Việc loại sách công nghệ của GS Hồ Ngọc Đại: Tiếp tục kiến nghị vì Bộ Giáo dục trả lời không thỏa đáng
(Dân trí) - Ngay sau khi nhận được ý kiến phản hồi của Bộ GD&ĐT, PGS.TS Nguyễn Kế Hào, người đại diện cho đội ngũ cán bộ trung tâm Công nghệ Giáo dục cho biết, không thỏa đáng và sẽ tiếp tục gửi kiến nghị lên Chính phủ.
PGS.TS Nguyễn Kế Hào, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT, là người đại diện cho đội ngũ cán bộ trung tâm Công nghệ Giáo dục ký bản kiến nghị gửi Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ bày tỏ quan điểm về việc bộ sách Công nghệ giáo dục bị Hội đồng quốc gia thẩm định SGK loại.
PGS.TS Nguyễn Kế Hào cho biết, Bộ GD&ĐT đã có văn bản trả lời gửi trực tiếp cho ông. Tuy nhiên, tôi đã đọc kỹ nội dung trả lời của Bộ và thấy rằng trả lời như vậy là chưa thỏa đáng.
Ông Hào cho rằng, cá nhân tôi, với tư cách là một công dân, một nhà khoa học, một người từng làm quản lý lĩnh vực giáo dục tiểu học, sẽ tiếp tục kiến nghị lên Chính phủ về vấn đề này. Tôi không phải là tác giả hay chủ biên bộ sách Công nghệ giáo dục nhưng tôi là người hiểu rõ giá trị của Công nghệ giáo dục mà GS. Hồ Ngọc Đại và cộng sự nỗ lực triển khai trong thời gian qua.
“20 năm trước đây, khi Bộ GD&ĐT có quyết định dừng triển khai bộ sách này, tôi thấy sai, nhưng với trách nhiệm là một Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, tôi đã không thể tham vấn, can ngăn được nên quyết định từ chức, quay về dạy học.
Danh lợi khi ấy tôi cũng từ bỏ được thì bây giờ tôi cũng không phải vì một lợi ích cho cá nhân mình để đứng ra kiến nghị. Tôi bày tỏ quan điểm vì trách nhiệm với giáo dục nước nhà, vì những điều có ích thực sự với trẻ em có thể đang bị mất đi” - PGS Nguyễn Kế Hào nói.
Phóng viên: Vậy điều gì khiến ông băn khoăn nhất để tiếp tục gửi kiến nghị về bộ sách công nghệ?
PGS.TS Nguyễn Kế Hào: Tôi thấy không thể đánh đồng bộ SGK có hơn 40 năm được thực tiễn thừa nhận với các bộ SGK có tuổi thọ gắn với mỗi lần cải cách giáo dục.
Bộ sách này không cần thay bằng bộ sách mới, như sách cải cách hay sách của chương trình tiểu học năm 2000, mà là bộ sách mới được thực tế lựa chọn sử dụng.
Sách tiếng Việt và Toán công nghệ giáo dục đã được đánh giá thẩm định nhiều lần (năm 1990, năm 2017 và năm 2018) mà chưa phải cải cách lần nào, chỉ chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện để phát triển. Do đó, không nên chỉ đánh giá SGK công nghệ giáo dục theo thông tư và những chỉ báo mà hội đồng thẩm định đang áp dụng.
Với hơn 40 năm được “cuộc sống lựa chọn”, và ít nhất 2 lần trong lịch sử cải cách giáo dục (năm 1986 và năm 2006), sách tiếng Việt 1 Công nghệ của GS. Hồ Ngọc Đại là giải pháp để khắc phục tình trạng lưu ban, “ngồi nhầm lớp” ở rất nhiều địa phương trên cả nước. Do vậy, nhìn từ góc độ quốc gia thì đây phải được coi là một thành tựu, không nên bỏ.
PGS.TS Nguyễn Kế Hào: "Nếu tôi là GS. Hồ Ngọc Đại, tôi cũng sẽ không sửa".
Phóng viên: Theo ông, yêu cầu nào của Hội đồng thẩm định sẽ khiến “hỏng” cả bộ sách Công nghệ giáo dục?
PGS.TS Nguyễn Kế Hào: Thông tư 33 được Bộ GD&ĐT ban hành quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; quy định về tổ chức, thành lập và hoạt động của hội đồng thẩm định… chỉ nói chung chung. Nhưng khi xây dựng bao nhiêu chỉ báo để tiến hành thẩm định SGK thì chỉ thành viên hội đồng biết, những người được Bộ GD&ĐT tập huấn để thẩm định biết, còn không được công khai ra ngoài xã hội.
Hơn nữa, nếu sửa theo những chỉ báo của Bộ thì tất cả những bộ SGK lại “gọt” theo một khuôn... Thế thì cần gì phải nhiều bộ SGK? Theo quy định, chương trình giáo dục chỉ đưa ra quy định tối thiểu các bộ SGK cần đạt được.
Tại sao hội đồng thẩm định lại kết luận bộ sách công nghệ là vượt quá chương trình. Giai đoạn những năm 90 của thế kỷ trước khi Việt Nam thực hiện xóa mù chữ và phổ cập giáo dục, chúng ta thực hiện đồng thời 4 chương trình, 4 bộ SGK. Lúc đó chỉ có mục tiêu và chuẩn đầu ra là chung, còn lại 4 bộ SGK này hoàn toàn khác nhau, phù hợp với từng đối tượng mà ngành giáo dục cần hướng tới.
Nếu thực tiễn lựa chọn thì Bộ GD&ĐT tính như thế nào. Đưa vào thực tiễn thì tốt nhưng không phù hợp với thông tư, không phù hợp với các chỉ báo của thông tư thì Bộ có tính đến điều đó không.
Theo đánh giá của tôi những yêu cầu sửa chữa của hội đồng thẩm định đều là những tiểu tiết liên quan đến câu chữ nhưng lại không cần thiết. Hội đồng thẩm định yêu cầu tác giả bỏ những nội dung cao hơn chương trình.
40 năm nay, học sinh chấp nhận được, sao đến giờ hội đồng lại nói khó hơn chương trình? Nếu tôi là GS. Hồ Ngọc Đại, tôi cũng sẽ không sửa.
Xin trân trọng cám ơn ông!
Thảo Chi