảnh xuất hiện trong khi ngủ, thì giấc mơ đã không kỳ lạ và khó hiểu đến vậy. Theo các nhà nghiên cứu, cách mà giấc mơ tự "xử lý" trong mỗi tình huống và đối với những người khác nhau lại có "kiểu mơ" khác nhau đã làm phong phú cho đề tài này.
Theo đó, một số người có xu hướng nói mớ (hay nói mơ) khi ngủ. Đôi khi, những lời nói này giống như đang gọi một ai đó, nhưng cũng có khi là tiếng rên la, tiếng hét. Theo lý giải, đây là những rối loạn thường xảy ra ở thời điểm chuyển giao giữa các giai đoạn giấc ngủ, như đang thức chuyển sang ngủ, hay từ trạng thái ngủ chập chờn chuyển sang trạng thái giấc ngủ REM.
Cũng có trường hợp đặc biệt khi người mơ đứng dậy và di chuyển trong vô thức. Đây là tình trạng mộng du, xảy ra ở một số người đang ở giữa giai đoạn ngủ say và giai đoạn chuẩn bị thức giấc. Điều kỳ lạ là người bị mộng du không thể phản ứng lại các sự kiện xảy ra và không thể nhớ được chúng.
Một hiện tượng kỳ lạ khác gọi là "Deja Vu", bắt nguồn từ tiếng Pháp, có nghĩa "đã từng xảy ra". Đây là cảm giác xuất hiện khi một sự kiện nào đó diễn ra và bạn cho rằng nó đã xảy ra trong quá khứ.
Có rất nhiều giả thuyết được đặt ra, nhưng các nhà khoa học lý giải khi một khoảnh khắc mới xuất hiện, sự trì hoãn trong quá trình xử lý thông tin có thể khiến não bộ phân loại những dữ kiện mới lại thành ký ức. Điều này nghĩa là bạn sẽ có cảm giác như não mình đang "vẽ lại" điều gì đó trong quá khứ, và có thể xuất hiện từ trong giấc mơ.
Điều kỳ lạ về giấc mơ đó là chúng dường như luôn "né tránh" khi chúng ta cố gắng nhớ lại vào lúc tỉnh dậy. Cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn không biết chắc chắn tại sao giấc mơ lại dễ bị lãng quên đến thế. Có lẽ, bộ não con người được thiết kế để quên đi giấc mơ bởi vì nếu con người nhớ tất cả những giấc mơ của mình, họ có thể không thể phân biệt giữa giấc mơ với hiện thực.
Đối với các nhà khoa học, kỳ thực giấc mơ là một trong những đề tài phi thực tế nhất mà họ có thể lựa chọn để nghiên cứu. Nguyên nhân là bởi dù không thể thiếu trong trải nghiệm của cuộc sống, song bản chất giấc mơ không phải là ý thức chủ quan ngoài những hồi ức mơ hồ, không đáng tin cậy. Mà khoa học lại rất cần những bằng chứng có thực, có thể lý giải, và có thể vận hành theo cái cách mà họ mong muốn.
Cũng vì lý do này mà theo lời khuyên của các nhà khoa học, nhà tâm lý học, bạn không nên quá tin vào những giấc mơ của mình, cho dù chúng có trở nên thuyết phục như thế nào đi chăng nữa.
Ở một số quốc gia châu Phi, cụ thể là ở Guinea và Burundi, có những thầy giải mộng làm công việc giống như kê toa thuốc. Cứ mỗi khi có ai mơ thấy chuyện gì, họ sẽ đến gặp thầy giải mộng để được khuyên là nên làm gì, chứ không phải để được nghe giải thích ý nghĩa của giấc mơ đó.
Những người này sau đó được "thầy giải mộng" kê đơn, hướng dẫn điều chỉnh chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, cách sinh hoạt và uống một số loại thuốc an thần... nhằm mục đích điều tiết được tình trạng của mình. Cách xử lý này được các nhà khoa học tán thành, và xem là phù hợp hơn với bản chất của những giấc mơ - vốn vẫn còn là những bí ẩn mà nhân loại chưa thể giải đáp trọn vẹn.