Góp ý về đổi mới thi tốt nghiệp THPT:
Nên bốc thăm hai môn không bắt buộc
(Dân trí) - “Bộ GD-ĐT nên tổ chức bốc thăm và công bố toàn quốc trước khi thi một khoảng thời gian nhất định. Nếu không học sinh sẽ ỷ lại và học lệch rất nhiều…” - đó là ý kiến góp ý của một số nhà giáo tại Thanh Hóa về đổi mới thi tốt nghiệp THPT.
Căn cứ 20% chưa phù hợp
Theo đó, nhiều ý kiến đồng ý phương án thi tốt nghiệp THPT với 4 môn thi. Tuy nhiên, việc miễn thi 20% theo đánh giá của nhiều người là chưa phù hợp. Lấy cái gì căn cứ vào 20% - đó là câu hỏi của Thạc sỹ Chu Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường THPT Quảng Xương 1, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa. Theo lý giải của thầy Tuấn thì nếu mức áp dụng đó thì có những trường được 20%, nhưng có những trường hơn và cũng có những trường thấp hơn, không có căn cứ nào để đưa ra tỷ lệ 20%.
Có chăng tùy theo điều kiện để đưa ra danh sách, số lượng học sinh (HS) tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT cho mức sàn, về mặt cơ học là rất nguy hiểm, những em nào giỏi thì đương nhiên đậu, số còn lại trật hết. 20% đối với miền xuôi không sao, nhưng khu vực miền núi có em nào nhỉnh hơn tý thì đậu hết, số còn lại rất khó.
Còn trường chuyên chủ yếu ôn thi quốc gia, quốc tế, HS không học đều các môn được, chủ yếu là học lệch, đặc thù của các em trường chuyên là cả ngày lăn ra thi đấu thì có thể có cách nào đó miễn cho các em được thì tốt.
Về tỷ lệ phần trăm được miễn thi tốt nghiệp, không nên áp đặt 20%, nên có để khuyến khích. Phải thừa nhận một số nhà trường, một số em học giỏi bao giờ cũng học lệch, đây cũng là một cái tạo điều kiện cho các em.
Còn theo quan điểm của cô Mai Châu Phương - giáo viên môn Hóa Trường THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa): “Về tỷ lệ miễn thi tôi không đồng ý, nếu đã miễn thì 100%, nhưng với số HS đi thi vòng 2 chọn Olympic phải ưu tiên. Cho dù các em có là HS giỏi quốc gia sau khi quay về cũng phải học để có kiến thức. Bây giờ miễn, xét % rất khó cho cấp dưới và không công bằng được, mà không công bằng với HS thì HS không chấp nhận được. Các em có ra quay về cũng phải đi thi tốt nghiệp mới hợp lý, nếu không các em sẽ bỏ, đã thiếu kiến thức rồi, còn thiếu hơn".
Không thể để học sinh tự chọn môn thi được!
Theo thầy Tuấn, việc đưa ra phương án cho HS tự chọn ngay năm nay thì hơi nóng vội. Đặc biệt là khâu ôn tập, em thi hai môn này, em hai môn kia, không ôn thì không được, mà việc tổ chức lớp thì rất khó. Ví dụ như môn Địa, khối C cũng chỉ khoảng 15 em đăng ký, còn các em thi khối A, B thì đương nhiên không đăng ký rồi, dẫn đến việc mất bình đẳng, giữa các khối đăng ký không hợp lý. Môn Ngoại ngữ nên đưa vào trong hệ thống môn tự chọn.
Trong 6 môn nên chọn ra hai môn bốc thăm, thống nhất trên toàn quốc, đến ngày giờ tổ chức bốc thăm, làm đề rất dễ, ôn cũng rất dễ, vai trò cũng giống nhau cả, không có chuyện HS chọn môn này có nghĩa môn này các em học giỏi. HS rất thực dụng làm sao đi thi cho hiệu quả, tốt nhất cách ngày thi một hoặc hơn tháng bốc thăm.
Thi 4 môn là đúng, trong đó chọn 2 môn bắt buộc là đúng nốt, nhưng nếu để HS tự chọn thì dẫn đến học sinh ỷ lại, trong tư tưởng HS chỉ chăm chăm học mấy môn tự chọn, cùng lắm thêm môn Ngoại ngữ nữa.
“HS còn nhiều em a dua, bắt chước, thấy một em khác cùng vần học giỏi, mình cũng chọn theo để dễ nhìn bài, và các em sẽ học lệch ngay. Nếu để HS tự chọn, cả nước trở thành một "công trường" ôn thi tốt nghiệp, làm đề rất phức tạp, nhầm lẫn giữa môn này, môn kia. Cuối cùng HS cũng chọn một cách mơ hồ và ngẫu hứng. Như thế vai trò thầy cô không còn gì, mà cái quan trọng là chúng ta phải định hướng cho HS. Theo đó, cứ ôn các môn, và nói thi tốt nghiệp 2, trong 6 môn và 6 môn này đều liên quan đến thi đại học. Sát ngày thi bốc thăm để tránh tâm lý ỷ lại, coi thường các môn của HS”, thầy Tuấn chia sẻ.
Hơn nữa, việc bốc thăm là ngẫu nhiên, tránh được tâm lý ỷ lại, coi thường môn học của HS. Có thể năm nay môn này, năm sau cũng môn này.
Một thực tế, lâu nay HS lười học Lịch Sử, gần như học sinh quên Sử, nếu cho tự chọn, HS sẽ không chọn môn Sử nữa vì dài khó học, như thế rất nguy hiểm. Một lý do nữa cho HS tự chọn để nâng tính tự chủ, sở thích của HS lên, nhưng không phải em nào cũng tự chủ được. Thực tế, lý do nhiều em chọn khối A và B… là vì các khối này nhiều trường đại học để chọn lựa chứ không phải các em hoàn toàn ý thức đầy đủ về cách chọn của mình. Đây là cách chọn thực dụng mà đã thực dụng rồi thì HS khó phát huy tính toàn diện.
Hơn nữa, khối xã hội lâu nay HS đăng ký học đã ít, cho tự chọn lại càng ít, vì với các em, những môn này nhiều kiến thức khó nhớ, trong khi các môn tự nhiên chỉ cần đánh dấu nhân, liếc bạn là xong. Cũng qua thực nghiệm của Trường THPT Quảng Xương 1 thì môn Sử - Địa chỉ có một số em khối C chọn, thậm chí nhiều em khối C cũng chọn Lý - Hóa - Sinh.
Trong khi đó, cô Mai Châu Phương nhận định, đối với môn Ngoại ngữ nên là môn tự chọn không phải bắt buộc, cũng không phải môn khuyến khích, vì còn tùy thuộc vào từng địa phương, nói bình đẳng như nhau là không hợp lý.
“Công tác bảo mật, tôi cũng đã đi cộng sự với Bộ GD-ĐT, thì công tác bảo mật 6 đề hay 8 đề cũng vậy mà thôi, cũng phải một ban bảo mật phải làm, không sợ phức tạp về số lượng đề nhiều hay ít. Bây giờ HS không học môn phụ rất nhiều, mà thi theo ý các em nữa thì HS không để ý đến những môn đó. Đặc biệt là các môn xã hội, HS vốn ít có kiến thức Văn học, Lịch sử, Địa lý, nếu bỏ bê nữa thì các em không có gì trong đầu”, cô Phương nhấn mạnh.
Bà Phạm Thị Hằng - Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa chia sẻ quan điểm: “Từ thực tế địa phương, chúng tôi cũng thấy phương án 4 môn giảm áp lực cho HS. Chúng tôi muốn phương án bốc thăm, không nên cho các em tự chọn. Phân ra một môn thuộc tự nhiên và một môn thuộc xã hội, trong đó có cả ngoại ngữ, hoặc Sử , Địa... nếu cho tự chọn thì hầu hết các em sẽ chọn tự nhiên. Qua theo dõi hồ sơ thi đại học nhiều năm thì hầu hết HS đăng ký các môn tự nhiên, ban C rất ít. Thứ hai việc in sao đề cực kỳ vất vả, 8 môn lần lượt sẽ chọn hết, nguyên thời gian thi, một buổi thi hai ca, các hội đồng coi thi rất vất vả. Hội đồng thi có phòng thi môn này, phòng thi môn kia và 8 môn cùng tổ chức thi”.
Duy Tuyên