Hội đồng thẩm định nói gì về việc loại sách công nghệ của GS Hồ Ngọc Đại từ vòng 1?

(Dân trí) - Chiều 12/9, đại diện Hội đồng thẩm định quốc gia trao đổi với báo chí về nguyên nhân loại sách giáo khoa công nghệ môn Toán và Tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại ngay từ vòng 1.

Hội đồng thẩm định sách giáo khoa (SGK) cho biết, SGK của GS Hồ Ngọc Đại không đáp ứng đầy đủ 4 tiêu chuẩn và 13 tiêu chí của SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới. 

Hàn lâm và quá tải

Sáng 12/9, GS Hồ Ngọc Đại, “cha đẻ” của SGK công nghệ giáo dục đã trao đổi với báo chí về thông tin, sách môn Toán và Tiếng Việt bị Hội đồng thẩm định quốc gia loại từ vòng 1.

Thông tin thu hút sự quan tâm của dư luận bởi bộ sách này đã được sử dụng trong 40 năm qua. Hiện có hơn 900.000 học sinh đang theo học. Chiều 12/9, đại diện Hội đồng thẩm định quốc gia trao đổi với báo chí về nguyên nhân loại SGK công nghệ môn Toán và Tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại ngay từ vòng 1.

Theo GS Trần Đình Sử - Chủ tịch Hội đồng thẩm định môn tiếng Việt, SGK chương trình mới phải viết theo Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT. Để thẩm định sách, hội đồng dựa vào 4 tiêu chuẩn và 13 tiêu chí. 

Hội đồng thẩm định nói gì về việc loại sách công nghệ của GS Hồ Ngọc Đại từ vòng 1? - 1

GS Trần Đình Sử - Chủ tịch Hội đồng thẩm định môn tiếng Việt.

Sách Tiếng Việt 1 của chương trình mới có các tiêu chí là nghe, nói, đọc, viết, dạy phân biệt chính tả, biết kể chuyện... Tuy nhiên sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục 1 của GS Hồ Ngọc Đại chủ yếu dạy âm, chữ, quy tắc chính tả, thậm chí vượt quá chương trình.

“Sách Tiếng Việt lớp 1 không cần phải có kiến thức, cấu trúc về ngữ âm, không cần khái niệm âm đầu, âm đệm, âm cuối, âm đôi. Sách của GS Hồ Ngọc Đại có tính hàn lâm và quá tải” - GS Trần Đình Sử nói.

GS Trần Đình Sử cũng cho hay, trong 15 người của hội đồng thẩm định chỉ có 2 giáo sư, còn lại là 5 giáo viên dạy lớp 1 và hiệu trưởng cấp tiểu học, có người đã triển khai sách Công nghệ Giáo dục tại cơ sở.

Những người này cho rằng, để dạy sách của GS Hồ Ngọc Đại, giáo viên phải tranh thủ nhiều thời gian khác để dạy những điều còn thiếu, còn yếu. Hàng năm, cơ sở giáo dục đã báo cáo về những khó khăn khi dạy học theo cuốn sách này.

Nguyên nhân thứ hai khiến sách của GS Hồ Ngọc Đại bị loại, do ông nộp bản thảo giống như sách cũ, chỉ viết thêm một quyển tự học. Nếu sách của chương trình mới là 430 tiết, sách của GS Đại chỉ có 70 tiết.

“Đó là bộ sách vá víu, chúng tôi không thể chấp nhận được vì chúng ta phải có trách nhiệm với học trò. GS Hồ Ngọc Đại phải tôn trọng chương trình mới của Bộ GD&ĐT. Nếu đáp ứng sách của GS Đại thì chủ trương phải là nhiều chương trình, nhiều SGK. Trong khi đó hiện tại chúng ta đang thực hiện một chương trình, nhiều bộ SGK” - GS Sử nói.

Thành viên Hội đồng thẩm định quốc gia nói về lý do đánh rớt SGK Tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại ở vòng 1

GS.TS Mai Ngọc Chừ - thuộc hội đồng thẩm định SGK Tiếng Việt lớp 1 cho biết thêm, chương trình mới bao gồm nhiều yếu tố về giáo dục toàn diện, bảo vệ môi trường, bình đẳng giới chứ không phải chỉ có việc dạy viết, đánh vần. 

Theo ông, sách của GS Hồ Ngọc Đại dạy “một mớ kiến thức không cần thiết về ngữ âm". “Một số giáo viên chia sẻ với chúng tôi, để dạy tốt được, công việc của họ phải tăng rất nhiều. Ban ngày dạy ở trường nhưng ban đêm phải bổ sung kiến thức của SGK hiện hành, tăng thêm giờ làm việc 2-3 lần. Các thầy cô cũng cho rằng sách có tính mở nhưng giáo viên phải dạy như cái máy. 

Những câu thành ngữ, tục ngữ như bé xé ra to, con cà con kê, trăm thứ bà giằng, vắt chanh bỏ vỏ… là kiến thức khó. Học sinh phải tiếp cận với kiến thức ngôn ngữ học, khái niệm âm đệm, nguyên âm đôi. Theo Hội đồng thẩm định, kiến thức này là quá sức với học sinh lớp 1, trong khi nguyên tắc của chương trình mới là giảm tải nội dung khó, nâng cao”.

