8 điều ít biết về thiên tài "lập dị" Albert Einstein

Minh Khôi

(Dân trí) - Mặc dù Einstein ghi dấu ấn chủ yếu với tư cách là một nhà vật lý học, nhưng người ta còn biết đến thiên tài "lập dị" qua nhiều câu chuyện từ thú vị, đến vô cùng giật gân.

8 điều ít biết về thiên tài lập dị Albert Einstein - 1

Mọi người đều biết đến Albert Einstein như một thiên tài có mái tóc bồng bềnh, người đã tạo ra cuộc cách mạng hóa trong ngành vật lý. Thế nhưng bạn có biết rằng ông cũng là một kẻ lập dị "có tiếng" khi từ chối các quy ước xã hội, có một chuyện đời gây tranh cãi và công trình lớn nhất của ông thậm chí không được trao giải Nobel?

Chậm nói

Thời thơ ấu, Albert Einstein là một cậu bé tương đối chậm nói và từng khiến cha mẹ ông lo lắng. Ngay cả khi đã 7 tuổi, cậu bé Albert vẫn nói chuyện một cách vô cùng miễn cưỡng, và dường như chẳng hề cảm thấy điều này là thú vị.

Thực tế này kết hợp với sự hết lòng vì vật lý, cũng như việc áp đặt các thói quen lên vợ, tài năng âm nhạc và các yếu tố khác đã khiến một số người cho rằng Einstein mắc hội chứng Asperger - một chứng rối loạn phổ tự kỷ (autism spectrum disorder) ảnh hưởng đến sự phát triển ngôn ngữ và hành vi ở trẻ em.

8 điều ít biết về thiên tài lập dị Albert Einstein - 2

Albert Einstein khi 3 tuổi (Ảnh: Wikipedia).

Một số thiên tài khác, bao gồm các nhà vật lý Isaac Newton và Marie Curie, cũng từng nhận được những chẩn đoán tương tự. Xuất phát từ quan điểm này, nhà kinh tế học Thomas Sowell đã đặt ra thuật ngữ "Hội chứng Einstein" để mô tả những trẻ có năng khiếu, không tự kỷ, mắc chứng chậm nói.

Vật lộn với môn toán ở trường?

Nhiều ghi chép trên Internet cho rằng Einstein đã phải vật lộn với môn toán thời còn đi học, và ông đã thậm chí đã thi trượt kỳ thi tuyển sinh Đại học. Tuy nhiên trên thực tế, Einstein rất xuất sắc trong vật lý và toán học từ khi còn nhỏ và học giải tích khi chỉ mới 12 tuổi.

Còn lý do Einstein được cho là đã trượt kỳ thi tuyển sinh đầu tiên là bởi khi ấy, ông là một học sinh 15 tuổi đang bỏ học, đồng thời không có bằng tốt nghiệp trung học nhưng vẫn nộp đơn vào Học viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ.

Bất chấp hệ thống giáo dục cứng nhắc, Einstein khi ấy vẫn đạt điểm cao trong các bài kiểm tra toán học và vật lý và được trường đại học trên chấp nhận với điều kiện phải hoàn thành chương trình giáo dục trung học của mình ngay sau đó.

Có con gái riêng?

8 điều ít biết về thiên tài lập dị Albert Einstein - 3

Albert Einstein và Mileva Marić.

Khi theo học đại học ở Zurich (Đức), Einstein đã yêu một sinh viên vật lý lớn tuổi hơn, có tên là Mileva Marić. Đây cũng là người phụ nữ mà sau này sẽ trở thành vợ đầu tiên của ông. Nhưng nhiều năm sau khi tốt nghiệp, Einstein vẫn quá nghèo để kết hôn, cũng như bị gia đình ngăn cản.

Bất chấp những định kiến, đầu năm 1902, cặp đôi đã có một cô con gái tên là Lieserl, được Marić đưa về nhà của cha mẹ cô gần Novi Sad, Vương quốc Hungary, còn ngày nay là vùng nông thôn của Serbia.

Tại vùng đồng quê tươi đẹp ấy, Marić nuôi dưỡng đứa trẻ, nhưng sau đó cặp vợ chồng không bao giờ nói về con gái của họ với những người khác, ngay cả bạn bè. Số phận của Lieserl vẫn là một bí ẩn cho đến ngày nay.

Chuyện đời gây tranh cãi

Einstein và Marić không gắn bó quá lâu trong cuộc hôn nhân của họ. Trong những bức thư để lại, Marić thậm chí mô tả Einstein như một "gã lừa đảo không tử tế", người đã bỏ bê và ngược đãi bà trong khi công khai tận hưởng những mối quan hệ gây tranh cãi khác.

Một trong số những tình nhân được nhắc tên là Elsa - em họ xa của chính Einstein, người mà sau này cũng trở thành vợ thứ hai của ông.

Sau 5 năm sống xa nhau, Marić ly hôn với Albert vào năm 1919. Sau đó, ông xa lánh các con của mình, mặc cho Marić phải chăm sóc chúng và gia đình đổ nát của riêng bà.

Trượt giải Nobel về thuyết tương đối

8 điều ít biết về thiên tài lập dị Albert Einstein - 4

Tập bản thảo viết tay về Thuyết tương đối của Albert Einstein trong buổi giới thiệu một ngày trước khi được bán đấu giá tại nhà đấu giá Christie ở Paris (Ảnh: AFP/Yonhap).

Được công bố vào năm 1916, thuyết tương đối rộng của Einstein đã hoàn thiện thuyết tương đối hẹp bằng cách đưa lực hấp dẫn và gia tốc vào phương trình thông qua khái niệm không-thời gian bị biến dạng. Sự thiên tài của ông được thể hiện khi tìm ra cách biến đổi công trình nghiên cứu trước đó từ các nhà khoa học như Henri Poincaré và Hendrik Lorentz thành một lý thuyết thống nhất.

Tuy nhiên, Einstein không được trao giải Nobel cho thành tựu này. Sau nhiều năm tham khảo các tài liệu lưu trữ, nghiên cứu lịch sử khoa học Robert Marc Friedman đã tìm ra một sự thật bất ngờ rằng nguyên nhân của sự việc có thể đến từ một số người thành kiến với Einstein nhằm hạ thấp uy tín của cá nhân ông. Cụ thể, một số nhà khoa học hàng đầu của Đức lúc đó đã gọi công trình của Einstein là trò bịp bợm vô căn cứ.

Dẫu vậy, danh tiếng của Einstein ngày một lớn, và những công trình của ông mang lại sự đột phá cho nhân loại. Rốt cuộc vào năm 1922, Einstein được trao giải Nobel Vật lý nhưng không phải cho Thuyết tương đối, công trình vĩ đại nhất trong cuộc đời khoa học của ông. Sự kiện này đã trở thành một trong những bí ấn gây tranh cãi nhất trong lịch sử giải Nobel.

Phát minh ra tủ lạnh

8 điều ít biết về thiên tài lập dị Albert Einstein - 5

Einstein và người bạn thân là nhà vật lý Leo Szilard đã phát minh ra chiếc tủ lạnh nhận được sự quan tâm suốt nhiều thập kỷ sau đó.

Vào những năm 1920, nhiều vụ tai nạn xảy ra tại các hộ gia đình với nguyên nhân do đường ống dẫn khí và chất asen trong sơn tường đã khiến việc chuyển đổi sang tủ lạnh điện gặp khó khăn, do tủ lạnh dễ làm rò rỉ các chất làm mát hóa học dễ bay hơi như metyl clorua, amoniac, sulfur dioxide...

Các sự cố này đã thôi thúc Einstein cùng với nhà vật lý người Hungary Léo Szilàrd thiết kế một loại thiết bị mới gọi là tủ lạnh hấp thụ, chỉ yêu cầu amoniac, butan và nước, cộng với nguồn nhiệt cho máy bơm.

Thiết bị của họ dựa trên nguyên tắc chất lỏng sôi ở nhiệt độ thấp hơn khi tiếp xúc với áp suất khí quyển thấp hơn. Khi áp suất trong đường ống phía trên bình chứa butan giảm xuống, butan sẽ sôi lên, hút nhiệt từ môi trường xung quanh và hạ nhiệt độ trong tủ lạnh. Công trình được cấp bằng sáng chế vào năm 1930.

Từng được mời làm Tổng thống

Einstein ghi dấu ấn chủ yếu với tư cách là một nhà vật lý học, nhưng các quan điểm về chính trị của ông vào thời ấy cũng nổi tiếng ngang với những thành tựu khoa học.

Einstein là một người theo chủ nghĩa hòa bình. Ông đã sử dụng danh tiếng và sức ảnh hưởng của mình để ủng hộ cho những lý tưởng ông hằng theo đuổi, lên án Chủ nghĩ Phát Xít ở Đức, vận động nhà nước Israel, và chỉ trích phân biệt chủng tộc ở Hoa Kỳ.

8 điều ít biết về thiên tài lập dị Albert Einstein - 6

Năm 1952, Tổng thống đầu tiên của Israel, Chaim Weizmann, khẳng định Einstein là "người Do Thái vĩ đại nhất còn sống" và mong muốn ông có thể trở thành người kế tục. Tuy nhiên, Einsten, khi đó đã 73 tuổi, và thậm chí còn không phải là công dân Israel; ông cho rằng tuổi cao, thiếu kinh nghiệm, chưa đủ kỹ năng dẫn dắt mọi người là lý do ông không phải lựa chọn đúng đắn.

Nhiều bộ phận cơ thể bị đánh cắp

Theo nguyện vọng của Einstein, khi chết, thi hài của ông sẽ được hỏa táng, và tro sẽ được rải xuống một khu vực bí mật, để ngăn cản việc bị thu giữ bởi những kẻ sùng bái.

Thế nhưng trước khi bất kỳ ai có cơ hội để thực hiện ý đồ này, thì Thomas Harvey - một bác sỹ khám nghiệm tử thi đã nhanh tay tách riêng bộ não của Albert Einstein ra khỏi cơ thể, rồi mang về nhà mình mà không có sự cho phép của gia đình ông.

Để làm được điều này, Harvey thực hiện một ca giải phẫu bí mật ngay sau khi Einstein qua đời. Ông chia bộ não của Einstein thành 240 phần, chứa trong 2 lọ thủy tinh với dung dịch celloidin (một dạng cellulose nhưng ở thể cứng hơn) và cất chúng dưới tầng hầm, tại nhà riêng của mình.

8 điều ít biết về thiên tài lập dị Albert Einstein - 7

Thomas Harvey và một phần bộ não của Einstein vào năm 1994.

Một số tài liệu cho rằng Harvey không chỉ đánh cắp bộ não của Albert Einstein, mà còn lấy đi cả đôi mắt và sau đó ông ta đưa lại cho bác sĩ nhãn khoa của Einstein. Hành động đầy ghê tởm của Harvey khiến ngay cả vợ ông cũng không thể chấp nhận, dẫn tới cuộc hôn nhân đổ vỡ như một hệ lụy tất yếu.

Dẫu không thể phủ nhận hành động phi nhân tính và đầy cơ hội của mình, song Thomas Harvey vẫn được khoa học ghi nhận là một trong những nhà bệnh học kỳ cựu nhất thời điểm bấy giờ. Quy trình chia tách bộ não của Einstein được ông thực hiện và bảo quản ở mức độ hoàn hảo sau khi nhà thiên tài vật lý qua đời, giúp nó trở thành đề tài nghiên cứu hữu ích cho giới khoa học.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm