231 cái tát: Tất cả hướng về thành tích, sao chẳng ai hướng về học sinh?

(Dân trí) - Cô chủ nhiệm "làm nghiêm" dùng hình phạt học sinh tát học sinh vì áp lực thành tích, cô hiệu trưởng mong báo chí đừng đưa tin vì "công sức của trường sẽ đổ sông đổ biển". Và còn có bao nhiêu giáo viên nữa trên khắp cả nước hướng lòng về thành tích của trường chứ không phải hướng về học sinh?

Tuần qua, dư luận sững sờ về câu chuyện 231 cái tát của cô chủ nghiệm Nguyễn Thị Phương Thủy và 23 học sinh khác trong lớp 6.2 Trường THCS Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) dành cho em L.N. đến nỗi em phải nhập viện cấp cứu. Sự tàn ác dành cho trẻ em từ chính những người làm giáo dục dường như làm cạn kiệt mọi sự chịu đựng.


Em L.N. trở lại lớp sau khi hứng chịu 231 cái tát. (Ảnh: Tiến Thành)

Em L.N. trở lại lớp sau khi hứng chịu 231 cái tát. (Ảnh: Tiến Thành)

Anh Trần Triều, phụ huynh học sinh Trường tiểu học Kim Đồng, TPHCM: Thi đua lập thành tích chỉ mang đến bất hạnh

Cậu học trò lớp 6 bị cô giáo yêu cầu các bạn cùng lớp tát 231 cái, hai bên má sưng và bị sang chấn tâm lý. Các bạn thân tát cật lực, người cậu học chung lớp cũng xông vào tát cháu dưới sự giám sát của cô giáo.

Cô hiệu trưởng bảo trường sắp được công nhận danh hiệu Trường chuẩn Quốc gia mức độ II. Cô áp tiêu chuẩn thi đua ngặt nghèo xuống các lớp. Lớp cô Nguyễn Thị Phương Thủy chủ nhiệm bị đánh giá là yếu nên cô Thủy chịu áp lực phải làm nghiêm hơn, tránh mất thành tích của trường.

Anh Trần Triều, phụ huynh tại TPHCM: Thầy cô thi đua lập thành tích, sao không hướng về học sinh?
Anh Trần Triều, phụ huynh tại TPHCM: "Thầy cô thi đua lập thành tích, sao không hướng về học sinh?"

Cô hiệu trưởng còn "van xin báo chí" đừng đưa tin vụ này vì cô bảo "bao công sức phấn đấu của trường đổ sông đổ biển chỉ vì hành động sai trái của một cá nhân".

Cô chủ nhiệm luôn hướng về thành tích của lớp và của trường. Cô hiệu trưởng luôn hướng về thành tích của trường. Có thể là nhiều thầy cô khác trong ngôi trường này đều hướng về thành tích của trường.

Và có thể còn nhiều người nữa trong số các thầy cô trên khắp cả nước đều một lòng hướng về thành tích của trường.

Sao chẳng ai hướng vào học sinh?

Nếu không bị ám ảnh thi đua lập thành tích, thầy cô sẽ có cơ hội được suy nghĩ, sáng tạo nhiều hơn chứ không phải hành động rập khuôn để tránh bị trừ điểm thi đua. Nếu không mất thời gian chạy theo thi đua, các giáo viên có thời gian để nhìn lại học trò của mình để xem các em thực sự có niềm vui trong học tập không và giúp các em học tập trong hạnh phúc. Nếu không vì hai chữ "thi đua", có lẽ sẽ không có những màn dự giờ "diễn kịch" của thầy và trò.

Thành tích ảo ngành nào cũng có, nhưng phải nói trầm kha nhất là ngành giáo dục. Thầy cô "chịu trận" và cuối cùng là học sinh chịu bất hạnh cho chuỗi hành động triền miên thi đua lập thành tích ảo.

ThS Vũ Hoàng Sơn, Giáo viên Trường tiểu học Bình Hòa, Q. Bình Thạnh, TPHCM: Sự vô cảm của người thầy!

