Cả đêm không ngủ vì tin "điện thoại phát nổ, học sinh lớp 5 tử vong"
(Dân trí) - Tối 14/10, khi đọc thông tin học sinh lớp 5 ở xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, Nghệ An tử vong vì điện thoại phát nổ khi học trực tuyến, suốt đêm chị Nguyễn Thu Phương không ngủ nổi...
Chị Nguyễn Thu Phương ở quận Tân Bình, TPHCM có hai con nhỏ đang tham gia học trực tuyến và đều sử dụng thiết bị là điện thoại thông minh để học.
Khi đọc tin học sinh lớp 5 tử vong vì điện thoại phát nổ khi đang học trực tuyến, chị bủn rủn, rụng rời... Quá xót thương cho đứa trẻ xấu số, chị lại càng lắng cho con của mình và nhiều đứa trẻ khác đang học trực tuyến bằng điện thoại.
Chị với một số bà mẹ cùng công ty trao đổi với nhau cả đêm, không khỏi bất an. Hầu hết, các con đều học bằng điện thoại, rất hiếm trường hợp có điều kiện dùng máy tính.
Sự việc trên cũng làm nhiều người đến trường hợp thương tâm khác xảy ra cách đây chưa lâu. Cũng là một học trò lớp 5 tử vong khi em dùng que ngoáy tai bằng sắt, chọc một đầu vào dây nguồn laptop rồi cầm chọc vào ổ điện dẫn đến tử vong.
Thời điểm đó lẽ ra là giờ em học trực tuyến. Mẹ đi làm, còn bố chạy ra ngoài có việc để hai anh em ở nhà, không có người giám sát dẫn đến sự việc đau lòng.
Lo hiệu quả, quên an toàn?
Khi mọi lĩnh vực và đặc biệt là giáo dục buộc phải dịch chuyển sang môi trường học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, điều hầu hết mọi người quan tâm lúc này là hiệu quả của học, làm việc trực tuyến. Trước hiệu quả, điều quan trọng cho tất cả mọi hoạt động phải là sự an toàn, nhất là liên quan đến trẻ nhỏ.
Chúng ta nghe bàn bạc, tranh cãi nhiều thiết kế bài giảng thế nào, làm sao để hấp dẫn, giữ chân được học sinh trước màn hình. Nhưng không nhiều người nhắc đến việc làm sao để trẻ được an toàn với thiết bị công nghệ trong tay.
Tất cả cũng quay vòng làm sao để trẻ có thiết bị học trực tuyến, thế rồi các thiết bị cũ, bất kể dòng nào, miễn vào được mạng được huy động để trao tặng cho trẻ. Nhưng ít người đặt ra, thiết bị đó ngoài sử dụng được có đủ đảm bảo an toàn cho trẻ hay không? Nhất là trong các điều kiện trẻ rất táy máy, nhiều gia đình không có người lớn hỗ trợ, giám sát trẻ...
Một số cách tránh trẻ bị điện giật khi học online:
-Thiết kế bàn học cách xa ổ điện;
-Phụ huynh giám sát, kiểm tra liên tục khi con học online;
-Kiểm tra các thiết bị điện trong nhà và hướng dẫn trẻ phải luôn cẩn trọng với các thiết bị điện;
-Sạc đầy pin trước giờ học, tránh việc trẻ tiếp xúc với nguồn điện.
-Chọn thiết bị học tập an toàn.
Một kỹ sư công nghệ tại TPHCM
Trẻ được hướng dẫn làm quen với lớp học trực tuyến, cách ra vào lớp, thao tác... Còn an toàn trong không gian và thiết bị học trực tuyến rất ít được nhắc đến.
Sau sự việc học sinh ở Hà Nội bị điện giật tử vong vào tháng 9, Bộ GD-ĐT thông tin, các đơn vị chức năng đang khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn học tập trực tuyến an toàn tại nhà. Nhưng đến nay, văn bản đó vẫn chưa thấy, chưa nói đến quá trình triển khai từ trên giấy ra thực tế. Trong khi, hàng triệu học trò hàng ngày vẫn đang học trực tuyến...
Mới đây, Sở GD-ĐT TPHCM nhắc đến bối cảnh mới trong dạy học trực tuyến: Trẻ học trực tuyến không có người hỗ trợ, giám sát khi bố mẹ bắt đầu đi làm trở lại.
Đây không chỉ là lo lắng về chất lượng học trực tuyến mà phải xem là lời cảnh báo về những nguy hiểm, nguy cơ có thể xảy ra với trẻ nhỏ khi tự xoay xở với thiết bị mạng và thế giới mạng.
Ngay từ đầu năm học, TS Dương Minh Thành, Trưởng khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm TPHCM đã lưu ý, cần lưu tâm đến tỷ lệ học sinh sử dụng điện thoại thông minh để học online, nhất là với trẻ nhỏ. Ông lên tiếng cảnh báo nhiều trường hợp học trò không có điện thoại thông minh đủ tiêu chuẩn để học, nhất là ở các địa phương vùng xa, nhiều loại cùi có thể có nguy cơ chai pin, phát nổ...
TS Dương Minh Thành lưu ý, từ thực tế về hạn chế thiết bị, khi tính toán phương án dạy học online cần phải dựa trên dựa trên phương án học sinh sẽ sử dụng điện thoại là chính. Phải xem xét đến yếu tố tác động sức khỏe của trẻ để xây dựng phương án dạy học online giảm bớt áp lực về thiết bị và tăng cường tự học trên sách, vở, giấy bút nhiều hơn.