Vụ việc trường ĐH Đông Đô: Bộ GD-ĐT cung ứng phôi bằng đại học theo quy định nào?

(Dân trí) - Trả lời báo chí, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho hay, trường ĐH Đông Đô là đơn vị nhận phôi văn bằng đại học từ Bộ GD-ĐT. Nhưng Bộ GD-ĐT chỉ cung ứng phôi văn bằng cho nhà trường. Việc in thông tin trên văn bằng, cấp phát văn bằng là trách nhiệm của nhà trường. Vậy Bộ GD-ĐT cung ứng phôi văn bằng đại học theo quy định nào?

Liên quan đến sai phạm ở trường Đại học Đông Đô, dư luận đặt ra câu hỏi: Bộ GD-ĐT cung ứng phôi bằng cho nhà trường, vậy quy trình cung ứng phôi bằng đại học thực hiện theo quy định nào? Tại sao trường Đại học Đông Đô lại có một số lượng lớn phôi bằng để hợp thức hóa cấp khống hàng trăm văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh cho học viên sai quy định?

Vụ việc trường ĐH Đông Đô: Bộ GD-ĐT cung ứng phôi bằng đại học theo quy định nào? - 1

Nhiều vấn đề liên quan đến trường Đại học Đông Đô cần được Bộ GD-ĐT làm rõ. 

Theo tìm hiểu của Dân trí, vào ngày 2/12/2010, Bộ GD-ĐT ký Quyết định 5599/QĐ-BGDĐT ban hành quy định về quy trình cấp phát phôi văn bằng, chứng chỉ tại cơ quan Bộ GD-ĐT thay thế cho Quyết định số 7176/QĐ-BGDĐT ngày 9/11/2007 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành Quy định về quy trình cấp phát phôi văn bằng, chứng chỉ tại cơ quan Bộ GD-ĐT. Hai Quyết định về cấp phát phôi văn bằng đều căn cứ vào Quyết định số 33/2007/QĐ-BGDĐT ngày 20/6/2007 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành Quy chế văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân.

Trong Quyết định 5599 quy định rất rõ về tiếp nhận và xử lý hồ sơ đăng ký cấp phôi văn bằng chứng chỉ cho các hình thức đào tạo. Trong đó nhấn mạnh, hồ sơ đề nghị cấp phôi văn bằng chứng chỉ cho giáo dục chính quy do Văn phòng Bộ thẩm định.

Hồ sơ đề nghị cấp phôi bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học; bằng thạc sĩ, tiến sĩ, thủ tục gồm có: Giấy giới thiệu người đến nộp hồ sơ (nếu hồ sơ nộp trực tiếp); Công văn đề nghị cấp phôi văn bằng trong đó nêu rõ: nhu cầu về phôi văn bằng; số lượng phôi đề nghị cấp; chỉ tiêu đào tạo đã được giao và tình hình thực hiện chỉ tiêu đào tạo; số lượng phôi đã được cấp đợt trước, số lượng phôi đã sử dụng để cấp cho người học; số lượng phôi đã sử dụng nhưng phải huỷ do ghi sai nội dung; số lượng phôi bị hư hỏng, bị mất trong quá trình bảo quản, lưu trữ; số lượng phôi còn tồn đọng chưa sử dụng đã được cấp từ các đợt trước đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp phôi văn bằng.

Tuy nhiên, khi Luật Giáo dục Đại học ra đời, ngày 8/9/2015, Bộ GD-ĐT đã ký thông tư 19/2015/TT-BGDĐT ban hành Quy chế (gọi là Quy chế 19-PV) quản lý bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân.

Tại điều 15 của Quy chế 19 quy định về in phôi văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của cơ sở giáo dục đại học nêu rõ: Cơ sở giáo dục đại học tự chủ in phôi văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân (trừ chứng chỉ giáo dục quốc phòng - an ninh), chịu trách nhiệm quản lý phôi văn bằng, chứng chỉ theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 9 của Quy chế 19 (Cơ sở giáo dục đại học có thể bổ sung các nội dung khác trên văn bằng, chứng chỉ phù hợp với quyền tự chủ về in phôi văn bằng, chứng chỉ, gồm: biểu tượng của cơ sở giáo dục, hoa văn in trên văn bằng, chứng chỉ - PV) và mẫu văn bằng, chứng chỉ do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành, thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học phê duyệt mẫu phôi văn bằng, chứng chỉ; gửi mẫu phôi văn bằng, chứng chỉ về Bộ GD-ĐT và cơ quan quản lý trực tiếp, cơ quan công an địa phương nơi đóng trụ sở chính để báo cáo; chịu trách nhiệm về nội dung in trên phôi văn bằng, chứng chỉ và tổ chức in phôi văn bằng, chứng chỉ.

Việc in phôi văn bằng, chứng chỉ phải đảm bảo chặt chẽ, an toàn, bảo mật và phải được lập sổ quản lý.

Điều 12 của Quy chế 19 cũng nếu rõ: Bộ GD-ĐT thực hiện in phôi bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, chứng chỉ giáo dục thường xuyên và chứng chỉ giáo dục quốc phòng - an ninh theo số lượng do các cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ đăng ký. Quy trình quản lý việc in ấn, bảo mật, đánh số hiệu, bảo quản và cấp phôi các văn bằng, chứng chỉ nêu trên được thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

Như vậy, trong toàn bộ Quy chế 19 không có dòng nào đề cập đến việc Bộ GD-ĐT tổ chức in phôi bằng giáo dục đại học cung ứng cho các trường đại học có nhu cầu như thế nào.

Sau khi Quy chế 19 ban hành, ngày 6/11/2015, Bộ GD-ĐT ký Quyết định 5252 Ban hành Quy định về cung cấp phôi bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông, phôi chứng chỉ giáo dục thường xuyên và phôi chứng chỉ giáo dục quốc phòng - an ninh tại Cơ quan Bộ GD-ĐT và bãi bỏ Quyết định số 5599/QĐ-BGDĐT. Quyết định 5252 có hiệu lực từ ngày 6/11/2015 và trong Quyết định này không còn đề cập đến việc Bộ GD-ĐT tổ chức in phôi bằng giáo dục đại học.

Như vậy có thể thấy, sau khi Quyết định 5252 ra đời thì Bộ GD-ĐT không còn cơ sở pháp lý để tổ chức in phôi bằng giáo dục đại học. Vậy lý do gì trường Đại học Đông Đô vẫn có thể mua phôi bằng từ Bộ GD-ĐT? 

Vấn đề này chúng tôi sẽ tiếp tục làm sáng tỏ và thông tin tới bạn đọc. 

Nguồn tin riêng của Dân trí cho biết, ngày 7/5/2019, Vụ Kế hoạch tài chính có công văn trao đổi với cơ quan chức năng của Bộ Công an về việc xác định chỉ tiêu của văn bằng 2 của Đại học Đông Đô là trên cơ sở đề xuất của Trường. Theo Quy định Đại học Đông Đô phải tự chịu trách nhiệm về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Ngoài ra, cơ quan chức năng của Bộ Công an đã làm việc với Văn phòng Bộ GD-ĐT thu thập các tài liệu liên quan việc bán phôi bằng cho Đại học Đông Đô.

Trước đó, cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can để điều tra về tội "giả mạo trong công tác" quy định tại điều 359 Bộ luật hình sự năm 2015 đối với 4 bị can, gồm: Dương Văn Hòa - hiệu trưởng Trường đại học Đông Đô, Trần Ngọc Quang - phó trưởng phòng đào tạo và quản lý sinh viên, Phạm Vân Thùy và Lê Thị Lương - cán bộ Trường Đại học Đông Đô.

Sau khi có quyết định phê chuẩn của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở, chỗ làm việc đối với hai bị can Dương Văn Hòa và Trần Ngọc Quang.

Nguồn tin của Dân trí cũng cho hay, quá trình khám xét, chỗ làm việc của các bị can đã thu được nhiều tài liệu quan trọng phục vụ cho công tác điều tra mở rộng vụ việc. Việc cung ứng phôi bằng của Bộ GD-ĐT cho trường Đại học Đông Đô trong quá trình xác minh cũng đã được đề cập đến.

S.H