Hội đồng thẩm định nói gì về việc loại sách công nghệ của GS Hồ Ngọc Đại từ vòng 1? - 2

GS.TS Mai Ngọc Chừ - thuộc hội đồng thẩm định SGK Tiếng Việt 1

Không thể sửa chương trình mới vì sách của ông Hồ Ngọc Đại

Chia sẻ về sách công nghệ môn Toán của GS Hồ Ngọc Đại, PGS Trần Kiều - Chủ tịch Hội đồng thẩm định môn Toán cho biết, hội đồng thẩm định SGK phải bám sát vào 4 tiêu chuẩn, 13 tiêu chí và 40 chỉ báo trong Thông tư 33 của Bộ GD&ĐT về tiêu chuẩn SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới. 

Ông cho hay, từ trước đến nay, lần thẩm định này là chặt chẽ, tỉ mỉ và có tiêu chí rõ ràng nhất. Theo đó, hội đồng gồm 13 người, thẩm định căn cứ vào 13 tiêu chí, ghi nhận từng cái một để đánh giá đạt hay không. Ví dụ, nội dung sách phải đúng, đủ theo chương trình. Sách không đủ hoặc đúng, đều không thể thông qua.

Sách của GS Hồ Ngọc Đại có những nội dung rất hay, nhưng không phải tất cả đều thế và đặc biệt là không bám theo chương trình giáo dục phổ thông mới. 

PGS Trần Kiều mong muốn GS Hồ Ngọc Đại sẽ bám theo chương trình giáo dục phổ thông mới để sửa, viết lại. Bởi cuốn sách gửi thẩm định như vừa qua chắc chắn Bộ GD&ĐT không thể duyệt. Bộ cũng không thể thay chương trình để đi theo bộ sách của GS Đại. Chúng ta chỉ có một chương trình, đó là văn bản pháp quy và duy nhất.

“SGK các nước còn thẩm định đơn giản hơn, ở Việt Nam làm thế này là chặt chẽ. Vì vậy những thông tin cho rằng hội đồng thẩm định có việc làm nhập nhèm, đen tối khi không duyệt sách của GS Hồ Ngọc Đại là xúc phạm các thành viên", PGS Trần Kiều nêu quan điểm.

PGS Trần Kiều nói về nguyên nhân loại SGK môn Toán của GS Hồ Ngọc Đại

Vẫn còn cơ hội cho bộ sách đã bị loại

TS Thái Văn Tài, Quyền vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT, cho biết, về quy trình thẩm định, trước hết Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thành lập Hội đồng thẩm định theo TT 33. Số lương là số lẻ, tối thiểu 7 người và nhiều nhất là 15 người. Trong đó, có những hội đồng được thành lập nhiều thành viên hơn.

Về cơ cấu khoa học, Hội đồng này có giáo sư đầu ngành về chuyên môn, có giáo sư đang công tác am hiểu, có giáo viên trường đại học và 1/3 giáo viên đang giảng dạy các trường.

Đội ngũ giáo viên chuyên gia có cơ cấu đủ từ vùng sâu, vùng xa, trung tâm thành phố lớn, có 3 miền Bắc, Trung, Nam, để đại diện vùng miền và đa dạng hóa nhằm đánh giá SGK được sát sao hơn.

Theo quy trình, sau khi tiếp nhận bản thảo SGK do các tác giả và các nhà xuất bản gửi thẩm định, Hội đồng thẩm định sẽ đọc một cách độc lập trong vòng 15 ngày.

Kết thúc thời gian này, trong buổi làm việc tập trung đầu tiên, thống nhất lịch làm việc, nghe các tác giả SGK trình bày về nội dung và quan điểm xây dựng sách.

Sau đó, Hội đồng sẽ có thời gian làm việc độc lập, phân tích và kết luận về bản thảo SGK. Tại buổi công bố kết quả này, Hội đồng và tác giả SGK lại tiếp tục có buổi lắng nghe và đối thoại. 

Ông Thái Văn Tài cho hay, hội đồng thẩm định phải làm việc công tâm, với cái mới và sự đa dạng của các ý tưởng. Có như vậy thì các SGK được thẩm định và phê duyệt mới đáp ứng được kỳ vọng đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục phổ thông trong bối cảnh triển khai chương trình mới với nhiều thay đổi. 

Các cuốn sách không đạt như của GS Hồ Ngọc Đại chẳng hạn, có thể chỉnh sửa sao cho đáp ứng đúng tiêu chí để tiếp tục trình thẩm định bởi mỗi bộ SGK là công trình nghiên cứu tâm huyết của các nhà nghiên cứu.

Còn theo GS Trần Đình Sử, điều kiện tiên quyết để đánh giá SGK lần này, cuốn sách ấy phải được soạn theo nội dung, mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới.

“Mọi bộ SGK đang được thẩm định đều có quyền bình đẳng như nhau, không có sự phân biệt nào, miễn đáp ứng đúng các tiêu chí”, GS Sử nhấn mạnh. 

Hiện, hội đồng thẩm định đang tiến hành thẩm định vòng 2 đối với SGK lớp 1 và dự kiến công bố kết quả thẩm định sau 2 vòng vào tháng 10 tới.

Có 5 bộ SGK tham gia thẩm định ở vòng 1 nhưng Bộ chưa nhận được được bất cứ phản ứng nào với kết quả thẩm định vòng này. 

Sau vòng 1, ngoài sách Tiếng Việt và Toán của GS Hồ Ngọc Đại, còn có những những cuốn ở các môn khác cũng bị hội đồng thẩm định đánh giá là chưa đạt.

Mỹ Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm