Thi THPT 2019: Chuộng bài tự nhiên, “tham” nguyện vọng

Nhiều học sinh sẽ phải thi đến năm bài (chín môn) và còn không ít em đăng ký trên 10 nguyện vọng, thậm chí 20 nguyện vọng để tìm suất vào ĐH-CĐ.

Tính đến cuối tuần qua, thời hạn nộp hồ sơ đăng ký thi kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH-CĐ năm 2019 đã kết thúc. Nhìn chung, số lượng thí sinh đăng ký bài thi khoa học tự nhiên (KHTN) tiếp tục chiếm ưu thế so với bài thi khoa học xã hội (KHXH). Các ngành học về kinh tế, công nghệ thông tin, tài chính ngân hàng... vẫn thu hút lượt đăng ký nhiều nhất của các em.

Đăng ký đến 20 nguyện vọng

Theo thống kê từ các trường THPT tại TP.HCM, năm nay số lượng học sinh đăng ký bài thi KHTN chiếm tỉ lệ lớn hơn cả, dù so với năm trước, số bài thi KHXH có xu hướng tăng hơn. Trong đó, nhiều em còn đăng ký cả hai bài thi KHTN và KHXH để xét tốt nghiệp lẫn xét tuyển ĐH-CĐ.

Năm nay Bộ GD&ĐT vẫn quy định không giới hạn số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển, các nguyện vọng đều có giá trị như nhau. Bộ cũng khuyến cáo thí sinh nên cân nhắc kỹ và hạn chế việc chọn nhiều nguyện vọng. Thế nhưng thực tế vẫn còn rất nhiều học sinh chọn trên 10 nguyện vọng, thậm chí nhiều em chọn đến 20 nguyện vọng để xét tuyển.

Như tại Trường THPT Bùi Thị Xuân, năm nay có 599 học sinh khối 12 tham gia dự thi với tổng số nguyện vọng xét tuyển ĐH-CĐ là 3.300 nguyện vọng. Trong đó, trung bình các em đăng ký 5-6 nguyện vọng, số nguyện vọng ít nhất là hai và nhiều nhất là có đến 10 học sinh đăng ký đến 20 nguyện vọng.

Theo nhà trường, phần lớn các em chọn bài thi KHTN, chỉ còn 95 em chọn bài KHXH, tỉ lệ này tương tự như năm trước. Trong số nguyện vọng đăng ký, các em vẫn chọn những tổ hợp truyền thống và chủ yếu vẫn chọn những ngành học như kỹ thuật, điện tử viễn thông, tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh...

Thi THPT 2019: Chuộng bài tự nhiên, “tham” nguyện vọng - 1

Cô trò lớp 12 Trường THPT Trưng Vương (TP.HCM) trong một giờ học ôn tại lớp.

Tương tự, tại Trường THPT Nguyễn Du có 422 học sinh lớp 12, phần lớn các em vẫn chọn bài thi KHTN. Trong đó có một em đăng ký cả hai bài thi KHTN và KHXH. Và cũng có một số em đăng ký đến 20 nguyện vọng.

Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường, việc đăng ký thi năm nay của các em không còn tập trung như trước vì các trường ĐH-CĐ có quá nhiều phương thức tuyển sinh. Do đó các em bị dàn trải và phân tán ở nhiều phương thức như thi năng lực, xét học bạ...

Thầy Phú cho hay các em vẫn chủ yếu hướng tới các ngành truyền thống và còn hút nhân lực như công nghệ thông tin, kinh tế..., những ngành thuộc nhóm xã hội hay sư phạm rất ít ỏi.

Còn tại Trường THPT Trưng Vương, thống kê sau khi kết thúc nhận đăng ký thi, toàn trường có 429 thí sinh chọn bài thi KHTN (chiếm 70% toàn trường), 181 thí sinh chọn bài thi KHXH (30%)…

Chọn hai bài thi coi chừng... rớt tốt nghiệp

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 diễn ra từ ngày 25 đến 27-6 và vẫn có năm bài thi. Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải dự thi bốn bài thi, gồm ba bài thi độc lập (toán, văn, ngoại ngữ) và một bài thi tự chọn trong số hai bài thi tổ hợp là KHTN (lý, hóa, sinh), KHXH (sử, địa, giáo dục công dân). Thí sinh giáo dục thường xuyên chỉ dự thi ba bài thi, gồm hai bài thi độc lập (toán, văn) và một bài thi tự chọn trong hai bài thi tổ hợp KHTN hoặc KHXH (sử, địa).

Bộ GD&ĐT cũng lưu ý thí sinh khi đã đăng ký cả hai bài thi tổ hợp, thí sinh bắt buộc phải thi cả hai bài, nếu thí sinh bỏ một trong hai bài thi sẽ bị coi là dự thi không đủ số bài thi và không được xét tốt nghiệp THPT.

Điểm liệt năm nay vẫn tính là 1 điểm như mọi năm. Nếu thí sinh chỉ chọn một bài thi tổ hợp mà dính điểm liệt ít nhất một môn trong bài thi đó là không đủ điều kiện xét tốt nghiệp.

Trong trường hợp thí sinh đăng ký hai bài thi tổ hợp để xét và công nhận tốt nghiệp nhưng có một môn trong bài thi tổ hợp nào đó bị dính điểm liệt, hệ thống xét tốt nghiệp sẽ lấy bài thi không dính điểm liệt để xét và công nhận tốt nghiệp cho thí sinh đó.

Cẩn trọng khi điều chỉnh nguyện vọng

 

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, sau khi kết thúc đăng ký thi kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH-CĐ năm 2019, mọi chỉnh sửa về thông tin đăng ký bài thi, nguyện vọng... đều không có hiệu lực.

 

Do đó, Bộ GD&ĐT lưu ý sau khi nộp phiếu đăng ký dự thi, thí sinh sẽ được cấp một tài khoản và mật khẩu để đăng nhập vào hệ thống quản lý thi qua mạng. Tài khoản này được dùng trong quá trình từ khi đăng ký dự thi đến khi xem kết quả, xét công nhận tốt nghiệp THPT, xét tuyển sinh ĐH-CĐ, trung cấp, xem xét các thông tin về giấy báo dự thi, địa điểm thi… Thí sinh cần bảo mật tài khoản và mật khẩu của mình.

Sau khi có kết quả thi THPT quốc gia (dự kiến ngày 14/7), thí sinh được quyền thay đổi nguyện vọng một lần duy nhất (từ ngày 22 đến 31/7) sao cho phù hợp với kết quả thi và sở thích ngành học mình mong muốn. 

Theo Phạm Anh

Pháp luật TPHCM