Vụ trường ĐH Đông Đô đào tạo “chui” văn bằng 2: Nhiều sinh viên ở Hải Phòng nếm trái đắng!

(Dân trí) - Ngay sau khi Bộ GD-ĐT khẳng định trường đại học Đông Đô chưa được phép đào tạo văn bằng 2 ở bất cứ ngành nào thì tập thể sinh viên đang theo học tại một số lớp chính quy Văn bằng 2 Khoa Luật Kinh tế do trường liên kết tổ chức đào tạo tại TP Hải Phòng đã phản ánh đến báo chí.

Theo phản ánh, Trường ĐH Đông Đô hiện đang đào tạo nhiều lớp văn bằng 2 (VB2) từ năm 2017 - 2019 Luật Kinh tế tại Hải Phòng.

Vụ trường ĐH Đông Đô đào tạo “chui” văn bằng 2: Nhiều sinh viên ở Hải Phòng nếm trái đắng! - 1

“Chúng tôi nhận được thông tin về sự việc khởi tố bắt giữ Hiệu trưởng và ban lãnh đạo trường Đại học Đông đô do sai phạm về đào tạo, cụ thể báo Dân trí đưa tin “Bộ Giáo dục Đào tạo khẳng định chưa cấp phép cho trường Đại học Đông Đô đào tạo VB2 nhưng đã tổ chức tuyển sinh, đào tạo không đúng quy trình” khiến chúng tôi rất lo lắng về tính hợp pháp của ngành nghề mình đang theo học”, đơn phản ánh của các học viên cho biết.

Cũng theo tập thể sinh viên các lớp này, trong suốt hơn 2 năm theo học, họ có rất nhiều khúc mắc không được Khoa Luật Kinh tế và Trường ĐH Đông Đô giải đáp thỏa đáng.

Đó là việc nhà trường liên kết với Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hải Phòng để Trung tâm này đứng ra thông báo tuyển sinh, nhận hồ sơ và thu tiền của học viên có hợp pháp hay không?

Do nghi ngờ về tính hợp pháp đào tạo các lớp hệ chính quy VB2 Khoa Luật kinh tế ngoài giờ tại Hải Phòng nên một số học viên tại Hải Phòng đã đến làm việc với Ban lãnh đạo Trung tâm Giáo dục Thường xuyên thì được trả lời rằng: "Việc Trường ĐH Đông Đô được đào tạo tại địa phương khác hay không, Trung tâm không nắm được, Trung tâm chỉ ký hợp đồng cho thuê phòng và không chịu trách nhiệm về quản lý đào tạo".

Vậy vì sao Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hải Phòng chỉ ký hợp đồng thuê phòng mà Trung tâm lại được phép thông báo liên kết tuyển sinh, thu hồ sơ tuyển sinh, cử giáo viên chủ nhiệm phụ trách điểm danh lớp, thu tiền học phí xuất biên lai đóng dấu của Trung tâm.

Trước đó, đại diện của một lớp VB2 đã đến trường ĐH Đông Đô làm việc, yêu cầu nhà trường giải đáp thắc mắc về việc Trường ĐH Đông Đô có được Bộ GD & ĐT cấp phép đào tạo hệ chính quy VB2 Khoa Luật kinh tế tại địa phương khác hay không thì không nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Cũng theo phản ánh của sinh viên, mỗi học viên lớp VB2 đóng 6 kỳ học, ước tính số tiền học phí đã đóng là nhiều tỷ đồng (mỗi kỳ, 1 học viên đóng từ 6 triệu đến 7,1 triệu đồng tùy lớp VB2 hay liên thông). Học viên còn phản ánh, họ đã đóng 100.000 đồng /người để làm thẻ sinh viên, nhưng đến nay vẫn không được nhận thẻ.

“Vậy thực tế chúng tôi có phải là học viên của Trường ĐH Đông Đô hay không? Và số tiền đã thu  được sử dụng vào việc gì, đến giờ chúng tôi không hề được biết?”, các sinh viên bức xúc cho biết.

Trường Đại học Đông Đô sai phạm “chồng” sai phạm

Sau khi cơ quan An ninh khởi tố bắt giữ hiệu trưởng và một số cán bộ của Trường ĐH Đông đô về tội “Giả mạo trong công tác” trong việc đào tạo VB2 ngôn ngữ Anh, PV Dân trí đã vào cuộc và đặt nhiều câu hỏi cho Bộ GD-ĐT.

Ngày 17.8, Bộ GD-ĐT có văn bản trả lời báo chí trong đó nhấn mạnh, Bộ GD&ĐT chưa nhận được văn bản đề nghị về việc cho phép đào tạo VB2 của Trường Đại học Đông Đô nên Bộ chưa có văn bản cho phép trường được đào tạo VB2.

Từ năm 2016 đến năm 2018, Trường Đại học Đông Đô có thực hiện báo cáo thông tin tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy theo quy định của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy. Tuy nhiên, trong Báo cáo kết quả tuyển sinh các năm từ 2016 đến 2018 gửi về Vụ GDĐH của trường không có thông tin về việc đào tạo VB2

Không chỉ đào tạo “chui” VB2 đối với các học viên ở Hải Phòng, trường Đại học Đông Đô còn tiếp tục lừa dối học viên về phương thức đào tạo và cấp bằng.

Khoản 2, Điều 6 Thông tư 22/2001/QĐ-BGDĐT nêu rõ: Đào tạo để cấp bằng tốt nghiệp đại học thứ hai theo phương thức, hệ, hình thức học nào thì áp dụng các Qui chế hiện hành về tổ chức đào tạo, kiểm tra, thi và công nhận tốt nghiệp, cấp bằng tốt nghiệp đối với phương thức, hệ, và hình thức học đó như sau:

Người học theo hình thức vừa làm vừa học (hệ tại chức cũ), thực hiện các qui định về thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, xét và công nhận tốt nghiệp theo Qui chế của hệ không chính qui; nếu đủ điều kiện tốt nghiệp được cấp bằng đại học thứ hai theo hình thức vừa làm vừa học (hệ tại chức cũ).

Người học theo hình thức từ xa, tự học có hướng dẫn, thực hiện các qui định về kiểm tra, thi, và công nhận tốt nghiệp theo Qui chế đối với hình thức này; nếu đủ điều kiện công nhận tốt nghiệp được cấp bằng tốt nghiệp đại học theo hình thức học từ xa, tự học có hướng dẫn.

Người học theo hình thức tập trung liên tục tại trường, thực hiện đầy đủ các qui định về thi tuyển sinh, học lý thuyết, thực hành, bài tập, làm đồ án, khoá luận, làm luận văn hoặc thi cuối khoá, thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo Qui chế của hệ chính qui; nếu đủ điều kiện xét và công nhận tốt nghiệp như hệ chính qui thì được cấp bằng tốt nghiệp đại học hệ chính qui.

Như vậy, muốn được nhận VB2 chính quy thì bắt buộc học viên phải học tập trung liên tục tại trường. Việc liên kết với trung tâm giáo dục thường xuyên để đào tạo VB2 ngoài nhà trường nhưng thông báo với học viên cấp bằng chính quy là sai phạm nghiêm trọng của trường Đại học Đông Đô.

Để làm rõ những vấn đề liên quan đến VB2 phóng viên Dân trí đã liên hệ làm việc với Ban giám hiệu trường Đại học Đông Đô nhưng chưa được chấp thuận và nhà trường lại ủy quyền trao đổi cho bà Phạm Thu Hằng – Trưởng phòng truyền thông của Nhà trường.

Trong một văn bản mới đây gửi báo chí, bà Hằng không đề cấp đến việc đào tạo VB2 ở các ngành khác mà chỉ thông tin: “Đối với việc đào tạo VB2 ngành ngôn ngữ Anh, trong quá trình tổ chức đào tạo, một số cá nhân đã xảy ra sai sót. Các cá nhân đó sai phạm đến đâu, xử lý thế nào chúng ta phải chờ kết luận của cơ quan chức năng”.

Đại diện truyền thông này còn đưa ra thông tin gây sốc: “Ngoài ra, dư luận và các học viên đặc biệt quan tâm, lo lắng không biết các văn bằng đó có được công nhận hay không, nhà trường thấu hiểu sự quan tâm của các học viên và hướng đề xuất của nhà trường sẽ như chia sẻ của đại diện của Bộ Giáo dục và Đào tạo trên báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 06/8/2019 như sau: 

“Những người học thật, thi thật, đáp ứng đủ các điều kiện, quy định về tuyển sinh đầu vào, điều kiện đầu ra, quá trình tổ chức quản lý đào tạo đúng quy chế, có hồ sơ lưu, minh chứng đầy đủ thì nhà trường phải đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người học”.

Chẳng hiểu sau hàng loạt sai phạm “chồng” sai phạm thì Bộ GD-ĐT sẽ nghĩ gì với đề xuất của trường Đại học Đông Đô?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin diễn biến tiếp theo của vụ việc này. 

 Nguyễn Hùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm