Góp ý đổi mới thi:

Thi tốt nghiệp 4 môn là phương án cải tiến thi tốt nhất hiện nay

(Dân trí) - Ủng hộ phương án thi tốt nghiệp 4 môn, thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) đề nghị: giữ phương án thi tốt nghiệp 4 môn như trên cho đến khi có học sinh thi tốt nghiệp theo chương trình và sách giáo khoa mới.

Nhận định về phương án thi tốt nghiệp 4 môn, giáo viên Trần Mạnh Tùng cho biết: “Trong 2 phương án Bộ GD-ĐT đưa ra, cả học sinh và giáo viên chúng tôi đều nghiêng về phương án 1. So sánh với việc thi 6 môn hơn 10 năm nay, chúng ta dễ nhận thấy thi 4 môn giảm nhẹ áp lực cho học sinh và xã hội, hạn chế tốn kém. Trước đây, 3 môn thi được Bộ GD-ĐT công bố vào cuối tháng 3, gây tâm lý chờ đợi, bị động cho cả học sinh và giáo viên. Quan điểm của tôi là tăng cường tính chủ động cho học sinh và phương án này phần nào đáp ứng được yêu cầu đó. Như thế, việc học và ôn thi được xác định rõ và sớm, hiệu quả tất nhiên sẽ cao hơn”.
 
Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội)
Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội).

Hiện nay có nhiều ý kiến về môn thi tự chọn, với tư cách là giáo viên phổ thông nhiều năm, ông có đề xuất gì?

Tôi đề xuất một cách đảm bảo hài hòa các yêu cầu đang được đặt ra: Thi 2 ngày, học sinh thi bắt buộc Toán, Văn và tự chọn 1 môn tự nhiên (trong số 3 môn: Lý, Hóa, Sinh) và 1 môn xã hội (trong số 3 môn: Sử, Địa, Ngoại ngữ).

Chẳng hạn, có thể thi như sau: Ngày thứ nhất: Sáng thi Văn (bắt buộc), chiều thi Lý, Hóa, Sinh (tự chọn). Ngày thứ hai: Sáng thi Toán (bắt buộc), chiều thi Sử, Địa, Ngoại ngữ (tự chọn).
 
Thí sinh ĐBSCL hoàn thành môn Địa lý
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2013.

Ông ủng hộ đưa môn Ngoại ngữ thành môn tự chọn?

Đúng vậy! Lâu nay, việc dạy và học của ta nặng về ứng thí, tức là học để thi. Bây giờ không thi môn Ngoại ngữ nữa dễ gây tâm lý bỏ bê, học chiếu lệ.

Hơn nữa, với các em có năng lực học Ngoại ngữ tốt, việc không thi Ngoại ngữ sẽ gây hụt hẫng, ảnh hưởng tiêu cực đến sự cố gắng của các em.

Tôi được biết, đề án dạy và học Ngoại ngữ giai đoạn 2008 - 2020 đang gặp nhiều khó khăn. Việc không thi môn Ngoại ngữ khiến học sinh coi Ngoại ngữ như là môn phụ, vì thế tôi lo là mục tiêu của đề án khó mà đạt được sau 6 năm nữa.

Trước mắt, chúng ta nên đưa môn Ngoại ngữ vào thi, sau đó cải tiến dần cách thi theo hướng hiệu quả hơn (như cách thi chứng chỉ Toefl, Ielts,… chẳng hạn).

Là giáo viên dạy toán, theo ông việc chỉ thi tốt nghiệp 4 môn có làm học sinh học lệch?

Theo tôi, chúng ta hiểu chưa đúng về học toàn diện. Nhiều người tưởng rằng học toàn diện là học tốt tất cả các môn. Điều này là không khoa học do đối tượng học sinh khác nhau. Quan điểm của tôi là học sinh chỉ cần đạt được những yêu cầu tối thiểu, cơ bản rồi phát huy thêm theo năng lực, sở trường của mỗi học sinh. Nếu được chọn, các em cũng sẽ chọn các môn là thế mạnh của mình. Bởi vậy, học lệch theo đúng nghĩa của nó thì không phải là xấu.

Hơn nữa, nếu việc tính điểm tốt nghiệp theo phương án: Điểm xét tốt nghiệp = (điểm trung bình 4 bài thi + điểm trung bình cả năm lớp 12)/2 + tổng điểm khuyến khích/4 (nếu có) thì học sinh đã học trong cả quá trình rồi. Tôi đánh giá đây là một trong những cải tiến tốt nhất của lần thi này.

Phương án thi tốt nghiệp 4 môn hiện nay, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng đây chỉ là giải pháp tạm thời, mục tiêu chính là phải hướng tới 1 kỳ thi đánh giá toàn diện học sinh và là cơ sở để xét tốt nghiệp và xét vào ĐH, CĐ?

Tôi đề nghị giữ phương án thi tốt nghiệp 4 môn như trên cho đến khi có học sinh thi tốt nghiệp theo chương trình và sách giáo khoa mới.

Hiện nay Bộ GD-ĐT đang triển khai xây dựng chương trình, sách giáo khoa mới. Tôi ước tính sớm nhất cũng phải đến năm 2016 chúng ta mới có học sinh lớp 10 học sách mới, như thế phải đến năm 2018 mới có học sinh thi theo chương trình mới.

Đến khi đó, tôi ủng hộ phương án thi tốt nghiệp tích hợp. Một bài thi có nhiều môn, nhiều phần khác nhau, nhằm đánh giá năng lực học sinh một cách tổng hợp (kiểu như bài thi SAT của Mỹ).

Làm được như vậy chúng ta không lo học sinh học lệch và càng không lo giáo viên bị phân thành 2 hạng (dạy môn có thi và dạy môn không thi). Trước mắt có thể có những xáo trộn nhỏ, đến khi thi tích hợp thì vai trò của các môn thi, các giáo viên cũng bình đẳng hơn. Thực tế hàng chục năm nay, giáo viên dạy các môn không thi tốt nghiệp vẫn làm tốt vai trò của mình, chúng tôi không thấy các thầy cô phàn nàn hay vì thế mà giảm nhiệt tình với nghề.

Nhân đây, tôi cũng mong Bộ GD-ĐT sớm quyết định phương án thi tốt nghiệp để thầy, trò yên tâm và có thời gian chuẩn bị cho tốt.

Bên cạnh đó, chúng ta cần tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp thật sự nghiêm túc, hướng đến một kỳ thi quốc gia duy nhất, làm căn cứ chính để xét tuyển vào đại học, cao đẳng.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hồng Hạnh

Dòng sự kiện: Góp ý đổi mới thi