Thiếu ngủ ảnh hưởng như thế nào tới sự phát triển của trẻ?

Đức Chung

(Dân trí) - Ngày càng có nhiều trẻ em ngủ không đủ giấc. Cải thiện giấc ngủ cho trẻ không phải việc có thể thực hiện trong một sớm một chiều, nhưng đó là việc các bậc phụ huynh cần làm.

Thiếu ngủ ảnh hưởng như thế nào tới sự phát triển của trẻ? - 1

Các chuyên gia khuyến cáo trẻ em nên có thói quen ngủ đủ giấc, kể cả trong ngày nghỉ (Ảnh: Getty Images).

Con của bạn có hay cáu gắt, thường xuyên mơ màng không? Thành tích học tập của con bạn đi xuống? Cân nặng của con trẻ có lên xuống thất thường? Nếu con bạn mắc phải bất kỳ vấn đề nào kể trên, thì có thể con bạn bị thiếu ngủ. Và khi đó, cách giải quyết hữu hiệu nhất chính là giúp trẻ ngủ nhiều hơn.

Thật không may, theo nghiên cứu của bác sĩ nhi khoa Hoi See Tsao ở Bệnh viện Nhi Hasbro (Hoa Kỳ), ngày càng có nhiều trẻ rơi vào tình trạng thiếu ngủ. Việc này ngày càng lan rộng như một đại dịch, khi xuất hiện ở gần 33% trẻ em ở độ tuổi đi học tại Hoa Kỳ. Vị bác sĩ này nhấn mạnh: "Đây là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần của trẻ nhỏ. Chính vì vậy, phụ huynh cần chú ý chăm sóc trẻ hơn".

Thiếu ngủ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí tuệ

Một trong những lập luận thuyết phục nhất trong việc đảm bảo thời gian ngủ đủ cho trẻ chính là hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ, theo lời của chuyên gia tâm lý W. David Brown tại Trung tâm Sức khỏe Nhi đồng ở Texas (Hoa Kỳ).

Các nhà khoa học đã chứng minh được thiếu ngủ từ độ tuổi nhỏ sẽ làm thay đổi hoàn toàn cách não bộ vận hành trong suốt phần đời còn lại: "Tốc độ phát triển trí thông minh thường phát triển nhanh nhất ở độ tuổi nhỏ. Nếu trẻ không ngủ đủ giấc, chúng sẽ không thể nào bắt kịp với bạn bè đồng trang lứa."

Vị chuyên gia này còn nói thêm: "Thiếu ngủ cũng ảnh hưởng đến tầm vóc của trẻ. Chúng sẽ thấp hơn bạn bè hoặc thậm chí là không phát triển bình thường".

Thiếu ngủ gây béo phì

Một lời cảnh tỉnh đến những bậc phụ huynh đánh giá thấp tầm quan trọng của giấc ngủ chính là tình trạng béo phì ở trẻ nhỏ. Tình trạng này đã tăng gấp 3 lần ở Mỹ kể từ những năm 1970.

Các nhà khoa học đã chỉ ra mối liên hệ sâu sắc giữa thiếu ngủ và tăng cân. Mặc dù chúng ta biết tình trạng béo phì thường bị gây ra do đồ ăn nhanh và lười vận động, nhưng thực tế cho thấy thiếu ngủ mới là yếu tố then chốt.

Giấc ngủ trực tiếp ảnh hưởng đến lượng hooc-môn kiểm soát việc thèm ăn, gồm ghrelin, hooc-môn đói và leptin, hooc-môn no. Khi trẻ bị thiếu ngủ, lượng hooc-môn đói tăng lên và lượng hooc-môn no giảm xuống, từ đó trẻ sẽ nhanh chóng thèm ăn.

Triệu chứng giống Rối loạn tăng động giảm chú ý

Thiếu ngủ gây ra những triệu chứng giống như của bệnh Rối loạn tăng động giảm chú ý, bao gồm tâm trạng thay đổi thất thường, hay cáu bẩn và mất khả năng tập trung.

Theo nhà giáo dục lâm sàng Terry Cralle tại Hoa Kỳ, kể cả phụ huynh, giáo viên, và trẻ nhỏ đều không nhận thức rõ điều này: "Chúng ta thường coi đây là tình trạng tăng động khi trẻ thấy mệt… nhưng thực tế thì ngược lại; đó là những biểu hiện cho thấy trẻ đang bị thiếu ngủ".

Thiếu ngủ cũng gây ra những bệnh khôn lường như hội chứng lo âu, trầm cảm, và đãng trí. Những trẻ em ngủ không đủ giấc sẽ có hệ miễn dịch kém hơn, nhạy cảm với cái lạnh và các bệnh truyền nhiễm, cũng như dễ bị tăng huyết áp hơn.

Những biện pháp hình thành thói quen ngủ đủ giấc ở trẻ

- Chuẩn bị không gian ngủ phù hợp

Một trong những cách tốt nhất để giúp trẻ ngủ ngon hơn là tạo ra một không gian phòng ngủ tối, không quá lạnh hay quá nóng, và yên tĩnh. Nệm, gối ngủ, chăn cũng nên tạo cảm giác thoải mái, đúng kích cỡ của trẻ.

Phụ huynh cũng nên khuyến khích trẻ tự hình thành thói quen ngủ bằng cách cho phép con nhỏ được chọn bộ đồ ngủ hay chiếc gối yêu thích. Khi trẻ cảm nhận mình có quyền tự quyết giấc ngủ, trẻ sẽ dễ dàng ngủ hơn."

- Đặt giờ giới nghiêm

Chúng ta thường hay bỏ qua một cản trở lớn nhất của giấc ngủ: thời gian sử dụng thiết bị điện tử. Tương đương với một cốc cà phê, ánh sáng xanh tỏa ra từ màn hình sẽ làm suy giảm lượng sắc tố melanin, từ đó chúng ta sẽ khó ngủ hơn.

Phụ huynh thường không quan tâm đến điều này, bởi vì họ cũng thường sử dụng các thiết bị điện thoại, máy tính cho đến tận lúc đi ngủ.

Chính vì vậy, dù việc hạn chế hoàn toàn thiết bị điện tử trước khi ngủ là rất khó, nhưng các bậc phụ huynh cần đặt giờ giới nghiêm cho trẻ (ví dụ như ngừng sử dụng điện thoại trước khi ngủ từ 1 đến 2 tiếng), và tịch thu các thiết bị điện tử khi trẻ đang ngủ. Nếu trẻ sử dụng điện thoại làm báo thức, thì phụ huynh hãy thay thế bằng đồng hồ báo thức.

- Tạo lập thói quen ban đêm

Những thói quen tốt trước khi đi ngủ thường khá hữu ích, chúng giúp trẻ thư giãn và nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Nhiều trẻ sẽ chọn những thói quen như tắm, đọc sách, hay nghe nhạc thư giãn. Thảo luận cùng cha mẹ về những điều tích cực xảy ra trong ngày cũng giúp giấc ngủ của trẻ tốt hơn.

Các chuyên gia cũng khuyến nghị thêm rằng các bậc cha mẹ nên giúp trẻ hình thành thói quen này ít nhất một tiếng mỗi tối, kể cả hôm đó là ngày nghỉ. Điều này sẽ giúp đồng hồ sinh học của trẻ làm quen được với thời gian trẻ sẵn sàng ngủ.

- Làm hình mẫu để trẻ noi gương

Trước khi muốn con mình ngủ đủ giấc, các bậc phụ huynh nên làm gương để trẻ noi theo. Những thói quen như không sử dụng điện thoại trước khi ngủ, nói về tầm quan trọng của giấc ngủ đều có giá trị tích cực đến thói quen của trẻ."

Ở phạm vi rộng hơn, nếu con trẻ phải làm quá nhiều bài tập về nhà hoặc có buổi luyện tập thể thao quá sớm, các cha mẹ hãy khuyến khích con trẻ đi ngủ sớm.

Hơn cả những điều trên, tất cả chúng ta cần ủng hộ thời gian vào học buổi sáng muộn hơn. Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều thanh thiếu niên thức khuya hơn những người ở độ tuổi lớn hơn. Do vậy, chúng ta cần có những biện pháp để giúp trẻ ngủ đủ giấc.

Theo www.nbcnews.com

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm