25 năm công tác nơi rừng núi hoang vu của cô giáo quê Hà Nội

Mỹ Hạnh

(Dân trí) - 25 năm công tác tại các điểm trường của huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, cô Khuất Thị Hoa dành hết tâm huyết và tình yêu với nghề, nỗ lực trao cơ hội đi học đến với học sinh dân tộc thiểu số tại nơi đây.

Cô Khuất Thị Hoa (50 tuổi, sinh ra tại Hà Nội), hiện là Hiệu trưởng của Trường Tiểu học Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, đã có 25 năm gắn bó với những ngôi trường trên vùng cao, đặc biệt khó khăn trên địa bàn.

Dẫu gặp phải nhiều những khó khăn để duy trì sĩ số học sinh qua từng năm khi phải đối mặt với những vấn nạn về tảo hôn, phong tục khác biệt nơi vùng cao, nhưng đối với cô, chỉ cần có nhiệt huyết và đam mê với nghề, gian nan nào cô cũng có thể vượt qua.

Câu chuyện của cô giáo Khuất Thị Hoa cũng chính là minh chứng rõ nét cho sự thành công của dự án 4 về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Vừa đi dạy học, vừa dạy bà con phát triển kinh tế, đời sống

Từ nhỏ, cô Hoa đã có tình yêu mãnh liệt đối với nghề giáo. Nhưng phải đến khi đã lập gia đình và có con nhỏ, cô mới đạt được ước mơ thi đỗ vào sư phạm. Trước đó, khi còn trẻ hơn, cô Hoa cũng từng thi nhưng kết quả không như mong muốn.

25 năm công tác nơi rừng núi hoang vu của cô giáo quê Hà Nội - 1
Chân dung cô giáo Khuất Thị Hoa, người giáo viên đã gắn bó 25 năm với các điểm trường địa bàn tỉnh Sơn La (Ảnh: NVCC).

Sau khi tốt nghiệp, ngày cô nhận quyết định phân công công tác cũng là ngày mà cô và chồng cũ ra tòa ly thân. Tạm gác những mớ cảm xúc hỗn độn, cô cùng con tới Trường Tiểu học Tô Múa, Sơn La, một ngôi trường miền núi cách trung tâm huyện hơn 50km.

Dù đã chuẩn bị trước tinh thần, nhưng phải đến khi đặt chân tới ngôi trường nằm sâu trong rừng, hoang vu, thậm chí chị còn nghe thấy tiếng vượn hú, cô mới chợt hiểu nỗi khó khăn vất vả của mình trước đây không là gì so với khó khăn trước mắt.

Sân trường Tô Múa khi ấy vắng tanh với hai dãy nhà học cũ kỹ nằm cheo leo bên sườn đồi. Cuộc sống tại đây vô cùng khó khăn khi không có điện, nước. Muốn có nước sinh hoạt, cô phải gánh nước từ con suối ở xa. Nhưng cô hòa nhập với cuộc sống ở đây rất nhanh, vì các thầy cô, bà con ở đây, ai cũng sống rất tình cảm.

Cô Hoa chia sẻ, ngôi trường nằm tại vùng trũng nên mỗi khi lũ về, toàn bộ trường ngập đến nóc, nhìn rất đáng sợ.

"Cánh đồng của bà con ngập, nhà cửa ngập hết, chúng tôi cũng không dạy được. Vì trường nằm ở dưới thung lũng nên sau mỗi trận lũ, tôi lại cùng người dân nạo vét, lau bùn ở bàn ghế lớp học để các em học sinh được tiếp tục đến trường.

Nhân dân ở đây rất hiền lành, chăm chỉ nhưng để hòa nhập và phát triển thì họ còn thiếu kỹ năng, kiến thức. Vậy nên khi ở đây, ngoài việc dạy học thì mình cũng chia sẻ thêm với nhân dân về làm ăn kinh tế, giúp họ phát triển đời sống".

Trèo đèo lội suối, vào rừng sâu đi tìm học sinh để duy trì sĩ số lớp học

Trong quá trình công tác tại các trường miền núi, cô Hoa luôn nỗ lực hết mình để mọi học sinh đều có thể đến trường, không em nào bỏ học. Từ những kinh nghiệm thực tế, cô tiến hành nghiên cứu sáng kiến kinh nghiệm về việc duy trì sĩ số học sinh dân tộc và được áp dụng hiệu quả.

Đã từng nhiều năm giữ các cương vị giáo viên chủ nhiệm, Tổng phụ trách đội, Bí thư chi đoàn, trải qua biết bao những khó khăn, nỗ lực, cô có rất nhiều kỷ niệm sâu sắc khi làm nghề giáo tại mảnh đất này.

Không ít lần, cô đã cùng các thầy cô giáo khác và phụ huynh cùng rong ruổi trèo đèo, lội suối. Người đeo túi quần áo, người mang túi gạo, người cầm túi sách vở đến nhà vận động học sinh bỏ học đến trường.

Sau 16 năm công tác tại Trường Tiểu học Tô Múa, cô chuyển tới Trường Tiểu học Vừ A Dính tại huyện Vân Hồ ở Sơn La. Đây cũng là nơi cô gặp và nên duyên với người chồng hiện tại.

25 năm công tác nơi rừng núi hoang vu của cô giáo quê Hà Nội - 2
Hình ảnh các em học sinh cùng cô Hoa trong ngày trải nghiệm hoạt động "Ngày Tết quê em" (Ảnh: NVCC).

Trường Tiểu học Vừ A Dính đóng trên địa bàn vô cùng phức tạp. Cơ sở vật chất, trường lớp đều tạm bợ. Số học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, có bố mẹ nghiện ma túy, buôn bán ma túy nên bị bắt, đang chấp hành án, bố mẹ do tệ nạn tảo hôn lấy nhau nhưng bỏ nhau rất nhiều.

Bên cạnh đó, học sinh và các gia đình tại đây biết rất ít tiếng phổ thông, vậy nên việc vận động và duy trì số lượng học sinh gặp rất nhiều khó khăn.

"Dù đối mặt với sự khó khăn đó, tôi cũng không sợ, vì rất thích được thử thách, được trải nghiệm, mong muốn bản thân có thể tạo ra cơ hội cho các em", cô Hoa cho hay.

Khi đó, cô Hoa triển khai quy định để giáo viên có thể đến trường sớm hơn. Hôm đó nếu như có học sinh nào chưa đi học, các thầy cô lại tiếp tục lần lượt đến nhà từng em một để đưa các em tới trường.

Đến nay, tình trạng học sinh nghỉ học tuy đã giảm bớt. Nhiều khi các thầy cô đi đón các em cũng rất vất vả. Có những em thầy cô phải dỗ rồi bế lên xe vì các em khóc lóc không chịu đi học. Có những học sinh trốn vào rừng, các thầy cô cũng phải đi thật sâu vào trong rừng tìm.

Mỗi thầy cô sẽ đóng vai trò là người đỡ đầu của các em học sinh, hỗ trợ về mặt tinh thần và cả về vật chất như quần áo, giày dép, đồ dùng học tập. Những em nào thiếu thốn sẽ được lập danh sách và xin hỗ trợ. Các thầy cô cũng trích một phần tiền lương để giúp các em có đầy đủ đồ dùng học tập.

Ngoài ra, cô cùng các giáo viên trong trường cũng huy động mạnh thường quân và xin hỗ trợ từ các nhà từ thiện để các em có được sự giúp đỡ và ủng hộ từ phía mọi người dưới miền xuôi.

25 năm công tác nơi rừng núi hoang vu của cô giáo quê Hà Nội - 3
Cô Hoa cùng các em học sinh nhận đồ dùng học tập mới (Ảnh: NVCC).

Đến thời điểm hiện tại, cô Hoa đang công tác tại Trường Tiểu học Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Trên địa bàn xã, nhiều phụ huynh vẫn phản đối việc con em đi học do gia đình khó khăn. Nhận thức của họ vẫn chưa được đầy đủ, đặc biệt là về quyền đi học của trẻ em gái.

Khi ấy, cô đã cùng phối hợp với ban quản lý bản, ban cha mẹ học sinh, vận động tuyên truyền rằng, không cho con đi học chính là vi phạm pháp luật. Sau đó phụ huynh cũng nói rằng cho con đi học thì không ai ở nhà trông em.

"Nhưng tôi nói với phụ huynh rằng, nếu các em đi học thì tôi sẽ tài trợ sách vở, đồ dùng, còn việc trông em là trách nhiệm của bố mẹ.

Cũng nhờ vậy mà so với đầu năm, số lượng học sinh không đến trường đã giảm đi đáng kể", cô Hoa nói.

Gắn bó với nghề giáo dù đồng lương ít ỏi, không có quà cáp vào những ngày lễ, tết

Ngoài ra, việc vừa trang trải cho cuộc sống của các em, vừa trang trải cho cuộc sống của chính mình cũng vô cùng khó khăn với các thầy cô. Cô Hoa tâm sự: "Từ trước đến nay, các thầy cô vẫn phải đi dạy học, đã yêu nghề thì phải cố gắng.

Không giống miền xuôi, lễ tết ở đây, các thầy cô không có quà cáp. Giáo viên không dạy thêm vì hạn chế thời gian và phụ huynh khó khăn. Các thầy cô chỉ sống bằng đồng lương ít ỏi, nỗ lực để ổn định và bằng lòng với những gì mình có".

Có con nhỏ trong quãng thời gian đang công tác, cô Hoa cũng rất khó khăn khi vừa phải cân bằng giữa thời gian làm việc và thời gian dành cho gia đình, chăm sóc 4 con nhỏ. Nhưng nhờ có chồng và đồng nghiệp hỗ trợ, cô đã vượt qua được hết thảy.

"Nhiều lúc khó khăn, có những hôm phải dậy từ 3 giờ sáng để đi công tác trên đường núi tối tăm không có đèn đường nhưng tôi tin rằng nếu nhiệt huyết, mình sẽ làm được hết. Không tâm huyết với nghề giáo thì không thể theo nghề được. Tôi có duyên và hợp với nghề giáo. Nếu được chọn lại, tôi vẫn sẽ chọn nghề giáo", cô Hoa bộc bạch.

Năm trước và năm nay, trường của cô Hoa đều duy trì tốt sĩ số học sinh và không có học sinh bỏ học. Mục tiêu của cô là từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng dạy học, phấn đấu đạt trường chuẩn quốc gia trong thời gian sớm nhất.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm