Đối thoại bất thành: Tiếp tục kiến nghị về sách Công nghệ của GS Hồ Ngọc Đại

(Dân trí) - PGS. TSKH Nguyễn Kế Hào - đại diện nhóm tác giả "Công nghệ giáo dục" cho biết, những giải đáp tại buổi đối thoại của Bộ GD&ĐT về sách giáo khoa Công nghệ chưa thoả đáng. Nhóm sẽ tiếp tục có ý kiến lên cấp trên.

PGS.TS Nguyễn Kế Hào khẳng định như vậy sau khi kết thúc buổi đối thoại về sách giáo khoa (SGK) Công nghệ, do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 3/1.

Ông Hào cũng cho rằng, nếu Thứ trưởng thay mặt Bộ trưởng giải đáp thế là chưa thỏa đáng.

Cụ thể, tại buổi đối thoại, PGS.TS Nguyễn Kế Hào cho rằng hội đồng thẩm định đã áp dụng quan điểm thẩm định SGK chưa mềm dẻo, linh hoạt dẫn tới việc loại bộ SGK Công nghệ giáo dục.

Việc làm này có thể sẽ khiến thành quả của Công nghệ giáo dục đã được chứng minh qua thực tiễn 40 năm dạy học ở nhiều địa phương phải dừng lại trong năm học tới đây.

PGS.TS Nguyễn Kế Hào cho hay, rất nhiều khái niệm bây giờ Bộ GD&ĐT mới nói nhưng ở trường thực nghiệm, những nơi thực hiện Công nghệ giáo dục đã làm từ lâu. 

Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại không phải chương trình cải cách giáo dục năm 1981, cũng không phải chương trình giáo dục hiện hành mà là nghiên cứu trong một quá trình với việc thực nghiệm nghiêm túc, rộng rãi. 

Đối thoại bất thành: Tiếp tục kiến nghị về sách Công nghệ của GS Hồ Ngọc Đại - 1

PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào - đại diện nhóm tác giả "Công nghệ giáo dục" cho biết, sẽ tiếp tục có ý kiến lên cấp trên.

Đặt ra yêu cầu trẻ học lớp 1 là đọc thông, viết thạo tiếng Việt thì thực tế đã chứng minh tiếng Việt Công nghệ giáo dục làm rất tốt. Trẻ học đến đâu chắc tới đó, nắm vững quy tắc chính tả, không viết sai, không đọc ngọng.

“Nhiều tỉnh khó khăn phản hồi về sách tiếng Việt Công nghệ rất tốt. Trẻ em học Tiếng Việt Công nghệ giáo dục nhanh, chắc, không tái mù, không nói ngọng.

Vì thế nếu loại bộ sách Công nghệ giáo dục vì "không đạt yêu cầu mới", tôi thấy không thuyết phục và rất bức xúc”, ông Nguyễn Kế Hào nói.

Cuối buổi đối thoại, GS Hồ Ngọc Đại, “cha đẻ” SGK công nghệ giáo dục cho rằng: “Chúng tôi không chống lại chương trình mới, mà chúng tôi dùng chương trình mới với quan điểm mới, phương pháp mới.

Cái mới này tôi nhìn thấy trước thì nói trước, chứ không hề cũ so với yêu cầu được viết mới bây giờ. Có thể đổi mới nhưng không thể hy sinh hệ tư tưởng mới.

Cách Bộ GD&ĐT đang đổi mới như hiện nay chỉ là cách viết khéo lại cái cũ. Chúng tôi mới là mới”.

GS Hồ Ngọc Đại cũng khẳng định, mình đến buổi đối thoại chỉ có một mục đích duy nhất: Muốn xác nhận bộ SGK CNGD có thể sử dụng trong các nhà trường.

Bộ sách bị loại, ông không oán trách nào đối với các thành viên hội đồng thẩm định. Vì họ phải làm đúng trách nhiệm được giao. Cái quan trọng là nơi giao trách nhiệm cho họ.

Ông cho rằng, bộ sách là công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc của mình suốt 40 năm. Phương pháp này đặt câu hỏi: Học sinh cần gì và làm thế nào để có được điều đó. Cuốn sách đã được sửa chữa và hoàn thiện suốt thời gian qua nên không thể chỉnh sửa.

Đối thoại bất thành: Tiếp tục kiến nghị về sách Công nghệ của GS Hồ Ngọc Đại - 2

GS Hồ Ngọc Đại: "Cách Bộ GD&ĐT đang đổi mới như hiện nay chỉ là cách viết khéo lại cái cũ. Chúng tôi mới là mới”. (Ảnh: L.Đ). 

Được biết trước đó, ngày 23/9/2019, PGS Nguyễn Kế Hào - đại diện cán bộ của Trung tâm Công nghệ Giáo dục, gửi kiến nghị lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ về việc sách công nghệ của GS Hồ Ngọc Đại bị loại khỏi vòng thẩm định.

Ngày 15/11/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nghiên cứu kỹ ý kiến của GS Hồ Ngọc Đại, PGS Nguyễn Kế Hào và các chuyên gia, cũng như xem xét lại quy trình thẩm định. 

Ngày 3/1/2020, Bộ GD&ĐT tổ chức đối thoại giữa tác giả SGK công nghệ và một số thành viên Hội đồng thẩm định quốc gia. Buổi đối thoại do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT chủ trì.

Tại buổi đối thoại, nhiều ý kiến tranh cãi diễn ra kịch liệt. PGS Trần Kiều cho rằng, những quan điểm trái với GS Đại thì ông Đại phản đối.

Còn GS Trần Đình Sử đã mất bình tĩnh trước phản ứng tiêu cực của GS Đại nên cho rằng, nếu cứ như thế ông sẽ không nói chuyện bởi ông không đồng ý cho ai xúc phạm mình.

GS Mai Ngọc Chừ, hội đồng thẩm định môn Tiếng Việt cho biết, cháu mình học Tiếng Việt Công nghệ giáo dục và ông cũng thừa nhận, những ưu điểm của Tiếng Việt Công nghệ giáo dục.

Nhưng ông và các thành viên hội đồng thẩm định SGK theo yêu cầu của chương trình GD mới nên phải đảm bảo các tiêu chí đã đề ra. Ông Chừ cho rằng GS Đại nên sửa sách để thẩm định lại. 

Mỹ Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm