Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT quốc gia 2019 đạt 94,06%
(Dân trí) - Thông tin trên được Bộ GD&ĐT công bố vào sáng nay 17/7 tại Hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh năm 2019 và thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH tại 3 đầu cầu Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, kết quả tốt nghiệp THPT quốc gia 2019 của cả nước đạt 94,06%. Kết quả của kỳ thi này được dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT; đồng thời cung cấp dữ liệu làm cơ sở để tuyển sinh ĐH,CĐ và cung cấp thông tin bổ sung về chất lượng giáo dục phổ thông.
Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của các tỉnh năm nay, Nam Định vẫn là tỉnh dẫn đầu cả nước với 98,57%; tiếp đến là Hà Nam đạt tỷ lệ 97,57%; Hà Tĩnh đạt 96,87%; Hải Phòng đạt 97,34%; Bà Rịa Vũng Tàu là 95,55%, Cần Thơ là 95,51% (năm 2018 là 96,76%)… Hà Giang và Sơn La giảm sâu so với năm 2018, còn hơn 70%...
Nhiều chuyên gia nhận định, điểm thi THT quốc gia năm 2019 đúng với kết quả kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ trước đây, khi mục đích sàng lọc, phân loại cao.
Ông Lê Trường Tùng- trường ĐH FPT nhận định, nhìn từ phổ điểm có thể thấy, điểm trung bình của tất cả các môn năm nay đều cao hơn năm ngoái từ khoảng 10-20%. Điểm thi năm nay đảm bảo mức độ phân hóa như năm ngoái nhưng bức tranh sáng sủa hơn nhiều.
Bà Nguyễn Thị Phương Nga, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, phổ điểm các môn trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 phản ánh được đúng năng lực học sinh phổ thông. Việc phổ điểm hầu như nghiêng về phía tay phải có nghĩa đề thi không quá khó cũng không quá dễ.
Đáng chú ý, ở hầu hết các tổ hợp xét tuyển 3 môn truyền thống vào ĐH đều có mức điểm 16-17, tức trên mức trung bình, mức điểm cao 22 điểm trở lên có độ phân hóa rõ rệt.
Bà Nga đánh giá cao đề thi năm nay đã đáp ứng được cả tiêu tiêu chí xét tuyển ĐH-CĐ, các trường top giữa sẽ không còn “khát” sinh viên như những năm trước.
Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cho biết, điểm đáng lưu ý năm nay đó chính là ở mức điểm cao từ 7,8 trở lên mức phân hóa khá tốt. Chẳng hạn như môn Vật lý ở mức điểm 7 có 17.519 thí sinh thì mức 8 là 5359, mức 9 là 641 và điểm 10 chỉ có 12 em; môn Toán ở điểm 7 là 35.203 nhưng điểm 8 chỉ còn 22.002 và ở mức 9 còn 4765 và điểm 10 thì rất ít, 12 em.
Mức điểm cao có độ phân hóa tốt nên việc xét tuyển đại học cũng sẽ rất thuận lợi để các trường chọn được thí sinh phù hợp.
Đánh giá về phổ điểm theo các khối truyền thống, ông Sơn cũng nhận định, các khối có nhiều thí sinh đăng ký và nhiều trường sử dụng thì phổ điểm lại có tính phân hóa tốt hơn. Ở khối A00 (toán lý hóa) nếu như ở mức 18 điểm có 33.899 em thì đến mức 21 là 32.322, mức 22 là 25.820, mức 24 là 18.205, mức cao tầm 26 chỉ còn trên 2886 và điểm 27 là 1115 thí sinh.
Tương tự ở khối A01 (toán lý anh) thì mức 26 điểm có 3710 em, mức 28 có 420 em. Khối các trường y dược hay xét đó là khối B00 (toán hóa sinh) thì mức 25 điểm là 2506 em, mức 26 điểm là 1414, mức 27 là 713 em.
“Với số lượng thí sinh đạt được mức điểm cao cũng giúp các trường đảm bảo nguồn tuyển và độ phân hóa tốt giúp các ngành sẽ chọn được học sinh mà không cần dùng các tiêu chí phụ”, ông Sơn nhận định.
Hồng Hạnh