Vì sao chim trời là "cơn ác mộng" của các phi công?
(Dân trí) - Ít người ngờ rằng một con chim bé nhỏ lại có thể gây ra một vụ tai nạn hàng không nghiêm trọng, khiến rất nhiều người thiệt mạng. Đó là lý do chim trời được xem là "cơn ác mộng" của các phi công.
Khi nhắc đến những nguy hiểm trong ngành hàng không, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến các yếu tố như kỹ thuật, thời tiết, sai lầm do con người... Nhưng đối với các phi công, một trong những "cơn ác mộng" họ phải đối mặt khi cầm lái một chiếc máy bay khổng lồ, đó là chim trời.
Vì sao chim trời được xem là "ác mộng" của các phi công
Vì sao những con chim tưởng chừng như bé nhỏ và vô hại lại có thể gây ra nguy hiểm tiềm tàng cho những chiếc máy bay khổng lồ?
Khi một chiếc máy bay đang di chuyển với tốc độ hàng trăm kilômét mỗi giờ, việc va chạm với những vật bé nhỏ, dù chỉ nặng vài gram như chim, cũng sẽ gây ra một lực va đập rất lớn. Vụ va chạm với chim trời có thể làm vỡ kính buồng lái, hư hỏng các bộ phận trên máy bay như càng đáp, cánh, radar dẫn đường hoặc các cảm biến bên ngoài máy bay...
Hậu quả của vụ va chạm sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều nếu chim bị hút vào động cơ phản lực của máy bay. Điều này có thể dẫn đến hỏng động cơ, gây ra tai nạn hàng không nghiêm trọng hoặc gây hư hại cho máy bay. Thiệt hại của các vụ va chạm sẽ càng tăng cao nếu máy bay đâm trúng các loài chim cỡ lớn như diều hâu, ngỗng trời...
Theo thống kê của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), khoảng 90% các vụ máy bay va chạm với chim xảy ra gần sân bay, ở độ cao dưới 1.000m, thường trong giai đoạn cất hoặc hạ cánh, là những thời điểm quan trọng nhất của chuyến bay.
Ở độ cao dưới 1.000m, các phi công sẽ có rất ít thời gian để xử lý các sự cố nói chung và trường hợp máy bay va chạm với chim nói riêng. Đặc biệt, nếu máy bay đâm vào chim ngay khi vừa cất cánh, phi công sẽ gặp khó khăn trong việc lấy được độ cao, cũng như khó có thể hạ cánh khẩn cấp do máy bay lúc này vẫn còn rất nặng vì nhiên liệu bên trong còn đầy.
Biến đổi khí hậu cũng góp phần làm tăng nguy cơ va chạm giữa máy bay với chim, khi các loài chim di cư đã phải thay đổi hướng bay vì sự thay đổi của thời tiết, khiến hướng di chuyển của chúng càng trở nên khó dự đoán.
Vì sao không lắp lưới bảo vệ động cơ để giảm thiệt hại khi va chạm với chim?
Hẳn không ít người sẽ đặt câu hỏi tại sao các hãng hàng không lại không lắp lưới bảo vệ để chim không bị hút vào động cơ, tránh dẫn đến tai nạn nguy hiểm.
Tuy nhiên, việc lắp lưới bảo vệ động cơ là bất khả thi, khi động cơ máy bay cần luồng khí đi vào mạnh và trơn tru nhất có thể. Bất kỳ vật cản nào, kể cả loại lưới mịn nhất, cũng sẽ làm giảm hiệu suất hoạt động, khiến động cơ không đủ lực nâng để đưa máy bay lên cao.
Những tấm lưới bảo vệ động cơ cũng có thể bị đóng băng khi máy bay đạt độ cao hành trình (trên 10.000m), dẫn đến nguy cơ động cơ máy bay ngừng hoạt động. Ngoài ra, việc lắp lưới bảo vệ cũng dẫn đến nguy cơ lưới bị đứt, hỏng và hút vào bên trong động cơ, điều này thậm chí còn nguy hiểm hơn cả khi máy bay va chạm với chim.
Thay vì lắp lưới để bảo vệ động cơ máy bay, hiện các sân bay trên thế giới phải chi ra hàng triệu đô la mỗi năm để sử dụng các giải pháp khác nhau nhằm ngăn chặn chim bay vào khu vực đường băng, bao gồm phát âm thanh dọa chim, sử dụng chim săn mồi được huấn luyện để xua đuổi các loài chim di cư, lắp đặt đèn công suất lớn để xua đuổi chim...
Tuy nhiên, những giải pháp này không phải lúc nào cũng phát huy tác dụng, bằng chứng là các vụ máy bay va chạm với chim vẫn diễn ra.
Các phi công cũng được đào tạo và huấn luyện để xử lý phù hợp nếu máy bay va chạm với chim, nhưng không phải lúc nào họ cũng có thể xử lý thành công trường hợp này, nhất là khi máy bay bị hư hại nghiêm trọng sau khi đâm phải chim.
Ngành hàng không vẫn đang tiếp tục nghiên cứu và phát triển những công nghệ mới để giảm thiểu rủi ro tai nạn hàng không từ chim trời. Tuy nhiên, cho đến khi tìm ra được một giải pháp phù hợp và hiệu quả, chim trời vẫn là "cơn ác mộng" mà các phi công phải đối mặt mỗi khi cầm lái máy bay.