Xã hội đang báo động về lối sống, cách ứng xử thờ ơ, lạnh lùng, bạo lực của một bộ phận những người ích kỉ, chỉ biết lo cho “cái tôi của bản thân”, nhất là ở người trẻ. Cứ nghĩ sự vô cảm đó chỉ diễn ra bên ngoài cánh cổng của nhà trường nơi có biết bao sự phức tạp diễn ra.


ThS Vũ Hoàng Sơn băn khoăn trước sự vô cảm của người thầy.

ThS Vũ Hoàng Sơn băn khoăn trước sự vô cảm của người thầy.

Nhưng thật đáng tiếc, sự vô cảm ấy lại xảy ra ngay chính ngôi trường của các em học sinh. Ngôi trường mà trẻ luôn được dạy “là ngôi nhà thứ hai của em”. Nơi đây có thầy cô là “cha, mẹ” của các em. Ngôi trường mà hằng ngày trẻ đến đó theo lời người lớn là “mỗi ngày là một niềm vui”.

Phải nói rằng, nhiều “tấm gương” nhà giáo ấy đã bị lu mờ, vỡ vụn từ sự dửng dưng đến mức lạnh lùng khi cô giáo khi bỏ ra ngoài để 23 học sinh còn lại "xuống tay" tát bạn mình. Rồi khi đau và khóc, em N. nói: "Em ghét cô" thì bị cô giáo vung thêm 1 cái tát nữa, tổng cộng là 231 cái tát.

Trước nỗi đau này, hiệu trưởng thừa nhận sự việc nhưng không thể tin nổi nỗi lo của họ là: Xin báo chí đừng lên tiếng vì sẽ ảnh hưởng đến thành tích, nỗ lực của trường. Thay vì quan tâm đến nỗi đau của học sinh, xin lỗi học sinh, giúp cô giáo nhận ra lỗi sai... thì người đứng đầu một ngôi trường chỉ bận tâm một lý do duy nhất: thành tích của trường!

Luật sư Lê Kiều Hưng, Hãng luật Giải phóng: Đừng để ngành giáo dục như bệnh ung thư

Liên quan đến 231 cú tát mà em học sinh gánh chịu, lãnh đạo ngành giáo dục tỉnh Quảng Bình nêu rõ quan điểm, phải có hình thức kỷ luật thích đáng, không để một giáo viên như vậy trong ngành giáo dục. Tức cô giáo này sẽ bị cho thôi việc - tôi đồng tình với điều này.

231 cái tát là điều quá khủng khiếp, quá đau đớn nhưng đau hơn nữa hơn nữa là cái gốc của giáo dục. Chúng ta đã nhiều lần nhắc đến những "vấn nạn" của giáo dục - 231 cú tát này tiếp tục báo động điều đó.

Phải thay đổi giáo dục, không còn con đường nào khác. Ngành giáo dục đang tồn tại những vấn nạn như những căn bệnh ung thư, không có thuốc đặc trị. Từ chạy trường, chạy lớp, lạm thu, thành tích, thi đua, dạy thêm, học thêm, bạo lực học đường...

Vì lẽ đó, giáo dục sẽ không thể tạo ra những sản phẩm tinh túy, không thể tạo ra những thế hệ trí tuệ, bản lĩnh và đạo đức. Giáo dục chỉ đang tạo ra một thế hệ gà công nghiệp, thế hệ giả dối ăn theo căn bệnh thành tích, thi đua...

TS tâm lý Lê Nguyên Phương, Chủ tịch Liên hiệp Phát triển Tâm lý Học đường Quốc tế: Cải thiện văn hóa học đường

Nói về sự việc cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy bắt học sinh trong lớp tát bạn 231 cái, TS Lê Nguyên Phương nói ngắn gọn về những việc cần phải làm: Truy tố hình sự cô giáo. Giáng chức hiệu trưởng. Bồi thường thương tật cho học sinh. Tập huấn lại toàn bộ giáo viên về kỷ luật tích cực. Thay đổi chính sách về thi đua. Áp dụng các chương trình cải thiện văn hóa học đường.

Hoài Nam