Vụ học sinh bị 231 cái tát: Giáo viên đã tự “bẫy” chính mình

(Dân trí) - “Chính cái vụng về trong việc đối đầu trước áp lực, cái nôn nóng cho sự hoàn hảo về nhân cách, cái “ham” quá nhanh về sự thay đổi của học sinh và cái kỳ vọng về một nhà trường đạt chuẩn quốc gia đã đẩy thầy cô vào chỗ khó cựa quậy…”.

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh đã chia sẻ như vậy về hành động cô giáo Thủy chỉ đạo cả lớp tát em N 231 cái tát ở Quảng Bình đang gây xôn xao dư luận.

Giáo viên tự “bẫy” chính mình

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, hành động cô giáo Thủy chỉ đạo cả lớp tát em N 231 cái tát ở Quảng Bình, là sự bế tắc trong phương pháp sư phạm, là sự thụt lùi trong suy nghĩ giáo dục và thiếu nhân văn trong quá trình điều chỉnh hành vi theo của cô giáo. Điều đáng nói hơn khi xét trên bình diện con người, hành vi này mang đậm dấu ấn vô cảm từ cuộc sống. Dư luận xã hội lên án hành động này là điều rất đúng.

Ông Sơn cho hay, chính cái vụng về trong việc đối đầu trước áp lực, cái nôn nóng cho sự hoàn hảo về nhân cách, cái “ham” quá nhanh về sự thay đổi của học sinh và cái kỳ vọng về một nhà trường đạt chuẩn quốc gia đã đẩy thầy cô vào chỗ khó cựa quậy. Theo kiểu tự đặt ra chiếc bẫy, tự “bẫy” chính mình với cái kết thương tâm khi mình lại trở thành “con mồi” đau đớn.

Hình ảnh em N đi học lại sau vụ bạo lực học đường đáng tiếc xảy ra.
Hình ảnh em N đi học lại sau vụ bạo lực học đường đáng tiếc xảy ra.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Sơn, hiện tại cơ quan công an tỉnh Quảng Bình đã quyết định truy tố hành vi của cô giáo Thủy, bản thân cô cũng đã nhận sai trước gia đình và xã hội. Cho nên, đây là lúc thích hợp để dừng lại những chỉ trích về câu chuyện buồn này theo hướng xử lý tới cùng chứ đừng khuấy động truyền thông để vấn đề thêm phức tạp.

Bởi vì, nỗi đau của học sinh sẽ nhẹ đi, lòng tin của xã hội sẽ được củng cố theo thời gian và sự dày vò lương tâm của cô giáo Thủy là động thái thay đổi tốt nhất cho những hành vi bạo lực học đường cô đã gây ra... Người thân, đồng nghiệp và cả ngành giáo dục cần nhận được cái nhìn công bằng và nhân văn hơn ngay lúc này.

“Dẫu biết mỗi thế hệ học sinh có những cách thể hiện quan điểm cá nhân khác nhau đối với thầy, cô giáo như: tốt, xấu, trân quý, dè bỉu, tôn trọng... nhưng dù có là gì thì chúng ta nên nhìn nhận một cách công bằng rằng sự vụ lần này chỉ như “giọt nước tràn ly” niềm tin về một thế hệ giáo viên đang bị lung lay”, PGS.TS Sơn trăn trở.

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh.
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh.

Chưa thật sự tập trung xây dựng văn hóa học đường

Áp lực chính là nguyên nhân khiến bạo lực học đường nảy sinh và tồn tại ngày càng nhiều hơn. Do đó, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn đã chỉ ra những hệ quả của hành động bạo lực trong môi trường giáo dục gây ra để cảnh tỉnh các giáo viên, phụ huynh.

“Các việc làm trái chuẩn mực giáo dục sẽ luôn hằn sâu vào tâm trí học sinh rất lâu. Dù là những bạo lực về mặt thân thể hay tâm hồn cũng sẽ luôn để lại các vết thương tâm lý, một số em còn bị sang chấn tâm lý về sau.

Điển hình như, các em bắt đầu xuất hiện cảm giác sợ hãi, lo âu khi bước đến trường. Thậm chí, một số em lại rơi vào tình trạng mất ngủ, học tập không tập trung, ảnh hưởng đến kết quả học tập và sức khỏe không ổn định. Nặng nhất là một số em đã bị chấn thương về mặt cơ thể, tâm lý phải đến gặp các nhà tâm lý để được tham vấn và trị liệu kịp thời”.

Để xảy ra nạn bạo lực học đường hiện nay, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn cho hay, do chúng ta chưa thật sự tập trung xây dựng văn hóa học đường, chưa có định dạng cụ thể về văn hóa học đường. Tất cả mọi mối quan hệ ứng xử đều được “ép chuẩn” theo một cách tự nhiên, dựa trên sự ám thị của một nhóm hoặc xã hội. Ví dụ, các trường đều quy định học sinh không được cãi lời, nói xấu thầy cô; thầy cô không được đánh mắng học sinh… nhưng lại chưa chỉ rõ nói xấu như thế nào, đánh mắng ra sao…

Do đó, PGS.TS Sơn đề xuất, Bộ GD&ĐT, khi phát động phong trào xây dựng môi trường học đường thân thiện thì nên đặt ra các tiêu chí thế nào là môi trường thân thiện, môi trường này có những tiêu chuẩn nào cần đảm bảo. Khi mọi yếu tố chưa quy về thành tiêu chí giúp đo lường thì vấn đề sẽ khó được giải quyết.

Song song đó, các giáo viên cũng cần tự bồi dưỡng rèn luyện về các kỹ năng mềm trước áp lực của nghề giúp bản thân cứng hơn, mềm hơn khi đứng trên bục giảng... đó sẽ là một hành trình khó chứ không phải là các buổi giảng đậm chất trình bày, mênh mang lý luận.

Về phía gia đình, bậc làm cha, mẹ cũng không nên quá chiều chuộng trẻ theo hướng con đòi thứ gì là đáp ứng thứ đó, không thể tạo ra một không gian sống nặng nề với siêu nhân, gươm kiếm, phim hành động… như vậy mới có thể hạn chế được cái “mầm” bạo lực hay “cây kim” bạo lực quẫy đạp từ rất sớm trong tâm thức trẻ.

Hà Cường.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm