Ý kiến giáo viên: “Lòng tin giáo dục trôi theo 231 cái tát”

(Dân trí) - “Nghề gieo chữ lấy sự yêu mến của học trò, sự tin tưởng của phụ huynh và kính trọng của xã hội làm tôn chỉ nhưng giờ đây lòng tin yêu có lẽ đã trôi theo cái tát điếng người kia. Chúng tôi sẽ lại phải chịu nhiều gian nan hơn để gây dựng lòng tin với xã hội”.

Đây là tâm sự của một thầy giáo khi theo dõi câu chuyện đáng buồn trong ngành giáo dục vụ học sinh bị cô giáo trừng phạt tới 231 cái tát những ngày qua.


Cô Nguyễn Thị Phương Thủy - Trường THCS Duy Ninh (Quảng Bình) – người yêu cầu mỗi bạn học sinh trong lớp phải tát liên tiếp 10 cái thật mạnh vào má em Hoàng L.N (SN 2007, học lớp 6) do em N nói tục. Tổng cộng với 231 cái tát, em N đã phải nhập viện.

Cô Nguyễn Thị Phương Thủy - Trường THCS Duy Ninh (Quảng Bình) – người yêu cầu mỗi bạn học sinh trong lớp phải tát liên tiếp 10 cái thật mạnh vào má em Hoàng L.N (SN 2007, học lớp 6) do em N nói tục. Tổng cộng với 231 cái tát, em N đã phải nhập viện.

Đánh mất niềm tin của học sinh

Theo dõi sự việc những ngày qua, tất cả các thầy, cô giáo khắp mọi miền đất nước vô cùng “sốc” và kịch liệt lên án hành động phi nhân đạo này. Hầu hết, câu hỏi đầu tiên của các thầy, cô giáo khi được phỏng vấn đều phải thốt lên, “không biết cô giáo này có bị vấn đề gì không mà hành xử như một kẻ côn đồ vậy ?”.

Cô giáo Lương Mỹ Hằng, trường THCS Nguyễn Du (Hưng Yên) bức xúc, học sinh lớp 6 vẫn còn nhỏ tuổi, nhận thức còn hạn chế nhưng cô giáo không thể vì thế mà tự cho phép mình được dạy bảo bằng hình thức trái pháp luật và trái quy tắc đạo đức nghề giáo. Hình phạt như vậy là phản giáo dục và đặc biệt càng đáng lên án hơn khi cô giáo đã mượn tay học sinh để trừng phạt bạn cùng lớp.

Đồng thời, hành vi này đã đi ngược lại những giá trị cao quý của nhà giáo và xâm phạm nghiêm trọng đến quyền trẻ em được pháp luật bảo vệ. Cho dù, cô giáo có giải thích hành vi đó là cách “dạy bảo” riêng hay đổ lỗi cho áp lực thi đua… thì điều đó vẫn cần được xử phạt nghiêm khắc; nếu cần thiết, có thể cho đi tù hoặc trại phục hồi nhân phẩm. Có như vậy mới làm yên lòng phụ huynh, lấy lại được danh dự cho toàn ngành giáo dục.

“Không những thế, hành động dã man và phản giáo dục ấy đã vô tình gây ra mối “hận thù” giữa những người bạn với nhau, gieo vào đầu các em thơ chứng mầm bạo lực. Thật sự, chúng tôi đều rất “sốc” và buồn khi người đồng nghiệp của mình có cách hành xử tệ hại như vậy”, cô Hằng thất vọng.

Cùng một tâm trạng, thầy giáo Đào Đình Dũng, trường THCS An Dương (Hải Phòng) cho rằng, việc chỉ đạo các học sinh trong lớp tát bạn tới 231 cái, thực sự là một hình phạt khủng khiếp, sẽ khiến tất cả học sinh tham gia hình phạt trong lớp 6.2 và bản thân nam học sinh bị sợ hãi, ám ảnh về cách giáo dục của giáo viên. Các em đến trường để học tập, trao đổi kiến thức chứ không phải để chứng kiến và hứng chịu những hành vi bạo lực.

Thầy Dũng bày tỏ, một vài năm trở lại đây, hàng loạt những vụ bạo hành trẻ em và học sinh liên tiếp được đưa ra ánh sáng. Điều này không những đã dấy lên hồi chuông cảnh báo một số người làm nghề sư phạm hiện nay đang đi ngược lại với xây dựng môi trường giáo dục an toàn, mà còn làm xã hội hoài nghi, có cái nhìn quy chụp về tư cách đạo đức của toàn bộ nhà giáo khi đứng trên bục giảng.

Bản thân tôi là một giáo viên chủ nhiệm lâu năm, tôi thấu hiểu những vất vả, áp lực mà các thầy cô phải chịu khi lên lớp. Thế nhưng cái tát đó không chỉ làm đau cậu học trò N, nó còn làm đau lòng hàng ngàn, hàng triệu thầy cô đã và đang đứng trên bục giảng như chúng tôi.

Nghề gieo chữ lấy sự yêu mến của học trò, sự tin tưởng của phụ huynh và kính trọng của xã hội làm tôn chỉ nhưng giờ đây lòng tin yêu có lẽ đã trôi theo cái tát điếng người kia. Chúng tôi sẽ lại phải chịu nhiều gian nan hơn để gây dựng lòng tin với xã hội”, thầy Dũng buồn bã nói.

Học trò Hoàng L.N đã trở lại lớp học tập
Học trò Hoàng L.N đã trở lại lớp học tập

Cần môi trường giáo dục an toàn

Trên góc độ một nhà quản lí giáo dục, thầy Nguyễn Văn Toàn, Hiệu trưởng trường THCS Gia Tịnh (Quảng Nam) đưa ra quan điểm, thường xuyên tiếp xúc, dạy dỗ các em học sinh là một công việc đòi hỏi rất nhiều sự bình tĩnh, khéo léo và tinh tế. Dù các em có gây ra chuyện gì đi chăng nữa thì việc cô giáo phạt học sinh với hình phạt như trên là sai và hoàn toàn không chấp nhận được.

Đành rằng việc áp dụng một vài hình phạt đối với học sinh “không ngoan” vẫn đang được duy trì trong trường lớp hiện nay. Tuy nhiên, theo tôi cần phân biệt rõ giữa hành vi “phạt” học sinh vừa đủ để răn đe, để khiến các em biết rằng mình sai và không được tái phạm với hành vi “phạt” quá mức cần thiết ảnh hưởng nặng nề tới thân thể, tâm lý các em – nhất là các em lại ở độ tuổi dậy thì.

Ví dụ, phạt học sinh trực nhật lớp, lau bảng, quét lớp, tưới cây là chấp nhận được; nhưng phạt đánh bằng thước, véo tai hay mắng chửi trước mặt cả lớp là không được phép. Huống chi là việc cho tập thể lớp tát một bạn càng không còn gì để nói.

Vì vậy, theo thầy Toàn, đã đến lúc chúng ta cần đưa ra những quan điểm xử phạt mạnh mẽ, bình đẳng trong mối quan hệ thầy và trò, dạy và học, quyền và trách nhiệm của các bên liên quan. Cần phải hoàn thiện hành lang pháp lý về giáo dục, mối quan hệ giữa người học và người dạy học để mọi người đều được bảo vệ, yên tâm dạy/học trong một môi trường sư phạm đúng nghĩa – một môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh.

Cô giáo Lê Ngọc, Hiệu trưởng trường THCS Tiên Phong (Phú Thọ) cho rằng, qua câu chuyện đáng buồn này, đã đến lúc các cấp học, các trường cần xem xét lại cách giáo dục đạo đức cho học sinh hiện nay đã đúng và đủ tốt chưa? Nếu liên tục dùng sự răn đe để dạy bảo thì học sinh sẽ rạn đòn và càng ương bướng; chắc chắn sau này vẫn sẽ có trường hợp tương tự tái phạm.

Điều đó cho thấy, nhà trường là môi trường gắn bó và thân thiện với học sinh chỉ sau gia đình. Các mối quan hệ hành xử dựa trên nguyên tắc giữ gìn sự tôn nghiêm, bồi dưỡng tình cảm, rèn luyện đạo đức giữa người dạy và người học. Nhưng dường như đang có những khoảng trống về giải pháp, cách thức tổ chức trong xây dựng môi trường giáo dục an toàn, tạo niềm tin trong xã hội.

Có nhiều nguyên nhân khiến cho sự đổi mới về phương pháp giáo dục chưa đạt hiệu quả như mong đợi và thường chỉ dừng lại ở “mô hình kỳ vọng”. Nhưng theo tôi, một phần là do công tác tham vấn, tư vấn tâm lý cho giáo viên, học sinh bị xem nhẹ, bỏ qua trong quá trình giảng dạy, học tập. Làm sao để nâng cao đạo đức nhà giáo; loại bỏ bạo lực học đường; lấy lại được niềm tin của xã hội mới là điều chúng tôi trăn trở và không ngừng cố gắng từng ngày, từng giờ”, cô Ngọc chia sẻ.

Hà Cường