Vụ trường ĐH Đông Đô: Có bao nhiêu thạc sĩ, tiến sĩ sử dụng văn bằng 2 tiếng Anh bất hợp pháp?
(Dân trí) - Trường Đại học Đông Đô đã tổ chức tuyển sinh, đào tạo “chui” để cấp văn bằng 2 (VB2) ngành ngôn ngữ Anh hệ chính quy. Câu hỏi đặt ra: Liệu còn bao nhiêu trường đào tạo VB2 ngành ngôn ngữ nước ngoài bất hợp pháp?, có bao nhiêu thạc sĩ, tiến sĩ sử dụng VB2 này?
Bộ GD&ĐT vẫn chưa công khai danh sách các trường đào tạo VB2
Bộ GD-ĐT cho biết, hiện nay, mọi văn bản của Bộ GD&ĐT cho phép các cơ sở giáo dục đại học được đào tạo văn bằng 2 đều được lưu trữ theo quy định về lưu trữ tại Văn phòng Bộ GD&ĐT (trừ các cơ sở giáo dục đại học là thành viên của 02 đại học Quốc gia, 03 đại học Vùng và 23 cơ sở giáo dục đại học được phép thí điểm tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017).
Song đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT vẫn “im lặng” trong việc công bố công khai danh sách các trường được phép đào tạo văn bằng 2 (VB2), đặc biệt là VB2 ngành ngôn ngữ nước ngoài.
Mới đây nhất, Bộ GD-ĐT chỉ thông tin: Trước khi cơ quan công an ra quyết định khởi tố vụ án xảy ra tại Trường đại học Đông Đô, Bộ GD&ĐT cũng đã tổ chức thanh tra công tác đào tạo VB2 tại 3 trường: ĐH Chu Văn An, Khoa Ngoại ngữ (ĐH Thái Nguyên) và ĐH Thành Đô. Tuy nhiên kết quả thanh tra đến nay vẫn chưa thấy Bộ GD-ĐT công bố.
Sở dĩ chúng tôi đề cập sâu đến việc đào tạo VB2 ngành ngôn ngữ nước ngoài vì đây là một trong những “giấy phép thông hành” rất được ưu ái khi học thạc sĩ và tiến sĩ.
Theo khoản 3 điều 5 thông tư số 15/2014/TT-BGDĐT về quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ quy định: Thí sinh có năng lực ngoại ngữ đúng với yêu cầu môn thi ngoại ngữ của cơ sở đào tạo thuộc một trong các trường hợp sau được miễn thi môn ngoại ngữ: Có bằng tốt nghiệp đại học, thạc sĩ, tiến sĩ được đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài, được cơ quan có thẩm quyền công nhận văn bằng theo quy định hiện hành; Có bằng tốt nghiệp đại học chương trình tiên tiến theo Đề án của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đào tạo chương trình tiên tiến ở một số trường đại học của Việt Nam hoặc bằng kỹ sư chất lượng cao (PFIEV) được ủy ban bằng cấp kỹ sư (CTI, Pháp) công nhận, có đối tác nước ngoài cùng cấp bằng;
Có bằng tốt nghiệp đại học ngành ngôn ngữ nước ngoài; Có chứng chỉ trình độ ngoại ngữ theo quy định.
Điều 25 của thông tư này cũng cho hay, nếu học viên có bằng tốt nghiệp đại học ngành ngôn ngữ nước ngoài thì được miễn đánh giá học phần ngoại ngữ, đủ điều kiện về ngoại ngữ để được bảo vệ luận văn thạc sĩ.
Như vậy nếu một người học thạc sĩ mà có được bằng tốt nghiệp VB2 ngành ngôn ngữ nước ngoài thì được miễn môn ngoại ngữ từ đầu vào cho đến đầu ra.
Tương tự, đối với quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ thì một trong những điều kiện để được dự tuyển là phải có văn bằng, chứng chỉ minh chứng về năng lực ngoại ngữ. Trong đó chấp nhận bằng tốt nghiệp đại học các ngành ngôn ngữ nước ngoài do các cơ sở đào tạo của Việt Nam cấp (nghĩa là VB2 ngành ngôn ngữ nước ngoài được chấp nhận).
Có lẽ vì “độ hot” của VB2 ngành ngôn ngữ nước ngoài, nhất là ngôn ngữ Anh mà vừa qua trường Đại học Đông Đô đã bất chấp quy định của pháp luật để tổ chức thi đầu vào, thi hết học phần 27 tín chỉ và thi tốt nghiệp cho các học viên chỉ trong thời gian 1-2 ngày (học viên được phát giấy thi và đáp án để chép ngay tại chỗ) và được cấp bằng tốt nghiệp sau 3-6 tháng từ lúc nộp hồ sơ mà không phải đi học.
Trường nếm trái đắng vì sự trả lời thiếu thấu đáo?
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, hiện nay rất nhiều người đang sử dụng tấm bằng VB2 ngành ngôn ngữ nước ngoài để làm “giấy thông hành” học thạc sĩ, tiến sĩ. Như vụ việc trường Đại học Đông Đô vừa qua, hàng trăm VB2 ngôn ngữ Anh được cấp cho người học sai quy định và cơ quan an ninh cũng xác định có không ít người dùng tấm bằng này để học thạc sĩ, tiến sĩ.
Có lẽ nhiều người sẽ đặt câu hỏi: Các trường có kiểm tra, giám sát những tấm bằng này trước khi tiếp nhận học viên làm thạc sĩ, tiến sĩ hay không?
Câu trả lời chắc chắn là có nhưng khi thông tin thiếu minh bạch, văn bản trả lời của Bộ GD-ĐT thì lại “mù mờ” nên câu chuyện để lọt học viên có văn bằng, chứng chỉ sai quy định đang học thạc sĩ, tiến sĩ là điều khó tránh khỏi.
Theo tư liệu mà Dân trí có được, ngày 14/8/2018, Cục Nhà trường - Bộ Tổng tham mưu có văn bản gửi Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) xin cho ý kiến về danh sách tổ chức khảo thí và các cơ sở đào tạo của Việt Nam được công nhận đủ điều kiện cấp văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ.
Văn bản này có đoạn: “…Để đảm bảo tính pháp lý đối với văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ của người dự tuyển đào tạo trình độ tiến sĩ, Cục Nhà trường - Bộ Tổng tham mưu đề nghị Cục Quản lý chất lượng – Bộ GD-ĐT cho ý kiến về danh sách các cơ sở đào tạo của Việt Nam được công nhận đủ điều kiện cấp văn bằng cử nhân đại học (văn bằng 2) ngôn ngữ nước ngoài và tổ chức khảo thí được quốc tế và Việt Nam công nhận chấp Chứng chỉ tiếng Anh Toefl iBT từ 45 trở lên…”
Công văn hướng dẫn của Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD&ĐT gửi Cục Nhà trường về cơ sở đào tạo của VN được công nhận đủ điều kiện cấp văn bằng chứng chỉ ngoại ngữ.
Ngày 21/8/2018, Cục Quản lý chất lượng có văn bản trả lời Cục nhà trường trong đó có nhấn mạnh: "Tại Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ đại học ban hành kèm theo Thông tư số 24/2017/TT – BGDĐT ngày 10/10/2017 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, ngành Ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài có mã ngành là 72202. Quý Cục tham khảo danh mục các cơ sở giáo dục đại học có mã ngành 72202 tại cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT”.
Từ công văn hướng dẫn của Cục Quản lý chất lượng mà Cục Nhà trường đã đưa ra hướng dẫn về quy trình, nội dung xác định trình độ ngoại ngữ đối với người dự tuyển đào tạo trình độ tiến sĩ năm 2018 và những năm tiếp theo.
Hướng dẫn này đã liệt kê ra danh sách gồm 111 cơ sở đào tạo của Việt Nam được phép đào tạo và cấp văn bằng đại học ngoại ngữ (VB2), trong danh sách này có nhiều trường đại học ngoài công lập và tất nhiên có cả trường Đại học Đông Đô.
Điều đáng nói, Cục Nhà trường xin ý kiến về danh sách các cơ sở đào tạo của Việt Nam được công nhận đủ điều kiện cấp văn bằng cử nhân đại học (văn bằng 2) nghĩa là đề cập đến cả văn bằng 2 ngôn ngữ nước ngoài nhưng Cục Quản lý chất lượng lại hướng dẫn tra cứu trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, trong khi đó cổng thông tin tuyển sinh chủ yếu phục vụ công tác tuyển sinh chính quy không đề cập đến thông tin tuyển sinh, đào tạo văn bằng 2 của các trường (trừ một số trường cố tình đưa lên để học viên hiểu nhầm).
Như vậy, dù thận trọng như Cục nhà trường nhưng từ sự thiếu minh bạch (không công bố công khai danh sách các trường được đào tạo văn bằng 2) cũng như phản hồi “không chuẩn” của Cục Quản lý chất lượng có thể khiến cho đơn vị này để lọt những học viên theo học tiến sĩ chưa đạt được ngoại ngữ theo yêu cầu.
Sẽ có bao nhiêu trường đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ nắm được thông tin trường nào được phép đào tạo văn bằng 2 ngành ngôn ngữ nước ngoài? Sẽ có bao nhiêu học viên nhận được được tấm bằng 2 ngôn ngữ bất hợp pháp và trong số này có bao nhiêu người đã dùng nó để học thạc sĩ, tiến sĩ…
Những câu hỏi này chúng tôi xin chờ sự trả lời thấu đáo từ phía Bộ GD-ĐT.
Nguyễn Hùng