“Hỏi cung” học sinh về 231 cái tát: “Tội ác không có điểm dừng”

(Dân trí) - Ngay ngày đầu tuần, đọc bài viết về bản 19 câu "hỏi cung" học sinh của Trường THCS Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) quanh vụ việc 231 cái tát khiến nhiều người càng thêm sửng sốt và phẫn nộ.

Sự việc 231 cái tát của cô Nguyễn Thị Phương Thủy và 23 bạn học cùng lớp 6.2 Trường THCS Duy Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) dành cho em L.N xảy ra vào ngày 19/11.

Cô Thủy thừa nhận sự việc, phía hiệu trưởng sau khi "xin báo chí đừng đăng tin vì trường sắp được công nhận danh hiệu Trường chuẩn Quốc gia mức độ II" cũng đã không thể bưng bít sự việc "gây sửng sốt" xảy ra tại trường mình.

Hiện cô Thủy đã bị đình chỉ công tác 15 ngày, phía lực lượng công an cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về hành vi “Hành hạ người khác”.

Bản lời khai của một học sinh trong sự việc 231 cái tát ở Quảng Bình
Bản "lời khai" của một học sinh trong sự việc 231 cái tát ở Quảng Bình

Thế nhưng, chưa dừng lại ở đó, hôm nay, đúng ngày đầu tuần, nhiều người lại phải vỡ òa khi đọc thông tin: Sau khi biết sự việc bạo hành học sinh khủng khiếp đó, vào ngày 24/11, nhà trường thực hiện một động thái đó là dùng phiếu khảo sát với những câu hỏi "bức cung" các học trò trong lớp với danh nghĩa như bà hiệu trưởng Phạm Thị Lệ Anh giải thích: Tường trình của cô giáo chỉ một phía, nhà trường yêu cầu học sinh trả lời câu hỏi qua phiếu điều tra cho khách quan.

Trong phiếu điều tra này, các em học sinh sẽ ghi đầy đủ họ tên, giới tính. Sau khi trả lời xong câu hỏi, các em học sinh sẽ ghi “đây là lời khai của em” đồng thời ký tên vào.

Bà Nguyễn Hoàng Anh - giảng viên ĐH Ngoại thương phải thốt lên, rằng chúng ta đã đánh giá thấp sự vô sỉ của Trường THCS Duy Ninh trong sự việc này. Sau khi 231 cái tát được đưa ra ánh sáng, tưởng rằng cô giáo và nhà trường sẽ phải chột dạ về hành vi bất nhẫn dành cho sinh.

Thế nhưng, thay vì trấn an tinh thần học sinh, họ lại tiếp tục đưa ra bản hỏi cung với 19 câu hỏi "mớm cung" và "ép cung" học sinh để bao che cho cái gọi là "danh dự" của nhà trường.

Bà Vũ Kim Hạnh - nguyên Tổng biên tập báo Tuổi trẻ chia sẻ, khi đọc thông tin này, bà đã phải nói rằng "tội ác không có điểm dừng".

23 đứa nhỏ lớp 6, mới 11 tuổi, sau khi bị yêu cầu mỗi em tát bạn 10 cái theo lệnh cô chủ nhiệm đến mức nạn nhân phải nhập viện, sau đó đã phải trả lời một “phiếu điều tra” cực kỳ phản giáo dục do ban giám hiệu yêu cầu để họ báo cáo lên cấp trên.

Bà Hạnh cho rằng, người viết tiểu thuyết có đại tài hư cấu cũng không nghĩ ra được cái trò bao biện này, khảo sát khách quan bằng phiếu do "người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan" tự trả lời.

Theo bà, tội “khủng bố” 23 đứa nhỏ, buộc chúng phải tát bạn để tự bảo vệ mình là quá mọi rợ, cũng đã sỉ nhục mọi điều cao đẹp, lý tưởng đạo đức mà trường học phải dạy. Giờ nhà trường lại tiếp tục ép các em bảo vệ mình bằng cách dối trá?


Các học sinh bị ép tát bạn tiếp tục phải trả lời phiếu điều tra quanh sự việc. (Ảnh: Tiến Thành)

Các học sinh bị ép tát bạn tiếp tục phải trả lời phiếu điều tra quanh sự việc. (Ảnh: Tiến Thành)

Anh Hoàng Anh Tú, một người quan tâm đến giáo dục và cũng là một phụ huynh chia sẻ, 231 cái tát là tội danh bạo hành trẻ em, ai thực hiện thì người ấy phải chịu trước pháp luật.

Thế nhưng việc hiệu trưởng nhà trường bắt học sinh điền vào phiếu "hỏi cung" đã không còn là tội danh bạo hành đơn thuần mà phải nói là độc ác và vô liêm sỉ của một nhà quản lý giáo dục. Đây là một việc lạm quyền và vô nhân đạo của hiệu trưởng.

Những đứa trẻ đã phải tát bạn (tham gia bạo lực học đường) giờ lại thêm khai báo từ giới tính đến tên tuổi, trả lời những câu hỏi gợi ý, câu trả lời mang tính ép buộc vì sợ cô, sợ trường.

"Họ đang làm gì với những đứa trẻ của chúng ta vậy?", ông bố này thét lên đầy đau đớn.

Bà Nguyễn Hoàng Anh đặt thêm vấn đề, phải chăng sự việc này tiếp tục bị đẩy theo chiều hướng xấu còn bắt nguồn từ chính các cấp lãnh đạo ở trên. Thay vì họ cần vào cuộc, xuống tận nơi tìm hiểu và động viên, chia sẻ với học sinh sau sự việc thì lại chỉ đạo xuống là "xử lý nghiêm".

Sự việc khảo sát ý kiến học sinh sau vụ 231 cái tay khiến chúng ta nhớ lại sự việc chấn động cách đây chưa lâu trong vụ việc taxi chở hiệu trưởng vào trường làm gãy chân học trò tại Trường tiểu học Nam Trung Yên, Hà Nội.

Khi đó, để chối tội, khi đó bà hiệu trưởng cũng lấy ý kiến học trò trong trường và thu lại được phiếu khảo sát học sinh được cho là liên quan thì 100% không nhìn thấy em K. va chạm với ô tô nào trong trường.

Phiếu khảo sát 19 câu hỏi của Trường THCS Duy Ninh dành cho học sinh quanh sự việc 231 cái tát:

1. Cô Thủy quy định phạt tát thời gian nào?

2. Bạn N. bị tát vào thời gian nào?

3. Khi tát bạn N., cô Thủy có mặt ở lớp không?

4. Em tát vào mặt bạn N. bao nhiêu cái?

5. Em tát vào bạn N. mạnh hay nhẹ?

6. Bạn Nhật có nói tục không?

7. Khi tát bạn N. có khóc không?

8. Sau khi tát má bạn N. có đỏ không?

9. Cô Thủy vào đã tát được mấy bạn?

10. Cô Thủy có bắt tát nhẹ phải tát mạnh không?

12. Cô Thủy tát bạn N. mấy cái?

13. Sau khi tát, bạn N. có bị chảy máu không?

14. Sau khi tát bạn N., cả lớp có sợ hãi bật khóc không?

15. Trước khi tát bạn N., cô Thủy có ra lệnh tát phạt mấy bạn?

16. Khi tát bạn N., cô Thủy ra lệnh hay tự ý?

17. Cô Thủy có phải là người cuối cùng tát bạn N. không?

18. Cô Thủy đứng cùng chiều hay ngược chiều bạn N.?

19. Sau khi tát, bạn N. có ở lại học không?

Hoài Nam