Thầy giáo nhà nghèo theo nghề "cầm phấn" để giúp đỡ người cùng hoàn cảnh

Thu Hoài

(Dân trí) - Sinh ra trong hoàn cảnh nghèo khó, thầy giáo Nguyễn Văn Hải quyết tâm "cõng chữ" lên núi với mong muốn giúp đỡ các em vùng cao được đổi đời.

Nhà nghèo, theo nghề "cầm phấn" để giúp đỡ người cùng hoàn cảnh

Thầy Nguyễn Văn Hải (1991) sinh ra tại mảnh đất Thuận Thành (Bắc Ninh). Hiện nay, Thầy Hải công tác tại Trường Cao đẳng Công nghệ và Nông Lâm Đông Bắc.

Thầy giáo nhà nghèo theo nghề cầm phấn để giúp đỡ người cùng hoàn cảnh - 1

Thầy Hải chụp ảnh lưu niệm cùng Phó hiệu trưởng và đồng nghiệp khi tham gia hội giảng cấp bộ. (Ảnh: NVCC).

Thầy Hải không xuất thân từ nghề giáo. Sau khi bước chân khỏi cánh cửa Trường Đại học Lâm nghiệp (Hà Nội) chàng trai Bắc Ninh đã có quãng thời gian trải nghiệm khi đi làm việc tại doanh nghiệp. 

Sau 3 tháng làm việc, thầy Hải được người quen giới thiệu về việc học và thi sư phạm. Thầy đắn đo, suy nghĩ và quyết định thi vào con đường "cầm phấn".

Tại thời điểm đó, thầy Hải nghĩ rằng: "Nếu tôi trở thành thầy giáo, tôi sẽ có thể vừa mưu sinh, vừa giúp đỡ được cho những em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như tôi".

Thầy Hải cho rằng, việc có cơ hội công tác trong ngành giáo dục vừa là duyên số vừa là trách nhiệm: "Ban đầu tôi nghĩ là duyên số vì lựa chọn đầu tiên của tôi không phải nghề giáo nhưng về sau thì chắc chắn là trách nhiệm bởi giờ đây tôi đã trở thành một phần của nơi đây và giúp các em học sinh thoát khỏi "cái bóng" nghèo khó".

Thầy giáo nhà nghèo theo nghề cầm phấn để giúp đỡ người cùng hoàn cảnh - 2

Thầy Hải chụp ảnh lưu niệm cùng các bạn sinh viên khi hướng dẫn các bạn tham gia cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp cấp tỉnh và cấp bộ năm 2021". (Ảnh: NVCC).

Sinh ra trong gia đình khó khăn, bố có sức khỏe không được tốt, mẹ là trụ cột gia đình, thầy Hải từng phải chịu nhiều thử thách. Tuy nhiên, bố mẹ vẫn luôn mong muốn thầy đi học để có một tương lai xán lạn.

Năm 21 tuổi, biến cố gia đình xảy ra, mẹ mất, kinh tế gia đình chênh vênh nhưng thầy Hải vẫn cố gắng đi học. 

"Thời điểm đó, tôi đang học năm 3 nên đi học nhiều và không có thời gian nghỉ nên không thể đi làm. Tuy nhiên, nhà tôi vẫn cố gắng nuôi tôi học hành. Tôi cũng biết tâm nguyện của bố mẹ nên chỉ có thể phấn đấu học và đi làm thêm kiếm tiền phụ giúp gia đình vào những ngày nghỉ", thầy Hải nhớ lại.

Quặn lòng khi chứng kiến hình ảnh túng thiếu của học sinh vùng cao

Khi lên miền núi "cõng chữ" chứng kiến các em học sinh dân tộc thiểu số nghèo khổ, thiếu cơm ăn áo mặc, thầy lại thấy chạnh lòng, đồng cảm với những lớp người ở huyện miền núi Hữu Lũng (Lạng Sơn).

Thầy giáo nhà nghèo theo nghề cầm phấn để giúp đỡ người cùng hoàn cảnh - 3
Thầy Hải chụp ảnh lưu niệm cùng các bạn học sinh tại gian hàng trưng bày sản phẩm dự án khởi nghiệp cấp tỉnh năm 2022. (Ảnh: NVCC).

"Nhìn các em, dường như tôi thấy được bản thân tôi của trước đây. Hình ảnh những ngày xưa cũ ùa về khiến tôi cay cay mắt, tôi hạ quyết tâm sẽ ở lại đây giúp đỡ để các em có tương lai tươi sáng hơn", thầy Hải xúc động nói.

Thầy Hải vẫn nhớ như in ngày đầu tiên đến công tác tại ngôi trường miền núi phía Bắc nước ta. Ấn tượng đầu tiên trong ngày đi dạy của thầy chính là những cung đường đầy rẫy nguy hiểm, khúc khủyu và cheo leo. 

"Những học sinh nơi đây rất khác so với những bạn học tôi gặp ở miền xuôi. Ở đây đa số các bạn là học sinh vừa học hết lớp 9. Người dân nơi đây chủ yếu là dân tộc thiểu số, hơn 90% là hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Đặc biệt, do sinh ra ở vùng đặc biệt khó khăn nên nhận thức của các bạn chưa tốt. Vì vậy, tôi lại càng thương con người nơi đây, hoàn cảnh nghiệt ngã đưa đẩy họ vào cuộc sống khốn khó không ai muốn", thầy Hải tâm sự.

Với thầy Hải, hành trình giảng dạy gần 10 năm không mấy dễ dàng. Tuy sống trong khổ cực đã quen nhưng thầy vẫn gặp nhiều khó khăn bởi điều kiện sống, sinh hoạt. 

Cũng như các thầy cô ở các huyện miền núi, thầy Hải phải đến nhà vận động học sinh và phụ huynh cho con em đến trường đi học. Ngoài ra, thầy Hải cùng các đồng nghiệp ở trường còn phải đi sang các huyện, các tỉnh khác để giảng dạy. 

Thầy giáo nhà nghèo theo nghề cầm phấn để giúp đỡ người cùng hoàn cảnh - 4
Thầy Hải thực hiện bài giảng tại Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) năm 2023. (Ảnh: NVCC).

Theo thầy Hải, việc các học sinh dân tộc thiểu số ít được tiếp cận với việc học một phần là do nhận thức bị ảnh hưởng từ các thế hệ đi trước.

"Cha mẹ các em vẫn chưa thấy vai trò quan trọng của việc học. Bên cạnh đó, phong tục tập quán của từng vùng cũng ảnh hưởng đến suy nghĩ và lựa chọn của các bạn sinh viên.

Theo tôi, chính sách của Đảng, Nhà nước đã và đang tạo điều kiện, hiện tại đội ngũ giáo viên chỉ cần thông tin và định hướng làm sao cho thật đầy đủ và kịp thời, làm sao mà để tư duy của các bạn, các bậc phụ huynh thấy được vai trò quan trọng của việc học nữa thì có lẽ vấn đề giáo dục trên vùng cao sẽ được giải quyết", thầy Hải nói.

Giáo án và tình người

Với tấm lòng yêu nghề, thầy Hải đã đạt được nhiều thành tích và bằng khen từ trường, tỉnh đoàn. Đặc biệt, trong năm nay, thầy vinh dự nhận được giải Nhất kỳ thi hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.

"Để đạt được thành quả như ngày hôm nay là cả một quá trình phấn đấu của tôi trong nhà trường. Tôi ý thức được trách nhiệm của bản thân và cảm thấy vinh dự khi được tham gia kỳ thi. Do đó, tôi đã chủ động trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp đã tham gia kỳ hội giảng trước. 

Đặc biệt, tôi đã xác định trước được nội dung phương pháp để bài giảng được thể hiện một cách sinh động nhất để các em có thể tiếp thu một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, tôi xin chân thành cảm ơn sự hỗ trợ và tạo điều kiện từ nhà trường và đồng nghiệp đã giúp đỡ tôi trong thời gian qua", thầy Hải tâm sự.

Thầy giáo nhà nghèo theo nghề cầm phấn để giúp đỡ người cùng hoàn cảnh - 5
Thầy Hải chụp ảnh cùng đồng nghiệp khi được nhận quyết định kết nạp Đảng. (Ảnh: NVCC).

Trải lòng về ngành "cầm phấn" của một "người lái đò" nhiệt huyết, thầy Hải tâm sự: "Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng sinh thời đã nói: "Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo vì nó đã sáng tạo ra những con người sáng tạo". 

Khi đã lựa chọn đi theo con đường nhà giáo, chúng ta phải quyết tâm yêu nghề. Nghề giáo không tạo ra sản phẩm có giá trị cụ thể nhưng có thể tạo ra những con người có giá trị cho xã hội".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm